Mặt trời mọc trên đỉnh núi ở tỉnh Carchi, miền Bắc Ecuador. Ảnh: WMO/Boris Palma |
Trong Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu năm 2020 với tiêu đề “Giới tuyến tiếp theo: Phát triển Con người trong kỷ nguyên con người tác động lên khí hậu và môi trường” được công bố mới đây, UNDP cho biết, đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng lớn mà thế giới phải đối mặt, nhưng nếu con người không tôn trọng thiên nhiên, sẽ còn nhiều cuộc khủng khoảng lớn như vậy nữa. Đây là lý do vì sao Báo cáo giới thiệu một chỉ số thử nghiệm mới về phát triển con người có tính đến lượng khí thải carbon dioxide và tiêu dùng vật chất của các quốc gia.
Báo cáo đưa ra một lựa chọn rõ ràng cho các nhà lãnh đạo thế giới, thực hiện các bước để giảm bớt áp lực lớn đối với môi trường và thế giới tự nhiên, nếu không sự tiến bộ của nhân loại sẽ bị đình trệ. Ước tính cho thấy, vào năm 2100, các quốc gia nghèo nhất trên thế giới có thể trải qua thêm 100 ngày thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu mỗi năm, nhưng con số này có thể giảm đi một phần hai nếu Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thực hiện đầy đủ.
Tương tự, chỉ riêng việc tái trồng rừng và chăm sóc rừng tốt hơn có thể chiếm khoảng 1/4 các hành động trước năm 2030 nhằm ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu vượt quá 2 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Báo cáo cũng chỉ ra tác động của bất bình đẳng giữa và trong các quốc gia, sự tham gia không quyết liệt của người dân bản địa trong việc ra quyết định và phân biệt đối xử, khiến các cộng đồng bị ảnh hưởng phải chịu rủi ro môi trường cao.
"Không có quốc gia nào trên thế giới đạt được bước tiến lớn trong phát triển con người mà không gây áp lực lớn đối với hành tinh. Nhưng chúng ta có thể là thế hệ đầu tiên giải quyết vấn đề này. Đó là bước tiến mới tiếp theo cho sự phát triển của con người”, Achim Steiner, Quản trị viên của UNDP nhấn mạnh.