Hợp tác xã ong mật Điện Biên thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho đàn ong. |
Nhờ khí hậu rất trong lành, các xã Sam Mứn, Núa Ngam là hai xã có điều kiện tự nhiên rất lý tưởng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Người nuôi ong ở Sam Mứn và Núa Ngam thường thuần hóa giống ong rừng và nhân đàn để nuôi, vì vậy, chất lượng mật ong nuôi ở hai địa phương này cũng không hề thua kém mật ong lấy từ rừng tự nhiên nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Đặc biệt, ở Sam Mứn, ngoài những vụ mật chính kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, những người thợ nuôi lành nghề còn sáng tạo ra cách để đàn ong làm mật từ nguồn hoa rừng nở vào mùa đông. Ở Sam Mứn, có 2 loài hoa rừng nở vào mùa đông đem về cho người nuôi ong một nguồn mật rất có giá trị là hoa chó đẻ và hoa ngũ gia bì. Đây được xem là đặc sản mật ong mùa đông của người dân Sam Mứn, bởi 2 loài hoa rừng này còn có tác dụng như một vị thuốc nam.
Trước đây, đa số người dân Điện Biên nuôi ong theo hướng tự phát, năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ. Được sự hỗ trợ của sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và huyện Điện Biên. Hợp tác xã ong mật Điện Biên được thành lập từ tháng 2/2019 với việc hình thành trên cơ sở kết nối 9 hộ có cùng đam mê, nhiều năm kinh nghiệm nuôi ong, sản xuất mật ong trên địa bàn xã Sam Mứn (huyện Điện Biên). Mục tiêu hợp tác xã hướng đến là tạo thương hiệu và nâng cao giá trị mật ong Điện Biên trên thị trường.
HTX mật ong Điện Biên xây dựng 4 sản phẩm chủ lực: Mật ong các loài hoa rừng; mật ong bánh tổ; phấn hoa và sữa ong chúa. Vừa qua, sản phẩm mật ong hoa ban của hợp tác xã ong mật Điện Biên đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp loại 4 sao. |
Với quy mô trên 2.000 đàn ong nuôi tự nhiên, mỗi năm hợp tác xã ong mật Điện Biên cho sản lượng trên 100 tấn mật ong thô. Tham gia Chương trình OCOP năm 2019, HTX xây dựng 4 sản phẩm chủ lực: Mật ong các loài hoa rừng; mật ong bánh tổ; phấn hoa và sữa ong chúa. Vừa qua, sản phẩm mật ong hoa ban của hợp tác xã ong mật Điện Biên đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp loại 4 sao.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Hợp tác xã ong mật Điện Biên cho biết: Hợp tác xã mới thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm, với quy mô nhỏ, kinh phí hoạt động hạn hẹp nên thị phần sản phẩm trên thị trường còn hạn chế. Đây cũng là khó khăn lớn nhất của hợp tác xã sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã vẫn đến từ việc bán mật thô cho các thương lái ở các tỉnh dưới xuôi, với giá thành rẻ, chỉ bằng ½ giá trị của sản phẩm mật ong thành phẩm đạt chuẩn.
Mặc dù thời gian qua, Hợp tác xã cũng đã được huyện Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên tạo điều kiện tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm nông sản Điện Biên ở các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Hiệu quả mang lại từ các hoạt động này là rất lớn và giúp Hợp tác xã có nhiều khách hàng biết đến.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Hợp tác xã ong mật Điện Biên giới thiệu sản phẩm phấn hoa được công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. |
Hiện nay, Hợp tác xã ong mật Điện Biên có khoảng 30% lượng khách hàng tìm hiểu và xin thông tin về sản phẩm đã liên hệ lại và đặt hàng các sản phẩm mật ong. Từ đó, có thể thấy đây là một kênh để đưa sản phẩm nông sản đến gần người tiêu dùng hơn, từ đó sản phẩm được biết đến nhiều hơn, góp phần mở rộng thị trường sản phẩm.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Hợp tác xã ong mật Điện Biên bày tỏ: Thời gian tới, để sản phẩm mật ong Điện Biên vươn xa ra thị trường, bên cạnh việc nỗ lực nâng cao chất lượng các sản phẩm mật ong của Hợp tác xã, Hợp tác xã ong mật Điện Biên rất cần các cấp, ngành có liên quan tạo điều kiện hơn nữa để Hợp tác xã tham gia nhiều sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản Điện Biên đến với người tiêu dùng, góp phần xây dựng đầu ra ổn định cho sản phẩm.