Xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên bằng tiêu chuẩn OCOP

Hoàng Châu| 13/05/2020 08:24

(TN&MT) - Bắt đầu triển khai thực hiện từ cuối năm 2018, đến nay Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đang có những bước đi đúng hướng. Việc thực hiện Chương trình đã tạo động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Cánh đồng Mường Thanh với thương hiệu gạo Điện Biên nức tiếng.

Là địa phương còn nhiều khó khăn song huyện Điện Biên đã chú trọng thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chúc sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương, có khả năng phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Trước mắt tập trung phát triển sản phẩm “Gạo Điện Biên” và du lịch cộng đồng. Đồng thời triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở trong và ngoài tỉnh.

Nằm ở khu vực có nhiều lợi thế về xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Dựa trên lợi thế về đất đai, nguồn nước và kinh nghiệm sản xuất của người nông dân, nhiều năm nay các xã trên địa bàn huyện đã có quy hoạch sản xuất hợp lí, tạo nên vùng sản xuất hàng hóa nông sản khá rộng lớn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay huyện Điện Biên đang triển khai Dự án Cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa (IR64 và Bắc thơm số 7)

HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã thu hút được 80 hộ gia đình nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Diện tích sản xuất lúa gạo chất lượng cao của HTX cũng tăng lên từ 31 ha năm 2016 lên hơn 70 ha năm 2020.

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, huyện Điện Biên đã có các cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm ưu thế; đồng thời tạo điều kiện cho các HTX liên kết với bà con nông dân xây dựng những mô hình sản xuất lớn. Mô hình cánh đồng mẫu lớn do HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên thực hiện là mô hình tiêu biểu hiện nay của huyện Điện Biên.

Ngay từ năm 2015, sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã kết hợp với bà con nông dân trong xã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa gạo thương hiệu Điện Biên chất lượng cao. HTX cam kết hỗ trợ bà con từ giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch đến bao tiêu sản phẩm.

Để thương hiệu gạo sạch nâng cao chất lượng, hiệu quả, vươn ra thị trường, HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên tập trung sản xuất đảm 3 sạch. Điều quan trọng nhất chính là nguyên tắc “3 không”, đó là không được sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà thay vào đó là các chế phẩm thảo mộc do tự tay nông dân làm ra như gừng, tỏi, ớt lên men để đảm bảo diệt sâu bọ; dùng thân cây chuối, cây khoai lên men trở thành phân bón hữu cơ; các chế phẩm dinh dưỡng được tạo ra từ trái cây, cá tạp, xương động vật, vỏ trứng được tạo thành đạm để bón cho cây lúa… 

Người nông dân phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó, hàng tuần, họ đều mất thời gian để làm phân bón, chế phẩm dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật hoặc sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm và sử dụng phân chuồng được ủ bằng chế phẩm Trichoderma bón cho cây lúa. Dùng phương pháp này không chỉ sản xuất lúa sạch mà còn bảo vệ môi trường, không còn tình trạng vỏ chai thuốc hóa học tràn lan, bừa bãi như trước.

Sản phẩm gạo Tám Điện Biên đảm bảo 100% các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, được đóng gói với nhãn mác, bao bì, mã vạch quy chuẩn, được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường.

Thành công trong  liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo đặc sản ngay từ vụ đầu tiên. Sau 3 năm thực hiện mô hình, đến nay HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã thu hút được 80 hộ gia đình nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Diện tích sản xuất lúa gạo chất lượng cao của HTX cũng tăng lên từ 31 ha năm 2016 lên hơn 70 ha năm 2020. Sản phẩm gạo Tám, gạo Tâm Sáng của HTX Thanh Yên đảm bảo 100% các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, được đóng gói với nhãn mác, bao bì, mã vạch quy chuẩn, được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường.

Cũng nhờ việc chủ động trong khâu quảng bá, tìm thị trường cho sản phẩm ngay từ khi triển khai dự án mà đến nay sản phẩm gạo chất lượng tại cánh đồng Mường Thanh cũng đã được đưa vào tiêu thụ rộng rãi tại các siêu thị trên địa bàn các tỉnh khác như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên…

Điện Biên có nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp đặc trưng. Nếu phát huy tốt các sản phẩm này, sẽ giúp người dân nông thôn tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” đã và đang được các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên tích cực triển khai và được các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ. Đây được đánh giá là chương trình sẽ tạo sức bật cho các xã thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên bằng tiêu chuẩn OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO