Xây dựng phương án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài nguyên và Môi trường

Thuỵ Khanh | 09/11/2022 16:34

(TN&MT) - Ngày 9/11, tại Hà Nội, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “ Gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực tài nguyên và môi trường với thực tiễn xã hội trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực, tăng cường sự hợp tác, phát triển trong nghiên cứu khoa học với nhiều đối tác chiến lược.

Tham dự có GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các khối trường Đại học và thầy cô trực thuộc nhà trường.

314722942_2378216285687694_2833380749367141721_n.jpg
PGS.TS Lê Thị Trinh phát biểu tại khai mạc Hội thảo 

PGS.TS Lê Thị Trinh -  Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp cho các chuyên ngành đào tạo, đáp ứng nhu cầu công việc trong thực tế là vấn đề rất cần quan tâm tại các cơ sở giáo dục cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra diễn đàn trao đổi thông tin khoa học giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Hội thảo đã nhận được 52 bài viết chất lượng là tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cán bộ giảng viên trong và ngoài trường. Các bài tham luận tập trung xoay quanh vấn đề về vai trò, cơ chế, chính sách của việc gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường hiện nay; giải pháp tăng cường đội ngũ làm việc, nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học công nghệ gắn với nhu cầu xã hội; thực tiễn ứng dụng chia sẻ kết quả khoa học, chuyển giao ứng dụng công nghệ tài nguyên môi trường.

314674333_2378217035687619_166395675942010172_n.jpg
TS Vũ Thắng Phương nhấn mạnh về vai trò của việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường 

TS Vũ Thắng Phương - Vụ KH&CN, Bộ TN&MT nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo nghiên cứu khoa học hiện nay là một sự kiện rất thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo từ đội ngũ giảng viên đến việc đề ra những phương hướng nghiên cứu khoa học, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng được vào thực tiễn. Theo kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tổ chức các hội thảo khoa học hàng năm, trong năm 2022, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức thành công 2 hội thảo quốc tế với các chuyên gia trong và ngoài nước, điều đó khẳng định vị trí, vai trò của nhà trường trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Qua đó, càng có thể thấy được tầm quan trọng của giáo dục đào tạo nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực chuyên ngành và tài nguyên môi trường.

Thông qua chương trình Hội thảo, có các bài tham luận của nhiều nhà nghiên cứu công trình khoa học, bao gồm: Tham luận từ Học viện Kỹ thuật Quân sự về vấn đề xây dựng giải pháp ứng phó với lũ lụt trong những khu vực ngập lụt; Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường về ứng dụng thực tiễn trong các vấn đề về tài nguyên, môi trường và phát triển nguồn nhân lực trong đào tạo quản lý thời kỳ 4.0; Khảo sát hiện trạng môi trường nông thôn bằng công cụ PRA của Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng - Khoa Môi trường và TNTN, trường Đại học Cần Thơ,…

Tiêu biểu bài tham luận về “Sự cần thiết tăng cường nhu cầu nhân lực và mối liên kết giữa Doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo lĩnh vực tài nguyên môi trường”, ông Lê Hoàng Hoán – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đất Việt (VLG) trình bày về phương án tăng cường nguồn nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt, trong ngành tài nguyên và môi trường với vai trò bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên gắn liền với biến đổi khí hậu và chống ô nhiễm môi trường lại càng cần đến nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Ông Hoán cho biết, hiện nay, cung không đủ cầu, do nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu chuyên sâu về ngành còn thiếu, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường là điều kiện khách quan và cấp thiết cần được đặt ưu tiên hàng đầu trong sự phát triển của ngành.

314093830_2378217125687610_7364005219051015985_n.jpg
Ông Lê Hoàng Hoán - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đất Việt trình bày tham luận 

Qua kết quả khảo sát về mối liên hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cho thấy, hiện nay, thị trường lao động là rất lớn về nhân lực, nhất là đối với vấn đề đào tạo ngành Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, thiết kế khung chương trình theo hướng hiện đại, khoa học, chú trọng các kỹ năng về chuyên môn, mang tính thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động; tăng cường thêm các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học, nâng cao định hướng rõ ràng cho tương lai của sinh viên và tạo nên kỹ năng làm việc trong ngành. Đặc biệt là đối với thị trường doanh nghiệp, vì doanh nghiệp chính là thị trường lao động cần khối nhân lực lớn nhất.

Trong đó, ThS Lê Thị Bích Lan – Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, ĐH TNMT HN trình bày về các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa Trường Đại học và các Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, cho rằng, hợp tác giữa các Trường Đại học và Doanh nghiệp là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các bên tham gia. Thực tế cho thấy, các hoạt động liên kết còn hạn chế và chưa đa dạng về các loại hình và các giá trị tương xứng.

Để phát triển mối liên hệ này, Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế, định hướng, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động liên kết của doanh nghiệp, qua đó, đối với các trường Đại học cũng cần xây dựng được các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hợp tác khoa học – công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng về các doanh nghiệp nhằm tiếp cận tốt hơn, làm đa dạng hóa các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường Đại học trong bối cảnh chuyển giao mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng phương án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài nguyên và Môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO