Xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản: Bám sát đề cương được duyệt
(TN&MT) - Sáng 17/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên có buổi làm việc với Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục Địa chất Việt Nam và các đơn vị liên quan về việc triển khai xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Trên cơ sở Đề cương Luật Địa chất Khoáng sản (136 Điều), kết quả rà soát nội dung bất cập, tồn tại của Luật Khoáng sản 2010, Cục Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam xây dựng các điều, khoản của dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Hiện nay dự thảo gồm 141 Điều, có một số điểm mới như đổi tên, bổ sung một số Chương, thay đổi tên, bổ sung, bỏ và dịch chuyển thứ tự một số Điều.
Ngày 11/5, Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam đã phối hợp tổ chức họp Tổ biên tập dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Cơ quan chủ trì đã xin ý kiến Tổ biên tập 18 nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung Quy hoạch điều tra địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thay cho Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát biển trong và ngoài phạm vi 6 hải lý; bổ sung mới Chương Trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất và khoáng sản và Chương Thanh tra, kiểm tra và kiểm soát hoạt động địa chất và khoáng sản.
Đơn vị chủ trì cũng xin ý kiến Tổ biên tập về xác định trữ lượng Khoáng sản; quy định và làm rõ trong Luật về khai thác khoáng sản đi kèm; thẩm quyền cấp phép khoáng sản ở khu vực ranh giới giữa 2 tỉnh; khai thác quy mô nhỏ (cần có tiêu chí) và phân cấp cho huyện cấp phép quy mô nhỏ; khai thác vượt công suất, Điều 227 Bộ Luật hình sự và pháp luật về hành chính; khu vực khai thác: 2D hay 3D?; phân cấp phê duyệt khu vực cấm cho UBND cấp tỉnh; thế chấp Giấy phép khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, cơ quan chủ trì xin ý kiến về thủ tục hành chính: Giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác; chế biến khoáng sản; công khai thông tin; sử dụng đất đá dôi dư (dư thừa) sau khi đã sử dụng cho mục đích cải tạo, phục hồi môi trường; tư vấn giám sát hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản (hoạt động kinh doanh có điều kiện); xã hội hóa một số hoạt động quản lý nhà nước.
Tiếp thu ý kiến tại cuộc họp Tổ biên tập, Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam đã và đang tiếp thu, hoàn thiện các nội dung sau: Thống nhất phương án phân loại khoáng sản đối với Điều về Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; hoàn thiện một số điều liên quan đến cát, sỏi lòng sông sao cho phù hợp với Dự thảo Luật Tài nguyên nước đang trình Quốc hội; hoàn thiện các vấn đề liên quan đến cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Hai đơn vị cũng chỉnh sửa, bổ sung khái niệm về di chỉ địa chất, tai biến địa chất; đồng thời hoàn thiện các vấn đề liên quan đến chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhất trí với đề xuất bổ sung Chương về Thanh tra, kiểm tra và kiểm soát hoạt động địa chất và khoáng sản, nhưng cần phải luận giải kỹ, trong đó có nội dung về giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với các nội dung về địa chất, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Địa chất Việt Nam bám sát Đề cương chi tiết đã được Chính phủ thống nhất. Còn các nội dung chi tiết và mang tính kỹ thuật về địa chất, Quốc hội sẽ giao Chính phủ quy định tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn kèm theo.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo 2 đơn vị bổ sung các điều hoặc các nội dung liên quan đến sử dụng đất, đặc biệt là cải tạo đất nông nghiệp để hạ cốt hoặc san nền hoặc tạo các hồ lắng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất và phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, vì điều kiện khai thác cát biển khó khăn và địa phương không đủ năng lực, phương tiện, kỹ thuật nên 2 Cục cần xem xét bổ sung thẩm quyền cấp phép ở Trung ương trong Luật Địa chất và Khoáng sản.