Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó giám đốc trung tâm thông tin và dữ liệu môi trường nhấn mạnh, việc giao nộp, thu nhận, lưu trữ, bảo quản và cung cấp dữ liệu môi trường là việc thực hiện hàng năm nên các địa phương cần thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, đúng hạn. Trung tâm sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ này một cách chuẩn xác để tạo ra một cơ sở dữ liệu đầy đủ phục vụ đa mục tiêu trong quản lý môi trường, đồng thời tăng tính liên kết, phối hợp giữa các đơn vị.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý qua truyền thông đa phương tiện là nhiệm vụ mới đang trong quá trình triển khai. Vì vậy, rất cần sự đóng góp ý kiến của cơ sở để hoàn thiện hệ thống này. Khi Hệ thống này được triển khai sẽ tạo ra thêm một kênh kết nối hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Trao đổi về việc thực hiện nội dung giao nộp, bảo quản, lưu giữa dữ liệu, ông Hà Gia Long (Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường) cho biết, việc giao nộp, thu nhận, lưu trữ, bảo quản và cung cấp dữ liệu môi trường được thực hiện theo Thông tư 34/2013/TT-BTNMT. Theo đó, định kỳ trước ngày 15/11 hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Sở TN&MT xây dựng và gửi báo cáo về công tác thu nhận, lưu trữ, bảo quản và cung cấp dữ liệu môi trường do đơn vị mình quản lý về Tổng cục Môi trường. Định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm thực hiện công bố Danh mục dữ liệu môi trường do cơ quan mình quản lý.
Ông Long cũng hướng dẫn các bước thực hiện công việc này đồng thời hướng dẫn khai báo việc giao nộp dữ liệu qua phần mềm quản lý.
Đối với nội dung xây dựng hệ thống trao đổi hai chiều giữa người dân và nhà quản lý, ông Nguyễn Anh Dũng (Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường) cho biết, bước đầu, Trung tâm sẽ xây dựng một website để tiếp nhận thông tin, đưa ra quy trình xử lý và trả lời, công bố thông tin. Lâu dài, việc truyền thông sẽ mở rộng đến việc thu nhận thông tin về môi trường từ mạng xã hội, báo chí và tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng đa phương tiện.
Hiện Trung tâm đã xây dựng bản demo một website để người dân có thể cung cấp thông tin về ô nhiễm môi trường, các mô hình, tấm gương bảo vệ môi trường, các thông tin về khoa học công nghệ… Hệ thống này không tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn giải đáp pháp luật.
Điểm nổi bật của hệ thống là tích hợp hệ thống bản đồ với nhiều lớp thông tin, như khu công nghiệp, cơ sở ý tế, cơ sở sản xuất. Người dân có thể nhập địa điểm phản ánh hoặc tìm kiếm địa điểm cần phản ánh thông tin.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, đối với việc thu nhận cơ sở dữ liệu về môi trường, Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường cần có đánh giá cụ thể về việc thực hiện Thông tư 34/2013/TT-BTNMT, từ đó thảo luận về các giải pháp để nâng cao công tác này.
Bên cạnh đó, về nội dung trao đổi thông tin 2 chiều, nhiều đại diện cho rằng, hiện nay, việc thực hiện vẫn chưa đạt hiệu quả, không chủ động và không thu hút được người dân quan tâm đến vấn đề môi trường. Thậm chí, có cổng thông tin đã được 8 năm nhưng lại không có một ý kiến nào gửi về.
Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển bền vững, công tác quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt là lĩnh vực hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường cần được quan tâm đặc biệt. Cần xây dựng các cơ chế, quy định về thông tin, dữ liệu trong lĩnh vực môi trường để điều chỉnh hoạt động của hệ thống theo đúng định hướng, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, đảm bảo hoạt động thông suốt, phát huy sức mạnh tập thể.”
Ông Thủy cũng khẳng định: “Nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống, cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước qua truyền thông đa phương tiện” hoàn thành sẽ có thêm cơ sở để giúp các nhà quản lý biết và tránh được sự trùng lặp nội dung, tăng khả năng trao đổi nắm bắt thông tin, khai thác dữ liệu, có thể kế thừa và phát triển dữ liệu từ các dự án, nhiệm vụ đã thực hiện”.