Trình Chính phủ ban hành Fs trong năm 2023
Theo ông Phan Tuấn Hùng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế theo lộ trình. Trách nhiệm này sẽ được nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm gồm pin ắc quy, săm lốp, dầu nhớt và bao bì (bao bì thương phẩm của thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất tẩy rửa, xi măng thương phẩm) thực hiện từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện, điện tử sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm phương tiện giao thông sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.
Nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức tái chế, đó là tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì (không tự thực hiện tái chế) thì số tiền đóng góp theo từng loại sản phẩm, bao bì được tính theo công thức: F = R x V x Fs; trong đó: F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp theo từng loại sản phẩm, bao bì; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì. V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu; Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Để thực hiện quy định trên, Bộ TN&MT đã thành lập Tổ soạn thảo, tiến hành khảo sát và xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức Fs; theo kế hoạch, Bộ TN&MT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2023 để kịp thời triển khai từ ngày 1/1/2024.
Cũng theo ông Phan Tuấn Hùng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia sẽ có Fs khác nhau do chi phí lao động, công nghệ, thu gom… khác nhau. Fs cần phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ bao gồm phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải. Tuy nhiên, việc đề xuất Fs cho các loại sản phẩm, bao bì phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và cần có sự đồng thuận bởi các bên có liên quan.
Xem xét xây dựng 2 loại định mức
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn, PGS.TS. Nguyễn Đức Quảng cho biết, hiện nay, dòng phế liệu tại Việt Nam đang được kiểm soát chủ yếu bởi mạng lưới thu gom tư nhân. Các phế liệu nội địa chủ yếu chảy về các nhà tái chế tư nhân vừa và nhỏ, và mới chỉ tập trung vào một số loại nguyên liệu phổ biến như kim loại (sắt, đồng, nhôm, chì), giấy và nhựa các loại và sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu thô cho các ngành sản xuất và các sản phẩm có chất lượng không cao.
Chính vì vậy, các cơ sở tái chế chính quy ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn phế liệu nhập ngoại, do có mức cung lớn và ổn định, thành phần và chất lượng đảm bảo cho quá trình tái chế, có các giải pháp bảo vệ môi trường được thẩm định. Thực tế nhập khẩu phế liệu nhựa đã tăng từ 1,14 triệu tấn năm 2016 lên 2,3 triệu tấn năm 2019. Lượng thép phế liệu nhập khẩu thực tế tăng từ 2,92 triệu tấn năm 2015 lên 5,697 triệu tấn năm 2019. Con số này với ngành giấy là 1.12 triệu tấn năm 2016 và 2.73 triệu tấn năm 2019.
PGS.TS. Nguyễn Đức Quảng khẳng định, yếu tố thực tế trên ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả nghiên cứu, xây dựng định mức tái chế tại Việt Nam. Qua nghiên cứu và khảo sát, có 2 cách tiếp cận chính trong xác định mức chi phí tái chế: Xác định chi phí tái chế cơ bản; Xác định chi phí tái chế nâng cao thông qua đặc tính sản phẩm thải.
Trong đó, xác định chi phí tái chế cơ bản thường bao gồm các chi phí thu gom, vận chuyển (logistic) và tái chế một loại vật liệu (áp dụng đồng loạt và thường ở giai đoạn khởi đầu).
Còn, xác định chi phí tái chế nâng cao thông qua đặc tính sản phẩm như: khối lượng sản phẩm; vật liệu; và khả năng tái chế của sản phẩm. Cách tính này áp dụng cho từng loại sản phẩm.
Về mặt nguyên tắc, chi phí tái chế cơ bản bao gồm toàn bộ chi phí thu gom, vận chuyển, phân loại và tái chế. Cách tính này thống nhất ở đa phần các quốc gia (OECD, Đài loan, EU), tuy nhiên, có thể có sự khác biệt trong cách tính tỷ lệ chi phí tương ứng với thực tế quản lý. Chi phí này có thể không phản ánh chi phí tái chế thực tế. Tại một số quốc gia, chỉ áp dụng cách tính này với các sản phẩm gia dụng, còn các thiết bị chuyên dụng thì chưa được quy định, hoặc chỉ phải trả chi phí hành chính của hệ thống nói chung.
Trong khi đó, các chi phí tái chế nâng cao tại các mô hình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được xác định tùy thuộc vào quy định tại mỗi quốc gia. Điển hình như tại Pháp, các chai thủy tinh có nắp phi từ tính (không phải là kim loại) bị tăng 10% chi phí trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), các bao bì đa lớp/đa vật liệu bị tính thêm 50% phí EPR...
“Nhìn chung, càng dễ thu gom, vận chuyển và tái chế thì đinh mức chi phí tái chế càng thấp. Fs thấp sẽ không tạo động lực để nhà sản xuất thay đổi thiết kế sản phẩm, bao bì theo hướng thân thiện môi trường, thiết kế vì tái chế”, PGS.TS Nguyễn Đức Quảng nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong xác định Fs, TS. Ko Jae Young, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết, việc đề xuất Fs nên được thực hiện bởi các tổ chức tư vấn độc lập trên cơ sở khảo sát chi phí tái chế thực tế tại Việt Nam. Đồng thời, ông đề xuất, khi xác định Fs cần có sự phân biệt giữa sản phẩm, bao bì dễ tái chế với sản phẩm, bao bì khó tái chế.