Đất đai

Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính nâng cao năng lực quản lý đất đai

Tuệ Nhi - Khải Minh 28/11/2023 - 14:19

(TN&MT) - Công tác quản lý nhà nước về địa chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra, góp phần tích cực trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

ve-dep-cua-doi-che-o-phu-tho-duoc-giai-anh-quoc-te-gioi-thieu-1544156909.png

Để có được kết quả đó là nhờ Sở TN&MT Phú Thọ đã tập trung trí tuệ, nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính dưới dạng số hóa nhằm đồng bộ hóa thông tin, dễ truy cập, khai thác, vận hành, tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.

Tập trung quyết sách xây dựng
hệ thống quản lý đất đai hiệu quả

Giám đốc Sở TN&MT Phú Thọ Phạm Văn Quang khẳng định, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính là yêu cầu cơ bản để xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính nhằm hiện đại hóa hệ thống công tác quản lý và cập nhật, chỉnh lý biến động nguồn dữ liệu đất đai thống nhất từ Trung ương đến tỉnh, đến các huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là cấp huyện) và các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhanh gọn, chính xác, phục vụ tốt quản lý nhà nước về đất đai, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế; phát triển Chính phủ điện tử trong ngành tài nguyên và môi trường, đặc biệt là nhu cầu khai thác thông tin thường xuyên của người dân và doanh nghiệp, góp phần làm minh bạch thị trường bất động sản.

Xác định rõ tầm quan trọng đó, trên tinh thần quán triệt và thực hiện các Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường: số 872/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 13/3/2008 và số 1138/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 28/3/2008 về việc hướng dẫn và lập Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (gọi tắt là Dự án tổng thể), UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án tổng thể tại Quyết định số 1082/QĐ-UBND ngày 05/5/2009 và điều chỉnh tại Quyết định số 2098/QĐ-UBND ngày 02/8/2012 và phê duyệt các Thiết kế Kỹ thuật - Dự toán và Luận chứng Kinh tế - Kỹ thuật để thực hiện công tác Đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Nguồn kinh phí thực hiện Dự án do Trung ương hỗ trợ và kinh phí của tỉnh. Theo đó, giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã hoàn thiện hồ sơ địa chính được 60 xã, thị trấn (trước sáp nhập).

9b.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể và cá nhân của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.

Trên cơ sở tinh thần của Nghị quyết số 30/2012/QH-13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội và Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Sở TN&MT Phú Thọ đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai huyện Yên Lập tại Quyết định số 2567/QĐ-UBND ngày 11/10/2013 và điều chỉnh tại Quyết định số 952/QĐ-UBND ngày 25/4/2016. Theo đó đến hết năm 2016, Phú Thọ đã hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính huyện điểm Yên Lập, trong đó đã nhập được 269.768 thửa với 52.790 hồ sơ của 17 xã, thị trấn.

Trái ngọt từ một đề án chiến lược

Cũng theo ông Phạm Văn Quang, năm 2021, Sở đã tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh cho phép xây dựng "Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo". Trên cơ sở Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 31/3/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Sở TN&MT đã hoàn thiện Đề án trên và báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 với khối lượng: đo đạc bản đồ địa chính 116 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) của 10 huyện, thành, thị (gọi chung là huyện); lập hồ sơ địa chính 175 xã của 12 huyện và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 208 xã của 12 huyện.

Sau khi Đề án được HĐND tỉnh thông qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4451/KH-UBND ngày 02/10/2021 để triển khai thực hiện cụ thể từng địa phương; đồng thời, đã ban hành Hướng dẫn số 2803/HD-TNMT ngày 13/10/2021 hướng dẫn cụ thể về trình tự các bước thực hiện, các nội dung về chuyên môn để các huyện thực hiện.

"Đo đạc, lập bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính là cơ sở quan trọng kê khai đăng ký, lập hồ sơ địa chính và cấp GCNQSDĐ, phục vụ đắc lực trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo tiền đề quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính dưới dạng số hóa đã được các cấp, ngành trong toàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện nhằm đồng bộ hóa thông tin, dễ truy cập, khai thác, vận hành, tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai".

Ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở TN&MT Phú Thọ

Từ khi được triển khai thực hiện, Đề án đã và đang tạo cơ sở pháp lý, cung cấp các thông tin có liên quan, cũng như hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Theo đó, Sở TN&MT đã tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được 75 xã tại 4 huyện, gồm: Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, đạt 36% so với tổng số xã 208 xã cần thực hiện. Đến nay, đã hoàn thành được trên 40% khối lượng công việc; trong đó: Đã xây dựng dữ liệu không gian, dữ liệu thuộc tính được 80.458 thửa, quét 168.797 trang hồ sơ tài liệu.

Đồng thời, Sở TN&MT đã xây dựng Kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin trình UBND tỉnh phê duyệt để quản lý, vận hành, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ.

Theo ông Quang, thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục hoàn thiện việc lập hồ sơ địa chính đối với các xã đã triển khai thực hiện theo Dự án tổng thể giai đoạn 2008 - 2020; đôn đốc các huyện, thành, thị thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính đối với các xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh và Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh việc thiết lập hệ thống thông tin đất đai phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai theo công nghệ số hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin đất đai cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai của mình, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

Tại kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã Quyết nghị thông qua Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, mục tiêu đề ra là đến năm 2025 có 2/3 số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được đo đạc bản đồ địa chính chính quy, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai theo công nghệ tin học hiện đại, đảm bảo mục tiêu đồng bộ hóa dữ liệu đất đai từ Trung ương đến địa phương. Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh hoàn thiện công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và cơ bản hoàn thành công tác cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính nâng cao năng lực quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO