Xây dựng cơ chế phối hợp giải quyết vấn đề môi trường trong các Hiệp định FTA

26/10/2016 00:00

(TN&MT) ​​- Ngày 26/10, tại Hà Nội  Tổng cục Môi trường đã tổ chức “Hội thảo góp ý Dự thảo Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung cho biết, trong xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), và  đang đàm phát 3 FTA. Trong đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU là 2 FTA thế hệ mới có nội dung quy định về môi trường sẽ tác động mạnh mẽ tới thể chế của các bên liên quan.

Đặc biệt, TPP có dành 1 chương riêng là Chương 20 về Môi trường quy định các điều khoản tập trung vào các lĩnh vực như: bảo tồn đa dạng sinh học và thương mại; sinh vật ngoại lai xâm hại; bảo vệ tầng ozon; đánh bắt thủy hải sản; thương mại và đầu tư đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường và giải quyết các vấn đề tranh chấp. Việc thực thi các cam kết, nghĩa vụ môi trường quy định trong TPP có mức ràng buộc cao, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng về hệ thống thế chế, nhân lực và vật lực.

Ông MaiThanh Dung  -Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại hội thảo
Ông MaiThanh Dung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại hội thảo

Nhằm thực thi hiệu quả nghĩa vụ về môi trường trong các FTA, Dự thảo “Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do” đã đề xuất một số cơ chế, giải pháp phối hợp trong nước như: triển khai phối hợp trong việc rà soát, đánh giá thực trạng thực thi, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật trong nước và tương thích với các quy định, nghĩa vụ của các FTA; tăng cường phát triển nguồn nhân lực môi trường…

Các cơ quan đơn vị cũng cần phối hợp trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, báo cáo các ván đề liên quan đến việc thực thi các nghĩa vụ về môi trường trong các FTA; phối hợp trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường trong tương lai…

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Góp ý cho Dự thảo, các đại biểu cho rằng, bố cục Dự thảo đề án khá chặt chẽ, được xây dựng công phu, khoa học. Đặc biệt đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong giải quyết các vấn đề môi trường của nước ta hiện nay như: Thiếu một hệ thống quản lý thống nhất về môi trường; thiếu cơ chế phối hợp trong giải quyết các vấn đề về môi trường. Việc phối hợp vẫn còn thụ động và nhiều khi là sự né tránh trách nhiệm của một số cơ quan trong việc chủ trì hay phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh. 

Tuy nhiên, Dự thảo cần phải bổ sung nội dung giải quyết vấn đề môi trường đối với Hiệp định WTO; nên phân chia các dự án triển khai Đề án theo các nhóm; bổ sung nội dung về xử lý vi phạm về môi trường … Để có thể chuẩn bị tốt cho việc thực thi hiệp quả các cam kết và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện FTA Đề án cần xác đinh rõ đầu mối quốc gia. Cần thành lập văn phòng giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến các hiệp định thương mại , đầu mối có thể giao cho Bộ TN&MT…

Kết thúc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án theo hướng cụ thể hóa, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị với trách nhiệm, cam kết trong hiệp định; xác định rõ đầu mối khi phối hợp thực hiện công tác giữa các cơ quan, đơn vị; rà soát các nhiệm vụ, dự án thực hiện Đề án, gắn mốc thời gian triển khai nhằm đảm bảo tính hiệu quả, thực tiễn.

Linh Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ chế phối hợp giải quyết vấn đề môi trường trong các Hiệp định FTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO