Theo đó, việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về giao thông, xây dựng và các nguyên tắc như: Phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều; phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp quy hoạch tỉnh chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với công trình ảnh hưởng đến hai tỉnh trở lên hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với công trình chỉ ảnh hưởng trong phạm vi tỉnh.
Bảo đảm thoát lũ, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê |
Ngoài ra, việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát được lũ thiết kế và lũ lịch sử của tuyến sông, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều và giao thông đường thủy theo quy định của pháp luật; Lựa chọn kết cấu và bố trí các trụ cầu phù hợp, xuôi thuận với hướng dòng chảy để hạn chế co hẹp lòng dẫn, thay đổi chế độ dòng chảy của sông.
Theo Quyết định 19/2021/QĐ-TTg, thiết kế xây dựng cầu qua sông có đê phải tính toán thủy văn, thủy lực, xác định và đánh giá ảnh hưởng của việc xây dựng cầu đến thoát lũ; an toàn đê điều; ổn định lòng, bờ, bãi sông; hoạt động của các công trình lân cận và giao thông đường thủy để lựa chọn phương án, giải pháp thiết kế đảm bảo an toàn.
Trong đó cần tính toán thiết kế đảm bảo thoát lũ thiết kế, lũ lịch sử sau khi xây dựng cầu; Xác định sự biến đổi mực nước; đánh giá ảnh hưởng đến an toàn chống lũ của đê (cao trình chống lũ; ổn định thân đê, nền đê); sự ổn định và hoạt động của các công trình trong phạm vi ảnh hưởng; Xác định sự thay đổi về hướng, vận tốc dòng chảy ở thượng lưu, hạ lưu và vị trí cầu; đánh giá ảnh hưởng đến xói, sạt lở đê điều, lòng, bờ, bãi sông, các công trình lân cận và hoạt động giao thông đường thủy.
Mặt khác, vị trí giao cắt giữa cầu và đê phải đảm bảo giao thông an toàn, liền mạch, thông suốt trên đê và có phương án kết nối giao thông giữa cầu với đê đảm bảo thuận tiện cho công tác kiểm tra, ứng cứu, hộ đê trong mùa mua lũ. Trường hợp giao cắt khác mức, phải đảm bảo độ cao tĩnh không tối thiểu là 4,75m.
Khi sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê hiện có mà có sự thay đổi về quy mô của cầu (chiều rộng, chiều dài cầu) phải tính toán thủy văn, thủy lực để lựa chọn phương án sửa chữa, cải tạo đảm bảo thoát lũ theo quy định.
Quyết định 19 cũng nêu rõ, trong giai đoạn thi công xây dựng cầu qua sông có đê phải thực hiện các nội dung như: Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án đảm bảo an toàn đê điều và công trình trong mùa mưa lũ theo quy định của pháp luật; Trong quá trình thi công phải thường xuyên theo dõi diễn biến đê điều, bãi sông tại vị trí xây dựng và khu vực thượng, hạ lưu cầu, trường hợp xảy ra sự cố mất an toàn phải báo cáo ngay với cơ quan chức năng và kịp thời xử lý đảm bảo an toàn đê điều, bãi sông;
Việc sử dụng xe cơ giới phục vụ thi công đi trên đê phải tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê. Việc sử dụng bãi sông làm bãi tập kết vật liệu, phương tiện, trang thiết bị, lán trại, đường công vụ phục vụ thi công không được gây mất ổn định đê điều, bãi sông, ảnh hưởng đến dòng chảy; Trước mùa lũ và sau khi hoàn thành công trình, phải tháo dỡ, thanh thải vật liệu, phế thải, công trình phục vụ thi công và hoàn trả hiện trạng bãi sông, lòng sông….