Xanh ngát vùng cao Dương Hòa
(TN&MT) - Ngày nắng lên, giọt sương mai long lanh còn đọng trên lá. Từ đằng xa, thấp thoáng những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát, nhiều vùng cây ăn quả trĩu hạt… phủ khắp vùng cao Dương Hòa, nơi được xem là quê hương cách mạng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ mảnh đất gò đồi cằn cỗi, Dương Hòa ngày nay đã “thay da đổi thịt”, đất đai màu mỡ hơn, kinh tế phát triển, cuộc sống người dân khấm khá, cái nghèo cái khổ dần lùi xa.
Vượt quảng đường khoảng 20 km từ trung tâm TP. Huế, băng qua nhiều cánh rừng trù phú, tôi đến với Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế), vùng đất đã từng nổi tiếng với chiến khu Dương Hòa xưa, một làng quê hiện ra đẹp như tranh vẽ.
Phần lớn đất Dương Hòa nằm ở hai bờ sông Tả Trạch, thượng nguồn sông Hương, là xã miền núi với xuất phát điểm thấp và điều kiện khó khăn. Tuy nhiên bây giờ Dương Hòa đã chuyển mình, cũng là một trong những địa phương dẫn đầu thị xã Hương Thủy về xây dựng nông thôn mới. Đi trên vùng đất này vào những ngày tháng 9 lịch sử, từng tia nắng chiếu xuống khắp những ngọn cây, len lỏi vào từng căn nhà, chúng tôi cảm nhận được một sức sống mãnh liệt và nhiều sự đổi thay...
Cả một vùng cao xanh ngát, không gì nhiều hơn rừng xen lẫn những vườn cây ăn quả. Cảnh quan môi trường có sự chuyển biến rõ nét, nhiều con đường sáng, xanh, sạch, đẹp, cây cối khoe sắc ở nhiều thôn, xóm. Hầu hết đường thôn, đường nội đồng, liên gia đều được đổ bê tông; nhà dân cũng được xây mới kiên cố, khang trang, nhiều dự án chỉnh trang được đầu tư.
Bà con ở đây cho biết, từ những năm 2000, Dương Hòa đã vận dụng, biến những bất lợi của vùng đất gò đồi trọc trước đây sang kinh tế rừng bền vững, nhiều diện tích đất cằn đã trở thành những rừng xanh tươi tốt, vùng cây ăn quả trĩu hạt... Tiếp xúc với nhiều chủ rừng, chủ vườn, ai ai cũng cười tươi hớn hở, bởi nhờ cây trồng mà họ “đổi đời”, làm giàu bền vững.
Ngồi uống ngụm chè mát, bà Nguyễn Thị Phượng (trú thôn Hạ) cho hay, trước đây, cuộc sống của người dân rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ chính sách hỗ trợ, cấp đất, cấp rừng kịp thời của chính quyền mà nhiều hộ dân ăn nên làm ra, có của ăn của để, trở nên khá giả. Gia đình bà Phượng hiện có hơn 4 hecta rừng kinh tế, trồng keo tràm, mỗi chu kỳ 4-5 năm cho thu hơn 80 triệu đồng/hecta. Ngoài ra, bà còn thực hiện chuyển đổi cây trồng với gần 100 gốc thanh trà, thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm. “Xưa nghèo lắm, nhưng nay nhờ trồng rừng và cây ăn quả nên đời sống gia đình ổn định, con cháu được học hành đầy đủ…”, bà Phượng thổ lộ.
Người dân nói rằng ở đây rừng “là vàng, là bạc”. Theo thống kê, Dương Hòa có gần 90 % dân số phát triển kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề làm rừng. Chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, với gần 400 hecta rừng gỗ lớn ở địa phương được chứng nhận FSC, trong đó có nhiều nhóm hộ thực hiện hiệu quả như: Nhóm Thanh Lương Hộ với 13 hộ tham gia trồng khoảng 280 hecta và 110 hecta FSC của nhóm Hạ Buồng Tằm. Năm 2022, sản xuất lâm nghiệp chiếm hơn 58 % thu nhập của xã (hơn 120 tỷ đồng); độ che phủ rừng đạt gần 90 %.
Ở Dương Hòa, có lẽ “nổi tiếng” nhất nhì vùng cao này là hộ ông Nguyễn Vinh (thôn Buồng Tằm), với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, là một trong những điển hình của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, được địa phương và tỉnh nhiều lần khen thưởng. Đặc biệt vào năm 2022, ông Vinh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Gặp ông vào gần trưa, dù đã 67 tuổi và dưới cái nắng chang chang, ông Vinh vẫn còn minh mẫn và hăng hái làm vườn. Ông Vinh kể rằng vào năm 2010, ông mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp, dồn hết công sức, tiền bạc để đầu tư 1 hecta thanh trà vốn là đất của gia đình. Ông Vinh đã “tiên phong” ở địa phương trong việc dùng hệ thống béc phun mưa để tưới nước cho cây thanh trà. Sau đó, nhiều hộ trồng thanh trà thôn Buồng Tằm áp dụng mô hình tưới mới này, giúp năng suất, chất lượng, kích cỡ quả nâng lên rõ rệt. Nhiều năm qua, thu nhập bình quân từ thanh trà của gia đình ông từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Ông Vinh còn “sở hữu” 5 hecta keo tràm và nhiều diện tích bưởi da xanh, qua đó kinh tế gia đình ngày càng bền vững, dư dả cho con cái. Đến kỳ thu hoạch hay chăm bón cây trồng, ông cũng tạo việc làm thêm cho một số hộ dân, với trung bình mỗi ngày công là 300.000 đồng.
Cũng tại thôn Buồng Tằm, chị Hồ Thị Mỹ Ni (30 tuổi), chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn là gương phụ nữ trẻ tiên phong mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Năm 2011, được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, chị Ni đã vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Hương Thủy hơn 100 triệu đồng đầu tư vào trồng 2 hecta rừng, 30 gốc thanh trà trong vườn và làm vườn ươm cây keo giống.
Cùng với đó, chị Ni tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào thực tiễn. Những năm tiếp theo, thu nhập từ vườn ươm và thanh trà ổn định nên chị đã chuyển đổi diện tích hơn 2 hecta từ trồng keo tràm sang lập vườn trồng cây ăn quả, mạnh dạn đầu tư 200 gốc bưởi da xanh, 50 gốc cam, 100 thanh trà, 100 gốc chanh, đến nay cho thu nhập rất ổn định.
Chị cũng đang chăn nuôi thêm 20 con bò để lấy phân hữu cơ chăm sóc vuờn cây ăn quả của mình. Đặc biệt, năm 2021, qua sự hỗ trợ kinh phí của thị xã Hương Thủy, chị Ni đã xây dựng thêm homestay với 3 nhà chòi, cảnh quan gần gũi với thiên nhiên, không khí trong lành; từ đầu năm nay đã phục vụ rất đông khách du lịch đến tham quan, nghĩ dưỡng. Từ những sự nỗ lực trên, chị Ni đã vượt qua khó khăn, có điều kiện sửa sang nhà cửa và nuôi con cái ăn học.
Ở Dương Hòa cũng có rất nhiều cách làm hay để bảo vệ môi trường, như phong trào “Ngõ xanh tự quản”, mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa để trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó, mô hình “Phụ nữ sống xanh” phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp vi sinh bản địa IMO…
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thức – Chủ tịch UBND xã Dương Hòa phấn khởi cho biết, từ xã vùng núi nhiều khó khăn, Dương Hòa đã từng bước đổi thay, trở thành địa phương đầu tiên ở Hương Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.
Thời gian qua, bộ mặt nông thôn xã nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân. Trong đó, có 4,963 km đường bê tông trục thôn, liên thôn, đạt 100 %; các trường học được đầu tư xây dựng theo chuẩn quốc gia. 100 % các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Trạm y tế xã đã được xây dựng mới với diện tích 1.800 m2 khang trang; 100 % hộ gia đình sử dụng điện; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100 % và nước sạch đạt 94,77 %.
Thông qua chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi, chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, Dương Hòa đã đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế như thanh trà, bưởi da xanh, cam... Đến nay, diện tích thanh trà trên địa bàn xã trên 75 ha, bưởi da xanh trên 10 hecta, cam khoảng 4 hecta, trong đó, tổng diện tích cho quả 35 hecta (năng suất bình quân đạt 34,32 tấn/hecta). Tổng đàn gia súc ở xã Dương Hòa gần 1 ngàn con.
ông Thức cho biết: Xã đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát huy tối đa lợi thế từ rừng và đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Nhân rộng diện tích rừng trồng theo chứng chỉ FSC; rà soát việc thực hiện các đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi của thị xã tại địa phương.
Cùng với đó, khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, công nghệ sạch, liên kết theo chuỗi giá trị, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của người dân. Hiện, xã Dương Hòa đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thực hiện các nhiệm vụ then chốt đã đề ra tại Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Xế chiều, hoàng hôn tắt nắng, cò bay trên những triền núi xanh, tiếng chim hót thánh thót trong những khu rừng bạt ngàn, dạo thêm một vòng khắp Dương Hòa, tôi đi ngang hồ Tả Trạch cách UBND xã vài cây số và được biết thêm rằng, đây là công trình quan trọng đối với quốc gia, là một trong 4 hồ thủy lợi lớn nhất cả nước với vai trò góp phần giảm cắt lũ, giảm ngập lụt…
Trên đường trở lại thành phố, một cơn mưa bất chợt đi qua. Ghé vào nhà dân ven đường trú mưa, tôi bất ngờ được tặng ít quả thanh trà tươi ngon. Hi vọng, người dân ở vùng cao này sẽ tiếp tục nỗ lực sản xuất, vượt khó và làm giàu bền vững trên chính quê hương.
Xã Dương Hòa có 5 thôn với hơn 2.000 nhân khẩu, diện tích tự nhiên là 26.171,92 hecta. Đến nay, thu nhập bình quân đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ còn 10 hộ nghèo, chiếm 1,71%, có 29 khẩu và 35 hộ cận nghèo, chiếm 5,98%. Theo kế hoạch, trong năm 2023, địa phương nỗ lực đưa thêm 2 hộ dân thoát nghèo