Đến Trường sa trong những ngày tháng tư lịch sử này, điều ai cũng dễ dàng nhận thấy sự “thay da đổi thịt” ở nơi được mệnh danh là “quần đảo bão tố” là màu xanh bạt ngàn của bàng vuông, phong ba, bão táp và các loại rau xanh, củ quả được phủ rộng trên các đảo nổi Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây. Màu xanh ấy không chỉ khẳng định làm chủ cuộc sống và khát vọng sống xanh của quân, dân Trường sa; mà còn nói lên Trường sa đã thực sự gần gũi đất liền, là quê hương Việt Nam ở đường biên Tổ quốc của những người lính đảo.
Đi dưới tán bàng vuông ở đào Trường sa Đông, ngồi dưới gốc phong ba ở đảo An Bang, hay đứng dưới tán lá xanh bát ngát của cây bão táp, lòng cảm giác nhẹ nhàng, thư thái và xúc động vô bờ.
Để có được những “tấm thảm xanh” ở các đảo nổi, những tán cây che mát ở đảo chìm, là nhờ có sự quan tâm, chăm lo của nhân dân cả nước với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”.
Sau 47 năm kể từ ngày giải phóng, từ một “doi cát vàng” nhỏ nhoi giữa đại dương bao la, Trường sa đã trở thành một trung tâm kinh tế xã hội “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân” giữa “núm ruột” xa nhất của Tổ quốc.