(TN&MT) - Không chỉ ở Quảng Nam mà rất nhiều tỉnh, thành khác, hầu hết các khu tái định cư cho dân vùng lòng hồ các công trình thủy điện gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, mô hình tái định cư thủy điện Sông Bung 4 (xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, Quảng Nam) là một điểm sáng. Người dân ở đây được lựa chọn vị trí tái định cư, tự làm nhà ở, được cấp đất sản xuất và hỗ trợ sinh kế lâu dài.
Người dân được lựa chọn vị trí tái định cư, làm nhà ở, cấp đất sản xuất và hỗ trợ sinh kế lâu dài
Khu tái định cư (TĐC) thôn 2, xã Tà Pơ (huyện Nam Giang, Quảng Nam) nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn. Ấn tượng đầu tiên từ trên dốc cao nhìn xuống, khu tái định cư như một dãy phố mới. Dọc con đường bê tông rộng rãi, hai bên là những ngôi nhà gỗ hai tầng được xây dựng hết sức khang trang, bề thế. Mùi gỗ mới, mùi sơn và tiếng đục đẽo, cưa gỗ vang vọng cả một góc rừng. Bình quân mỗi hộ đồng bào Cơ Tu ở Thôn 2 nhận tiền đền bì lên đến 1,7 tỷ đồng. Trong đó, hộ ít nhất là 300 triệu, hộ nhiều nhất hơn 3 tỷ. Ngoài ra, theo quy định, hộ dưới 5 nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 141 triệu đồng tiền làm nhà, hộ có từ 5 - 7 nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 161 triệu đồng và hộ có 8 nhân khẩu trở lên sẽ được chia tách làm 2 hộ, được hưởng hỗ trợ theo khung quy định. Mỗi hộ được phép khai thác 10m3 gỗ tận thu từ lòng hồ để làm nhà.
Ông A Lăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: “Trước khi lựa chọn mô hình TĐC, Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 đã tạo điều kiện để đại diện tổ giám sát cộng đồng và chính quyền đi tham quan thực tế ở các khu TĐC thủy điện của Quảng Nam, một số tỉnh lân cận và ra tận Sơn La. Không chỉ người dân TĐC mới được hưởng lợi, mà ở các thôn nhường một phần đất xây dựng khu TĐC cũng được hưởng lợi. Dự án đầu tư kinh phí làm mới và nâng cấp đường giao thông, điện, nước sạch, đất sản xuất lúa nước, nhà Gươl, đồng thời, hỗ trợ mỗi gia đình 85 triệu đồng (tương đương 50% giá trị xây nhà mới cho hộ TĐC. Từ kinh nghiệm ở Pa Păng, huyện tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư khẩn trương triển khai ba khu Pa Rum A, Pa Rum B và Pa Đhi, chuẩn bị đưa hơn 190 hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 vào sinh sống”.
Từ khi mới thành lập, dự án thủy điện Sông Bung 4 đã được UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập trong việc xây dựng tái định cư ở một số thủy điện khác như: A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4,… để tìm mô hình hợp lý, hiệu qảu và bền vững. Đây cũng là công trình thủy điện đầu tiên mà Ngân hàng phát triển Châu Á ADB cho Chính phủ Việt Nam vay vốn để đầu tư. Trong quá trình thực hiện, ngoài việc có sự phối hợp giám sát giữa địa phương và Ban Quản lý dự án, còn có thêm bộ phận giám sát là ngân hàng ADB, nhất là tại các khâu đền bù tái định cư và thực hiện hỗ trợ an sinh xã hội.
Chiến lược của Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4, đơn vị tư vấn và chính quyền địa phương trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC là tham vấn trực tiếp với toàn thể người dân bị ảnh hưởng một cách chủ động. Mỗi thôn thành lập một tổ giám sát cộng đồng, được tập huấn nâng cao năng lực điều hành, làm cầu nối để huy động người dân tham gia. Tiến trình tham vấn ý kiến người dân thực hiện ở tất cả các khâu, từ lựa chọn địa điểm TĐC, chính sách quyền lợi, xây dựng các thiết chế trong khu TĐC, đo đạc, kiểm đếm tài sản, đất đai, giám sát xây dựng và duy trì bảo dưỡng các tiện ích trong khu TĐC. Toàn bộ thông tin được cung cấp công khai, dễ hiểu tại UBND xã và nhà Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng của từng thôn) bằng cả tiếng Việt và tiếng Cơ Tu.
Trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch TĐC và chính sách dân tộc thiểu số, các tiêu chí về xã hội, văn hóa của người Cơ Tu được xem xét thận trọng và kỹ lưỡng. Người dân được quyền khảo sát, đề xuất và lựa chọn phương án TĐC; bao gồm vị trí, cách bố trí các khu vực nhà ở, sân vườn, công trình công cộng, nghĩa trang, nhà Gươl, đường nội bộ, nguồn nước, các tiện ích khác như trường học, trạm y tế. Sau khi san ủi mặt bằng, làm đường, mỗi hộ TĐC nhận đất ở và vườn rộng 1000 mét vuông. Trên cơ sở các mô hình đã thiết kế, người dân được lựa chọn mô hình nhà ở, được quyền yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà, hoặc dân tự làm với điều kiện cam kết bằng văn bản về quy mô và giá trị xây dựng theo quy định. Ngay khi đến ở, mỗi hộ được cấp bình quân 1,5ha đất rẫy, gần 500 mét vuông ruộng lúa nước. Ngoài ra, chính quyền huyện Nam Giang cũng rà soát, bố trí cho cộng đồng thôn TĐC được trực tiếp quản lý bảo vệ rừng trong khu vực sinh sống, với mức bình quân 8ha/hộ, giúp người dân phát triển sinh kế dựa vào rừng.
Các khu tái định cư cho dân vùng lòng hồ các công trình thủy điện ở Quảng Nam hiện gặp nhiều khó khăn, thế nhưng mô hình tái định cư thủy điện Sông Bung 4 là một điểm sáng, mang lại ấm no để người dân thực hiện sinh kế lâu dài.
Bài và ảnh:Xuân Lam