Xanh lại Bản Cô
Trở lại bản Bản Cô, địa danh nổi tiếng của đất khoáng sản Quỳ Hợp (Nghệ An), một màu xanh mướt mát trải dài trên nương rẫy...Đã không còn những hố sâu hoắm như ăn vào lòng đất như những hố bom của những mỏ thiếc đã lấy quặng để lại, không còn mặt đất nham nhở, lầy lội của những ngày "đại công trường khai khoáng" đang thời cao điểm...Bản Cô đang "thay da đổi thịt" bởi có sự cộng sinh trách nhiệm của những người lấy tài nguyên từ đất...
Ngược dòng thời gian
Ngược về quá khứ với lịch sử “dựng bản, lập mường” của bà con người dân tộc Thái tại xã Châu Thành thì quả là một câu chuyện dài. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả xin không nhắc nhiều về thuở “sơ khai” ấy.
Vào những năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Công cuộc bắt tay vào xây dựng đất nước ở khắp các vùng miền Tổ quốc được người dân quyết tâm hơn bao giờ hết. Đặc biệt, ở vùng núi cao lúc bấy giờ việc trồng lúa nước vẫn là cái gì đó quá mới mẻ đối với đồng bào. Tuy nhiên, tại xã Châu Thành khi đó người dân ngoài làm rẫy thì việc trồng lúa nước cũng đã bắt đầu được biết đến. Những mảnh ruộng nhỏ bắt đầu được khai hoang từ những bãi bồi bằng phẳng ven bờ suối Nậm Huống.
Dần dà, bằng những kế hoạch, những phong trào… các Hợp tác xã với hàng trăm xã viên đã hình thành. Vì thế, công cuộc khai khẩn đất hoang để trồng lúa nước đã góp phần hình thành nên những cánh đồng lúa hàng chục, hàng trăm héc ta nơi vùng cao Châu Thành.
Bản Cô, một địa danh nằm ở ngay trung tâm xã Châu Thành ngày nay là địa bàn có nhiều diện tích đất bằng nhất, lại thuận lợi có dòng suối Nậm Huống nên việc khai hoang, hình thành nên những mảnh ruộng mênh mông, tươi tốt vì thế được coi là “đầu tàu” trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
“Hồi đó, việc khai hoang ruộng lúa nước được chính quyền tập trung mọi nguồn lực. Chủ yếu là từ sức dân. Sau bao nỗ lực thì hàng chục héc ta ruộng lúa nước xanh tươi đã dần dần hình thành. Khi đó, sự phụ thuộc lương thực vào việc phát nương làm rẫy cũng giảm dần. Rừng vì thế cũng đã hạn chế bị chặt phá” – Ông Dương, nguyên Chủ tịch UBND xã Châu Thành nhiều nhiệm kỳ trước, nhớ lại.
Thời kỳ ấy, vào những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước các nhà địa chất phát hiện ra ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có trữ lượng quặng thiếc lớn, trong đó có xã Châu Thành. Vì thế, sau đó không lâu thì việc khai thác loại khoáng sản có giá trị cao này đã được triển khai với quy mô lớn dần. Các mỏ khai thác quặng thiếc được cấp hàng chục năm cho một số doanh nghiệp vào khai thác theo quy mô công nghiệp.
Không phủ nhận việc doanh nghiệp đến bản khai thác quặng thiếc khi đó đã đem đến không ít công ăn việc làm cho người dân địa phương. Mặt khác còn “kích cầu” các hoạt động sản xuất, kinh doanh cho bà con nơi đây. Tuy nhiên, quặng thiếc cũng dần dà “cướp” đi sự bình yên vốn có của xóm làng. Đặc biệt là môi trường bị ô nhiễm từ nước thải quặng thiếc. Đã có không ít lần doanh nghiệp xả thải trực tiếp xuống dòng suối, bờ khe khiến cho nguồn nước trước đây vốn trong xanh thì nay trở thành những dòng suối “chết”. Tôm cá không còn, nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt bị ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Đặc biêt, sau khi khai thác xong những khu vực đầu tiên thì doanh nghiệp đã xin cấp giấy phép khai thác cả những khu vực có ao cá, thậm chí là ruộng lúa mà người dân đang canh tác. Vì thế, những cánh đồng lúa bốn mùa xanh tươi, là nguồn cung cấp lượng thực chính cho người dân nơi đây bị thay thế bằng “đại công trường” khai khoáng. Người dân tạm thời…mất ruộng!
Niềm vui quay trở lại
Nhắc lại “khoảng lặng” nhiều năm trước để thấy được sự “hồi sinh” tại Bản Cô nói riêng và xã Châu Thành nói chung ngày nay có giá trị lớn đến nhường nào đối với bà con nơi đây.
Tôi không còn nhớ rõ năm nhưng vẫn không thể quên cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đình Duệ. Ông Duệ thời đó là giám đốc Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh – Đơn vị có 2 mỏ khai thác quặng thiếc tại xã Châu Thành là mỏ Bản Cô và mỏ Suối Bắc. Trong đó, mỏ Bản Cô được giao cho Xí nghiệp thiếc Bản Cô quản lý và khai thác.
Khi đó, ông Duệ tâm sự rằng, mỏ thiếc Bản Cô được cơ quan chức năng cấp phép khai thác với diện tích khá lớn. Tính cả nhiều giai đoạn lên đến khoảng trên 30 héc ta. Tuy nhiên, số diện tích mỏ trước đây là diện tích đất nông nghiệp là chủ yếu nên đơn vị quyết tâm là đã “lấy đất” của người dân thì sẽ cố gắng khai thác theo hình thức “cuốn chiếu”. Nghĩa là khai thác từng phần và khai thác đến đâu thì tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường đến đó. “Người dân đã “nhường” đất sản xuất mà đã canh tác, đã nuôi sống họ biết bao thế hệ cho mình thì mình cũng phải biết để làm sao khai thác nhanh nhất, hiệu quả nhất để trả lại mặt bằng ban đầu cho người ta có nơi để canh tác trở lại chứ” – Ông Duệ khi đó khẳng định.
Được biết, sau khi khai thác xong và giấy phép khai thác khoáng sản cũng đã hết hạn thì doanh nghiệp đã tích cực bắt tay vào công tác cải tạo, phục hồi môi trường để trả lại nguyên trạng ban đầu diện tích đất cho chính quyền địa phương để giao lại cho người dân canh tác.
Đang làm cỏ cho mảnh ruộng rộng hơn 2 sào mà chính quyền bàn giao lại cho gia đình vào năm 2019. Bà Vi Thị Hà, người dân Bản Cô, vui mừng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có 2 sào ruộng để canh tác. Sau đó, phía doanh nghiệp vào khai thác khoáng sản và thu hồi diện tích đất đó để khai thác quặng thiếc. Vào năm 2018, sau khi khai thác xong thì doanh nghiệp đã tiến hành cải tạo lại, đắp bờ, đắp đất mới phủ lên bề mặt, bón phân…để trả lại nguyên trạng diện tích đất trồng lúa cho gia đình. Những năm đầu thì năng suất chưa cao vì là đất mới. Thế nhưng, những mùa lúa gần đây năng suất đã được nâng lên, thậm chí còn cao hơn cả năng suất trồng lúa trước đây nữa. Mấy năm nay gia đình đã đủ lương thực không phải mua bên ngoài nữa”.
Ông Nguyễn Ngọc Nam – Giám đốc Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh, cho hay: “Đối với các mỏ khai thác quặng thiếc mà đơn vị được cấp giấy phép khai thác tại xã Châu Thành thì đến nay chúng tôi đã tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường xong với diện tích 30 héc ta, tổng chỉ phí đầu tư vào công tác hoàn thổ này lên tới 15,183 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành xong công tác cải tạo ruộng lúa như ban đầu cho người dân thì đơn vị đã bàn giao lại cho địa phương theo kiểu khu đồng ruộng nông thôn mới và đã giao hết cho người dân từ năm 2019. Từ đó đến nay người dân canh tác có năng suất ổn định và những vụ gần đây năng suất còn tăng hơn thời kỳ trước khá nhiều. Vì thế, người dân nơi đây hết sức vui mừng, phấn khởi”.
Còn ông Lương Văn Hải – Chủ tịch UBND xã Châu Thành cũng phấn khởi cho hay, hiện nay các mỏ khai thác khoáng sản hết hạn giấy phép trên địa bàn xã đều đã làm xong các thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định. Đặc biệt, mỏ thiếc Bản Cô đã hoàn trả gần như nguyên vẹn diện tích trồng lúa nước cho bà con nhân dân để họ đưa vào canh tác, ổn định cuộc sống.
Xóm Bản Cô, xã Châu Thành có tổng diện tích tự nhiên 1.653 ha với 134 hộ và 599 nhân khẩu, là bản có 100% đồng bào dân tộc Thái. Trong những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ gia đình văn hoá của xóm đạt 61%; gia đình thể thao đạt 22%; 100% hộ dân được xem truyền hình, sử dụng điện lưới quốc gia và dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế.