Xác định vật chất đủ quy cách nhận chìm

Hồng Dư| 24/10/2019 15:13

(TN&MT) - Thực hiện Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao chủ trì xây dựng Thông tư “Quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam”.

Đây là một Thông tư quy định tiêu chuẩn kỹ thuật quan trọng nhằm bảo vệ tốt nhất cho môi trường biển trong hoạt động nạo vét, nhận chìm vật chất tại các khu vực biển và thêm một công cụ thực thi, giám sát ngoài việc yêu cầu đánh giá tác động môi trường của hoạt động này.

Để triển khai thực hiện xây dựng dự thảo Thông tư, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tiến hành tham mưu, trình lãnh đạo Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 600/QĐ-BTNMT ngày 15/3/2019 về việc thành lập Tổ soạn thảo Thông tư. Xây dựng đề cương dự thảo Thông tư và tiến hành họp tổ soạn thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng .

Trong quá trình xây dựng, Tổng cục nhận thấy nội dung Thông tư có nhiều điểm mới, các quy định tương đối phức tạp và đề cập những vấn đề chuyên sâu, chưa từng được quy định tại Việt Nam như: các nội dung liên quan đến đánh giá chất nạo vét (số lượng mẫu đại diện cần, phương thức, kỹ thuật lấy mẫu chất nạo vét) và nội dung liên quan đến xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét (việc sử dụng mô hình mô phỏng quá trình lan truyền chất nạo vét, mức độ, phạm vi tác động tới các hệ sinh thái biển quan trọng).

Vì vậy, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang trình lãnh đạo Bộ TN&MT cho phép đăng tải dự thảo Thông tư trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Đồng thời, theo ý kiến của Văn phòng Bộ, để Văn phòng thừa lệnh ký Công văn gửi Văn phòng Chính phủ, phải được sự đồng ý, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT. Tổng cục đã dự thảo Công văn của Bộ gửi Văn phòng Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Sau khi nhận được các ý kiến góp ý, đóng góp cho nội dung dự thảo của các đơn vị thuộc Bộ TN&MT và của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, Tổng cục sẽ tiếp tục tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo Thông tư.

Hoạt động nạo vét vật chất. Ảnh: MH

Theo đó, Dự thảo Thông tư gồm 4 Chương và 26 Điều; 2 mẫu Báo cáo đánh giá chất nạo vét và mẫu báo cáo đánh giá các ảnh hưởng của hoạt động nhận chìm tới tài nguyên môi trường biển. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư này quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam. Đối tượng áp dụng đối với cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam. Thông tư cũng nêu rõ, trong quá trình điều tra, nghiên cứu khoa học để cho ra kết quả, chấp nhận các phương pháp phân tích hướng dẫn trong các tiêu chuẩn quốc tế có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn các tiêu chuẩn quốc gia hiện hành và trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia để phân tích các thông số quy định trong Thông tư này.

Để được cấp phép, dự thảo Thông tư quy định một số điều quan trọng, chưa được quy định tại các văn bản hướng dẫn trước đó và chi tiết hơn báo cáo đánh gía tác động môi trường về quy chuẩn của vật chất được phép nhận chìm. Ví dụ như:  Cần phải đánh giá vật chất nạo vét với 8 nội dung cụ thể; sau đó, thu thập, điều tra bổ sung thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động nạo vét, chất nạo vét. Đồng thời phải lấy mẫu và phân tích, thử nghiệm mẫu chất nạo vét với các thông số đánh giá cụ thể dựa theo tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam và quốc tế.

Việc lựa chọn các thông số phục vụ đánh giá chất nạo vét phải đánh giá, xác định được các nguồn, hoạt động có khả năng gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới môi trường khu vực nạo vét. Qua đó, xác định danh sách các thông số phân tích phục vụ đánh giá chất nạo vét; đánh giá các điều kiện phục vụ công tác phân tích, phương pháp, giới hạn định lượng thực tế của việc phân tích.

Với các mẫu vật chất thu thập được phải lập kế hoạch phân tích mẫu để xác định mức độ bảo đảm chất lượng cho toàn bộ công việc lấy mẫu, lưu trữ và phân tích mẫu phù hợp với các phương pháp phân tích được sử dụng.  Các nội dung liên quan đến điều kiện bảo quản mẫu, các phương pháp phân chia mẫu, trộn mẫu, khối lượng mẫu và các trang thiết bị tương ứng của phòng thí nghiệm trên cơ sở việc lựa chọn phương pháp phân tích. Việc lấy mẫu ở đâu, lấy bao nhiêu và lấy như thế nào cũng được quy định chi tiết tại Điều 10 với quy định Lập và thực hiện kế hoạch lấy mẫu.

Chất nạo vét sẽ được đánh giá khách quan hơn với quy định phải xác định được: Đặc trưng hóa học của chất nạo vét, bao gồm cả các kết quả thử nghiệm khả năng lắng đọng, tạo cặn chất ô nhiễm có trong chất nạo vét, đặc trưng hóa học nước lỗ hổng của chất nạo vét, kim loại chiết xuất bằng dung dịch axit loãng;  độc tính của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; tích lũy sinh học của chất ô nhiễm trong chất nạo vét; đặc điểm sinh thái học khu vực dự kiến nhận chìm. Nếu kết quả tổng thể của việc đánh giá chất nạo vét dựa vào các bằng chứng có trọng số phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, chất nạo vét có thể được phép nhận chìm ở biển. Trường hợp không phù hợp, chất nạo vét không được phép nhận chìm ở biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định vật chất đủ quy cách nhận chìm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO