Xác định rõ nhiệm vụ chiến lược, xứng đáng với sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt
Đây là kỳ vọng, niềm tin được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi đến Đại học quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TPHCM trong cuộc làm việc sáng 6/9, tại TPHCM, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề phát triển nguồn nhân lực thành sức mạnh nội sinh, tài nguyên mới sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Vì vậy, quá trình tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cần xác định lại hệ thống quan điểm, tư duy giáo dục đào tạo trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, để ngành giáo dục đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và kỳ vọng của đất nước.
Theo đó, mô hình hai ĐHQG cũng cần được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, làm cơ sở đề xuất tư duy mới để tiếp tục phát huy cao nhất dân chủ, trí tuệ, vị thế tiên phong dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo; giải quyết "bài toán" tự chủ đại học, thu hút nhân tài. Đồng thời, xác định lại vai trò, vị trí của ĐHQG trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu cơ bản; mối quan hệ với các nhà khoa học, doanh nghiệp, các trung tâm đào tạo nghiên cứu lớn trên thế giới.
Nơi thí điểm nhiều chính sách đổi mới giáo dục đại học
Báo cáo Phó Thủ tướng, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân cho biết, quy mô đào tạo của nhà trường là hơn 55.000 người học, 488 chương trình đào tạo, 34 nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng với 210 phòng thí nghiệm. ĐHQG Hà Nội tiếp tục chuyển dịch sang mô hình đại học trách nhiệm xã hội cao, phục vụ trực tiếp sự phát triển của xã hội bằng việc thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức. Về tổng thể, Đại học quốc gia Hà Nội ở nhóm 401-600 trên thế giới.
Còn ĐHQG TPHCM có quy mô đào tạo hơn 103.000 sinh viên, học viên với 3 trình độ: đại học (139 ngành), thạc sĩ (141 ngành) và tiến sĩ (98 ngành),119 ngành đào tạo.
Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân bày tỏ: Gắn kết và phục vụ cộng đồng là một trong những giá trị cốt lõi mà ĐHQG TPHCM xây dựng.
Từ năm 2016 đến nay, toàn ĐHQG TPHCM thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt khoảng 250 tỷ đồng. Cùng mạng lưới đối tác học thuật quốc tế là các tổ chức giáo dục hàng đầu từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc, ĐHQG TPHCM đã chủ động cập nhật các xu hướng giáo dục tiến bộ nhất trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao vị thế và uy tín trong cộng đồng học thuật quốc tế.
Lãnh đạo hai ĐHQG cho rằng để phát triển thành những đại học đẳng cấp, ngang tầm khu vực và quốc tế, cần có cơ chế chính sách, nguồn lực tương xứng, đặc biệt là bộ máy tổ chức, sử dụng con người, nguồn lực tài chính. "ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM là nơi thí điểm nhiều chính sách đổi mới giáo dục đại học, vì vậy, chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện triển khai những mô hình, quy chế đào tạo mới, khác biệt, mang lại hiệu quả để nhân rộng", Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân nói.
Tập trung đào tạo, nghiên cứu công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn
Tại cuộc làm việc, một số nhà khoa học, lãnh đạo trường thành viên của ĐHQG TPHCM nêu nhiều ý kiến, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu, quản lý.
PGS.TS Nguyễn Phương Thảo (Trường ĐH Quốc tế) đã chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong chuyển giao công nghệ thông qua mô hình các công ty spin-off (công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh, và được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu).
Còn GS.TS Phan Bách Thắng (Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử) cho rằng để tạo đột phá về chất lượng nghiên cứu cơ bản và chuyển sang sáng chế, ứng dụng rất cần nguồn tài chính dài hạn 5-10 năm, cải cách thủ tục hành chính khi lựa chọn, đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học, công nghệ dựa trên sản phẩm, chấp nhận khả năng sai sót, tập trung đầu tư đồng bộ theo chương trình khoa học trọng điểm, hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị, máy móc, nhân lực…
Từ góc độ quản lý, ông Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn mong muốn đơn giản hoá cơ chế khai thác tài sản công để có thêm nguồn lực cho cơ sở đại học ngoài ngân sách nhà nước, học phí; có chính sách khuyến khích đào tạo những ngành học thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản hoặc cần thiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội nhưng ít người học.
Trao đổi với các nhà khoa học, cán bộ quản lý, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định trọng trách của hai ĐHQG là thực hiện các nhiệm vụ chiến lược đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vấn đề lớn nhất của ĐHQG TPHCM là xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, còn ĐHQG HN là cơ sở hạ tầng, giảng dạy. "Chúng ta cần tập trung nguồn lực đầu tư dứt điểm", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về yêu cầu phải tăng cường đào tạo nhân lực, nghiên cứu cho lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu ví dụ về nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, vi mạch trong nước đang rất lớn để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là trách nhiệm rất lớn của hai ĐHQG. "Bộ TT&TT đang chuẩn bị trình Chính phủ chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn với trọng tâm là thiết kế chip", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ khẩn trương rà soát, xác định 13 nội dung cần tháo gỡ về thủ tục tuyển chọn, đấu thầu, nghiệm thu, quyết toán các nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Bộ KH&CN cũng đang xây dựng cơ chế ưu đãi cho các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học; đề xuất cơ chế thử nghiệm đối với việc thành lập công ty spin-off.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần cân nhắc cơ chế tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, cho phép kinh doanh trên một số tài sản công; đầu tư các phòng thí nghiệm hiện đại để thu hút nghiên cứu về hai ĐHQG.
Thông tin thêm về hướng đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho rằng cần có sự kết nối giữa đề tài khoa học với phát triển, thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu.
Định hình "hệ sinh thái" ĐHQG để tạo ra sự khác biệt
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định trong tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới về ĐHQG làm cơ sở pháp lý để hai ĐHQG tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Theo Phó Thủ tướng, sau 30 năm hoạt động, hai ĐQHG cần tổng kết, xác định những vấn đề còn vướng mắc trong định hướng, tầm nhìn phát triển, cơ cấu bộ máy tổ chức; mối quan hệ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nghiên cứu cơ bản với ứng dụng, triển khai; mối quan hệ giữa ĐHQG với các trường thành viên, các doanh nghiệp, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc… từ đó, định hình "hệ sinh thái" ĐHQG để tạo ra sự khác biệt.
Phó Thủ tướng cho rằng hai ĐHQG phải đặt ra tầm nhìn trong tương lai, có đề án tổng thể dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn để đề xuất với Nhà nước về cơ chế, chính sách đầu tư, đặt hàng đào tạo, mô hình vận hành, thu hút xã hội hoá để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học cơ bản, các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ mới, thay vì tập trung vào những ngành đang thu hút nhiều người học.
ĐHQG cần tham gia cùng các bộ, ngành để đổi mới về quản lý khoa học công nghệ, đầu tư, tổ chức bộ máy, từ đó, bảo đảm sự kết nối, thông suốt giữa giáo dục phổ thông và dạy nghề; đào tạo cao đẳng, đại học và trên đại học.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác cũng đã dâng hoa tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trồng cây lưu niệm trong khuôn viên toà nhà điều hành của ĐHQG TPHCM.