Văn bản mới

Xác định di sản thừa kế là diện tích đất đo đạc thực tế

Phạm Oanh 23/07/2024 - 14:34

(TN&MT) - Nếu trong di chúc không ghi rõ diện tích (m2) đất thừa kế thì di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được xác định theo diện tích đất đo đạc thực tế theo tứ cận thể hiện trong di chúc.

Nội dung này đã được ghi nhận trong Án lệ số 72/2024/AL vừa được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua.

Án lệ này bắt nguồn từ Quyết định giám đốc thẩm số 60/2022/DS-GĐT của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị G với bị đơn là ông Nguyễn Văn U và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

di-san-thua-ke.jpg
Ảnh minh họa

Cụ thể nội dung án lệ như sau:

Theo Tờ di chúc đề ngày 16/5/1998, cụ M và cụ B cho bà G diện tích đất là 15 công tầm lớn. Mặc dù di chúc không ghi diện tích đất cụ thể, chỉ ghi là 15 công tầm lớn nhưng có nếu tứ cận của khu đất.

Như vậy, phần đất bà G được cha, mẹ cho là đất có khuôn viên, xung quanh tiếp giáp với đất của các hộ dân khác, hiện nay không có tranh chấp về tứ cận. Sau khi cụ M chết, tại Biên bản họp gia đình ngày 15/6/2004 và Tờ di chúc ngày 09/9/2006 cụ B đã thể hiện ý chí cho bà G toàn bộ diện tích 32.500m2 đất, điều này phù hợp với việc năm 1998 vợ chồng cụ M, cụ B lập di chúc cho bà G đất theo khuôn viên.

Tờ di chúc đề ngày 16/5/1998 do cụ M và cụ B lập có chữ ký của các con và xác nhận của chính quyền địa phương; Biên bản họp gia đình ngày 15/6/2004, có chữ ký của các con (không có chữ ký của ông U) và xác nhận của chính quyền địa phương. Riêng ông U cho rằng ông được cụ M, cụ B tặng cho đất từ năm 1998 nên ngày 15/11/2000, ông U được Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông U không xuất trình được chứng cứ chứng minh có việc cha mẹ tặng cho đất.

Khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào nội dung của di chúc, biên bản họp gia đình, lời khai của các con cụ M, cụ B và quá trình quản lý, sử dụng đất liên tục từ năm 1998 của bà G cũng như việc kê khai, đăng ký đất từ đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà G, công nhận bà G được hưởng thừa kế đối với phần đất là di sản của cụ M, cụ B là có căn cứ.

Với vụ án này, tình huống pháp lý ở đây là: Tờ di chúc không ghi rõ diện tích đất để lại thừa kế mà chỉ ghi chung chung là 15 công tầm lớn nhưng có nếu tứ cận của khu đất. Tòa án xác định, di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được định đoạt theo di chúc hợp pháp, nội dung di chúc có xác định tứ cận nhưng không thể hiện diện tích đất cụ thể và không có tranh chấp về tử cận.

Trường hợp này, Tòa án phải xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được xác định theo diện tích đất đo đạc thực tế theo tứ cận thể hiện trong di chúc.

Như vậy, sau khi án lệ này được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua, khi giải quyết các trường hợp nhận thừa kế theo di chúc, nếu trong di chúc không thể hiện diện tích đất cụ thể (m2) thì diện tích đất đó sẽ được xác định theo diện tích đo đạc thực tế theo tứ cận thể hiện trong di chúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định di sản thừa kế là diện tích đất đo đạc thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO