Tham dự Hội thảo có đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; Trường Đại học Quảng Nam; Viện nghiên cứu phát triển KTXH thành phố Đà Nẵng, Trung tâm nâng cao năng lực thích ứng tại Đà Nẵng; Các chuyên gia, Tổ chức Care và các thành viên IUCN.
Tại Hội thảo, các học viên được truyền đạt về các bước thực hiện các hoạt động ưu tiên trong khuôn khổ thực hiện cách tiếp cận quản lý từ đầu nguồn xuống biển; lựa chọn về hoạt động ưu tiên (trong khuôn khổ R2R) về ô nhiễm rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền.
Rác thải nhựa không những hủy hoại đời sống sinh vật biển mà còn ảnh hưởng đến nguồn hải sản mà con người tiêu thụ. Cách tốt nhất để giảm thiểu rác nhựa là phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như doanh nghiệp thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.
Theo đó, mục tiêu của Hội thảo lần này là tập trung hướng dẫn 02 địa phương Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam xác định các vấn đề liên vùng trong quản lý rác thải nhựa từ đầu nguồn xuống biển và thảo luận đưa ra các hoạt động cụ thể cần được ưu tiên giải quyết theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp từ lưu vực sông tới đới bờ.
Bên cạnh việc thực hiện các mô hình giảm thiểu, phân loại và tái chế rác thải nhựa từ nguồn, cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng cho lực lượng ngư dân, tiểu thương, chủ các cơ sở nhà hàng, khách sạn nhằm hạn chế các hành vi xả thải, khuyến khích các hành động phân loại và tái chế rác có hiệu quả và cam kết không xả thải rác thải nhựa xuống biển.
Ngoài ra, các thành viên tham dự Hội thảo còn được chia sẻ về các dự án, hoạt động quản lý rác thải nhựa của các tổ chức tại Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; Các giải pháp liên kết các nỗ lực tại 2 địa phương hướng tới mục tiêu chung về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và đề xuất các hành động hỗ trợ từ Ban điều phối theo tiếp cận liên vùng từ đầu nguồn xuống biển.