(TN&MT) - Người dân phải bỏ tiền mua nước sạch với giá cao. Nhưng loại nước gọi là “sạch” này lại thường xuyên bị đục, kèm theo rác, thậm trí có cả mùi phân trâu khiến hàng trăm người dân xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) bức xúc.
Biết nước bẩn vẫn phải dùng
Công trình cấp nước sinh hoạt tại khu Lũng Puột, thôn Nà Tông (xã Thượng Lâm) được đưa vào sử dụng tháng 4/2011, do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí là 6.927.715.000 đồng. Đến tháng 1/2012 công trình được bàn giao cho Công ty cấp thoát nước tỉnh Tuyên Quang quản lý vận hành.
Tuy nhiên, theo người dân ở 5 thôn gồm: Nà Liềm, Bản Chợ, Nà Thuôn, Nà Bản, Na Tông trực tiếp sử dụng nguồn nước phản ánh đã nhiều năm nay họ phải sử dụng nguồn nước bẩn, không hợp vệ sinh mà công trình này cung cấp. Nước thường xuyên bị đục như bùn, kèm theo đó là có cả rác.
Người dân mua nước sạch nhưng phải dùng nước bẩn
Người dân cho rằng, nước bẩn là do hệ thống lọc nước (theo báo cáo mới đây của huyện Lâm Bình thì 1 trong 2 bình lọc đã bị vỡ không sử dụng được) của công trình bị hỏng nhưng Công ty cấp thoát nước tỉnh Tuyên Quang không thay thế hay sửa chữa.
Đặc biệt, tại khu Lũng Puột - thượng nguồn của công trình nước có 17 hộ dân ở xã Khuôn Hà lên canh tác, chăn thả trâu bò đã gây nên tình trạng nước bẩn như hiện nay. Để đảm bảo vệ sinh nguồn nước, người dân xã Thượng Lâm đã có kiến nghị di dời các hộ dân này khỏi thượng nguồn nguồn nước, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì.
Trao đổi với phóng viên, ông Hỏa Văn Đợi, Phó trưởng thôn Nà Tông cho biết, mùa mưa là nước đục như nước mùa lũ về.
Bà Hoàng Thị Lợi, ở thôn Nà Tông cho biết: “Buổi tối không dùng tới nước gia đình khóa van lại, sáng hôm sau mở ra có cả bùn kèm theo nước. Nhiều lúc vặn nước ra nhìn kỹ nó đen đen như phân trâu ấy”. Nước đã bẩn nay còn chịu cảnh tăng giá, trước đây Công ty giá có 3.000 đồng/m3, nhưng hơn 1 năm nay đã tăng lên 4.500 đồng/m3. Người dân ở đây mang tiếng là có nước sạch nhưng không bao giờ sạch được. Chính vì vậy, thời gian đầu có khoảng 80 hộ dùng nước từ công trình, về sau người dân chê bẩn nên không dùng nữa giờ còn khoảng hơn 60 hộ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Trang, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lâm Bình cho biết, trước đây người dân đã phản ánh lên huyện, huyện đã có văn bản báo cáo tỉnh và Công ty nước, công ty cũng lên xử lý nhưng chưa triệt để.
Công trình “chắp vá” người dân chịu thiệt
Để tiếp tục làm rõ những nội dung phản ánh của người dân, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước và Môi trường huyện Na Hang (thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước tỉnh Tuyên Quang). Ông Tâm cho biết, giá bán nước được thực hiện theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tăng bao nhiêu, tăng như thế nào là do Ủy ban nhân dân tỉnh chứ không phải Công ty tự tăng giá.
Về hệ thống bình lọc, ông Tâm cho biết: “Khi nhận bàn giao công trình đã bị xuống cấp rồi. Cứ mỗi lần nứt như thế công ty lại phải hàn lại. Bình bị vỡ lần sau cùng từ tháng 5/2014. Do vậy, chất lượng nước không được đảm bảo từ lúc đầu tư ban đầu”.
Trao đổi về chất lượng công trình nước, đặc biệt là hệ thống bình lọc, ông Phùng Quốc Linh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty TNHH MTV cấp thoát nước tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi đơn vị nhận công trình vẫn trong thời gian bảo hành. Song tại thời điểm này, hai bình lọc đã có nhiều vết hàn to như bàn tay, đơn vị đã đề nghị thay bình (chính ông Linh là người đề nghị và bổ sung vào biên bản bàn giao) nhưng đến nay chưa có một phản hồi nào.
Công trình đang trong thời gian bảo hành khi bàn giao đã xuất hiện nhiều vết nứt, vết hàn. Phải chăng công trình ngay từ khi xây dựng đã không được đảm bảo chất lượng? Việc 17 hộ dân đang chăn nuôi trâu, bò, canh tác ngô, sắn… trên thượng nguồn dòng nước có thể sẽ làm ô nhiễm nguồn nước từ phân trâu, phân bò, từ thuốc sâu. Thế nhưng, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước tỉnh Tuyên Quang đơn vị quản lý vận hành lại không có phương án khắc phục hữu hiệu cho người dân yên tâm sử dụng nước, vì sao?
Trong khi chờ cơ quan quản lý vào cuộc thì người dân xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang vẫn phải dùng nước bẩn.
Lê Xuân – Thụy Anh