Nhiều năm qua, người dân sống sát Nhà máy đường An Khê đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền phản ánh về việc nhà máy này gây ô nhiễm môi trường nhưng đều không được giải quyết dứt điểm.
Vào đầu tháng 1-2019, chúng tôi đã chứng kiến dòng nước có màu đen và mùi hôi xả thải ra theo các rãnh nước chảy. Các rãnh nước này lại hoà chung vào con suối nhỏ cuối nguồn chảy ra đồng ruộng. Lượng nước xả ra là tương đối lớn, ước tính bằng mắt thường thì phải hơn 20m3/giờ. Lần theo rãnh nước chảy, chúng tôi lên hai hồ chứa nước thải chưa qua xử lý của nhà máy. Tại đây, lượng nước thải chưa qua xử lý đã ngập tràn hai hồ. Bên cạnh hai hồ này có một bể chứa nước thải đang xử lý. Tuy nhiên, tại bể chứa nước thải để xử lý này có rất ít nước. Người dân cho rằng có lẽ nhà máy dựng lên làm "màu", đây là điều vô cùng nghịch lý bởi nước chưa xử lý thì vô tư tràn bờ còn nước đã qua xử lý thì rất ít.
Ông Phan Ngọc Anh (trú thôn 2) cho rằng tình trạng ô nhiễm này năm nào người dân cũng phản ánh nhưng có được gì đâu. "Báo lên xã, xã lại nói mấy ông lãnh đạo nhà máy đường là xong, còn dân thì lãnh đủ”, ông Anh nói.
Cũng theo người dân, không chỉ xả nước thải hôi thối và dơ bẩn ra môi trường, Nhà máy đường An Khê còn để tiếng ồn, khói, bụi bay toả xung quanh khiến nhiều hộ dân sống sát tường Nhà máy cực kỳ bức xúc. Tiếp xúc một số nhà dân thì thấy bụi bay vào nhà và đóng một lớp dày đặc. Độ rung từ nhà máy còn khiến cửa sắt của các hộ phát ra tiếng ồn rất khó chịu.
Ông Nguyễn Văn Hoà (trú thôn 2) nói rằng, ban ngày thì còn đỡ, chứ ban đêm thì tiếng ồn hết sức khó chịu. Còn theo vợ ông Hoà, nước giếng nhà họ cũng có mùi rất khó chịu. Chính vì vậy, những hộ dân ở đây đều được nhà máy đường cấp nước uống đóng bình, cứ 3 ngày là 2 bình cho 1 gia đình. Dân ở đây đều cho rằng sức chịu đựng của họ đã quá giới hạn. Họ đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền yêu cầu nhà máy phải thu hồi đất đồng thời đền bù thiệt hại hoa màu để có điều kiện di dời đến nơi khác sinh sống, hoặc là buộc Nhà máy phải đảm bảo xả thải sạch ra môi trường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau đó, chỉ có những giải pháp chung chung của chính quyền cũng như Nhà máy đường An Khê được đưa ra. "Cái mà dân cần là phương án để ổn định cuộc sống, không phải suốt ngày chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm nguồn nước", người dân bức xúc nói.
Tại công văn số 02ĐAK/BC-KTMT do Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê Nguyễn Văn Hảo ký đã giải trình với cơ quan chức năng rằng, Nhà máy đường An Khê có hệ thống xử lý nước thải đã được đầu tư và hàng năm đều được nâng cấp. Hệ thống xử lý nước thải nằm ở phía bắc của Nhà máy và chung với các khu xử lý tro, rác thải sinh hoạt. Trong thời gian từ ngày 25-12-2018 đến đầu tháng 1-2019, thời tiết liên tục mưa. Khi trời mưa to cuốn theo một lượng tro đen tập kết trên bãi chứa, trên mặt đất và lẫn theo nước mưa theo mương chảy ra ruộng dân. Ngay sau đó, Nhà máy đã kiểm tra và cho lắp bơm, bơm ngược lượng nước đen này về hồ chứa xử lý, không cho nước đen chảy ra ngoài gây phản cảm. Ngày 3-1-2019, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an thị xã An Khê, UBND xã Thành An đã kiểm tra hiện trường thực tế như nhà máy đã trình bày trên và xác định nhà máy không cố tình xả thải nước chưa xử lý ra môi trường. Lượng nước chảy ra môi là lượng nước có màu đen của nước tro đọng lại trong một hố đất trũng có dung tích khoảng 1m3 bị tràn khi nước mưa chảy tràn vào hố và tràn ra ngoài ruộng. Nhà máy đã cho lắp bơm bơm cạn và triển khai lấp hố trũng này để không còn xảy ra hiện tượng trên(?).
Tuy nhiên, một lãnh đạo xã Thành An khẳng định rằng những phản ánh của dân là hoàn toàn đúng. "Xã đã tiến hành kiểm tra và thấy rằng dân phản ánh hoàn toàn đúng. Cụ thể, nước thải màu đen có mùi hôi thối nhưng không hiểu sao Nhà máy lại báo cáo là do tro bụi. Nếu thật sự là tro thì dân phải cám ơn nhà máy chứ sao lại kiện", vị lãnh đạo xã Thành An này cho hay.
Tại Quyết định xử phạt số 525, UBND tỉnh Gia Lai nêu rõ, vào lúc 9 giờ 20 phút ngày 17-1-2019, tại vị trí xả nước thải, nhà máy đường An Khê đã xả nước thải chứa các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật vào môi trường. Cụ thể, thông số COD vượt quy chuẩn 1,66 lần; thông số BOD5 vượt quy chuẩn 1,65 lần; thông số P vượt 1,5 lần; thông số TSS vượt 1,59 lần; thông số Coliform vượt 1,4 lần; thông số N vượt 1,3 lần. Căn cứ theo các quy định hiện hành, UBND tỉnh Gia Lai quyết định xử phạt nhà máy đường An Khê với số tiền 468 triệu đồng; buộc nhà máy đường này có các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường trước 31-5-2019.
Vào tháng 12-2016, dự án nâng công suất nhà máy đường đạt 18.000 tấn mía/ngày đêm hoàn thành với số vốn đầu tư là 1.653 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là hơn 300.000m2.