Xã Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội): Nỗi khổ của người dân mất đất

22/01/2016 00:00

 (TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn kêu cứu của bà Phạm Thị Xuân ở thôn Tằng My, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Trong đó, phản ánh về việc bà bị những người có chức sắc trong xã ngang nhiên chiếm đoạt đất giãn dân của mình trên  diện tích 106m2, được UBND xã cấp năm 2000, đã 15 năm nay mà không được giải quyết …

Gần 15 năm đi đòi lại quyền lợi

Bà Phạm Thị Xuân cho biết: Ngày 26/11/2000, UBND xã Nam Hồng cấp cho bà một mảnh đất giãn dân rộng 106m2 tại thôn Đìa. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn là hộ nghèo của xã, lại sống đơn thân nuôi con nhỏ, nên gia đình không đủ tiền để nộp tiền sử dụng đất. Vì vậy, bà được ông Nguyễn Văn Thanh, sống cùng xã môi giới với bà Nguyễn Thị Hiển lúc đó còn là xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho vay với số tiền là 16.200.000 đồng để nộp biên lai thu tiền đất giãn dân tại xã, khi vay bà Hiển, gia đình cũng cam kết là sẽ có hình thức để chi trả dần số tiền vay mượn này.

Sau khi hoàn thành các thủ tục và nhận bàn bàn giao đất từ UBND xã Nam Hồng, gia đình đã liên hệ với bà Hiển để thỏa thuận hình thức trả nợ, nhưng khi đó bà Hiển tuyên bố ai nộp tiền biên lai (16.200.000 đồng) người đó được quyền sử dụng đất. Tiếp đó, gia đình tiếp tục liên hệ với bà Hiển tìm cách thương lượng, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên, nhưng bà Hiển vẫn từ chối.

Bà Phạm Thị Xuân cho biết về mảnh đất giãn dân của bà bị người khác chiếm đoạt
Bà Phạm Thị Xuân cho biết về mảnh đất giãn dân của bà bị người khác chiếm đoạt

Sự việc nghiêm trọng hơn khi vào 5/2003, khi gia đình quyết định xây nhà trên lô đất giãn dân được xã cấp, ông Nguyễn Bá Hùng khi đó là công an xã (nay là Trưởng ban Tư pháp xã) cho vợ và nhiều người khác đến đập phá và tuyên bố: “Đất này, tôi đã mua của người ta rồi, tôi có toàn quyền, không ai có quyền ở đây”. Sau tuyên bố này, ông Hùng và gia đình ngày đêm thuê nhân công xây dựng nhà cấp 4 và chiếm giữ đất luôn mảnh đất vốn dĩ được phân cho bà Xuân.

Quá bức xúc vì bỗng nhiên bị chiếm đoạt đất, gia đình đã lập tức làm đơn trình báo lên UBND xã, đồng thời, yêu cầu xã giải quyết tranh chấp trả lại đất cho gia đình theo đúng pháp luật vì hiện tại gia đình vẫn giữ trong tay giấy tờ quan trọng nhất là Giấy bàn giao đất của UBND xã Nam Hồng.

Từ năm 2003 đến nay, vì bị người khác chiếm đoạt đất nên bà Phạm Thị Xuân cùng 2 con gái là Phạm Thị Tú Linh và Phạm Ngọc Anh phải đi ở nhờ nhà người thân. Liên tiếp thời gian sau đó, gia đình gửi đơn kêu cứu đến các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng từ xã cho đến huyện với hy vọng trả lại sự công bằng cho gia đình cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 15 năm trời cố gắng, nỗ lực, đòi lại quyền lợi chính đáng gia đình không được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Phớt lờ chỉ đạo của UBND huyện

Để làm rõ vấn đề của bà Phạm Thị Xuân, phóng viên đã trao đổi với Luật sư -Th.S Dương Minh Kha - Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, địa chỉ số 23 Hồ Đắc Di, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, Luật sư Kha cho biết: Hiện tại, trong tay bà Phạm Thị Xuân đang nắm giữ tờ giấy quan trọng nhất là Giấy bàn giao đất giãn dân của UBND xã Nam Hồng cấp. Giấy bàn giao này hoàn toàn đủ tư cách pháp nhân chứng minh bà Phạm Thị Xuân là chủ nhân của mảnh đất giãn dân nói trên. Mọi mua bán, giao dịch, chuyển nhượng nếu không có sự đồng ý của bà Xuân là không đúng về mặt pháp lý. Tất cả những giấy tờ mua bán trao tay giữa bà Nguyễn Thị Hiển (người cho bà Xuân vay tiền) với ông Nguyễn Bá Hùng và sau này là ông Nguyễn Tiến Du đều chưa đúng căn cứ về mặt pháp lý, hơn nữa tất cả các giấy tờ mua bán trên đều không có xác nhận của chính quyền địa phương, hoặc của một cơ quan luật nào đó chứng nhận về mặt pháp lý của việc chuyển nhượng.

“Có thể thấy, ông Nguyễn Bá Hùng một cán bộ xã, người hiểu biết về pháp luật và cũng là người hiểu hơn ai hết về việc tranh chấp chấp đất đai giữa bà Hiển và bà Xuân, cũng như Giấy tờ bàn giao đất quan trọng mà bà Xuân đang giữ. Thế nhưng ông Hùng vẫn tiến hành các thủ tục chuyển nhượng đất từ bà Hiển, sau đó, ông Hùng lại rất nhanh chóng chuyển giao lô đất này cho ông Nguyễn Tiến Du, người sau này là Phó công an xã Nam Hồng. Tất cả điều này, khiến dự luận đặt ra câu hỏi là liệu có điều gì mờ ám hay không?!” – Luật sư Kha nói.

Qua tìm hiểu, được biết trước những đơn thư khiếu nại của bà Phạm Thị Xuân kéo dài gần 15 năm, đến ngày 10/2/2015  UBND huyện Đông Anh đã có công văn số 124/UBND-VP, trong đó, nội dung Công văn nghi rõ “UBND huyện giao UBND xã Nam Hồng và Phòng Tài nguyên và Môi trường rà soát nội dung tranh chấp; thực hiện hòa giải và hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan chức năng có thẩm quyển giải quyết theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND huyện”.

Ông Nguyễn Lê Hiến - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho biết: sau Công văn số 124/UBND-VP của UBND huyện, Phòng đã có công văn tiếp sau yêu cầu UBND xã nhanh chóng tiến hành việc hòa giải tranh chấp. Đến ngày 8/9/2015, sau khi rà soát kết quả giải quyết đơn thư tại xã Nam Hồng, Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết tranh chấp đất đai giữa bà Phạm Thị Xuân và những người có liên quan. Vì vậy, Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Công văn số 476/TNMT gửi UBND xã Nam Hồng yêu cầu xã sớm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định. Trường hợp có khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết, đề nghị UBND xã Nam Hồng có ý kiến về UBND huyện thông qua Phòng Tài nguyên và Môi trường để được tháo gỡ và giải quyết. Tuy nhiên sau tất cả các chỉ đạo, hướng dẫn, UBND xã vẫn chưa tổ chức hòa giải tranh chấp cho người dân, gây ra những bức xúc kéo dài từ năm này qua năm khác.

Có hay không sự bao che cho cán bộ trong xã mà UBND xã Nam Hồng lại phớt lờ sự chỉ đạo của UBND huyện Đông Anh, để người dân “thấp cổ bé họng” chịu thua thiệt, uất ức hơn 15 năm qua? Câu hỏi này rất cần lời giải đáp từ chính quyền xã Nam Hồng!

Bài và ảnh: Huy An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội): Nỗi khổ của người dân mất đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO