Đại diện chính phủ các nước đã tới New York (Mỹ) tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hành động chống BĐKH của Liên Hợp Quốc (LHQ) để xây dựng các cam kết đưa ra trong Hiệp định Paris 2015 nhằm mục đích hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đến 1,5 độ C.
Thỏa thuận này được gần 200 quốc gia thông qua, trong đó các nước trên thế giới đặt mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và cố gắng giữ nhiệt độ dưới ngưỡng 1,5 độ C.
Theo dự báo, khi nhiệt độ gia tăng đến 2 độ C sẽ quét sạch hơn 99% các rạn san hô và làm tan chảy phần lớn băng biển ở Bắc Cực.
Ông Omar Baddour - chuyên gia khoa học cấp cao của WMO cho biết: “Về cơ bản, chúng ta đang trên đà chạm mức tăng ít nhất 1,2-1,3 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng 5 năm tới. Do đó, chúng ta cần hành động quyết liệt hơn”.
Các ý kiến được đưa ra sau khi LHQ công bố báo cáo hôm 22/9 cho thấy nhiệt độ trung bình trên toàn cầu trong giai đoạn 2015-2019 là khoảng thời gian nóng nhất so với bất kì giai đoạn 5 năm nào trước đây, với mức nhiệt tăng 0,2 độ C trong giai đoạn 2011-2015.
Theo Maxx Dilley - Giám đốc chi nhánh dự báo và thích ứng khí hậu của WMO, những thống kê này không chỉ đáng báo động mà còn gây ra cảm giác mất an toàn. Cần có sự gia tăng mạnh mẽ về mức độ tham vọng và cũng như mức độ theo dõi thực tế thông qua các chính sách có thể giải quyết vấn đề này.
Báo cáo của WMO cũng cho thấy kỷ lục khí thải CO2 và các loại khí nhà kính khác trong khí quyển được ghi nhận trong cùng thời kỳ, với tốc độ gia tăng 20% khí CO2 so với 5 năm trước.
“Khí thải được tạo ra ngày hôm nay có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ 20 năm sau đó, theo xu hướng nhiệt độ toàn cầu nóng lên” – Dilley nhấn mạnh.