|
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Lo lắng lớn nhất của tôi là ngày nay không có hệ thống nào phát hiện ra những người nhiễm virus, ngay cả khi nó xuất hiện. Cần có sự hỗ trợ khẩn cấp các hệ thống y tế yếu để phát hiện, chẩn đoán và chăm sóc người nhiễm virus, ngăn chặn sự lây truyền từ người sang người và bảo vệ nhân viên y tế”.
Kế hoạch chuẩn bị và đối phó chiến lược (SPRP) cho virus corona đưa ra các hoạt động và nguồn lực cần thiết cho các tổ chức y tế quốc tế trên toàn cầu, bao gồm cả WHO, để thực hiện các biện pháp y tế công cộng ưu tiên hỗ trợ các nước chuẩn bị và ứng phó với nCoV-2019 trong giai đoạn từ tháng 2-4/2020.
Mục tiêu của kế hoạch là hạn chế lây truyền virus từ người sang người, đặc biệt là ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất nếu họ phải đối mặt với dịch bệnh; xác định, cách ly và chăm sóc bệnh nhân sớm; thông tin về rủi ro quan trọng và thông tin sự kiện; giảm thiểu tác động xã hội và kinh tế; giảm sự lây lan virus từ các nguồn động vật; giải quyết những ẩn số quan trọng.
SPRP tập trung vào việc nhanh chóng thiết lập sự phối hợp quốc tế và hỗ trợ hoạt động, mở rộng quy mô sẵn sàng và đối phó với dịch bệnh của đất nước và đẩy mạnh nghiên cứu ưu tiên và đổi mới.
“Hiệu quả của việc đối phó với sự bùng phát dịch bệnh phụ thuộc vào các biện pháp chuẩn bị được đưa ra trước khi bùng phát. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tìm kiếm các nguồn lực để bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất nhằm bảo vệ mọi người khỏi virus corona” - Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu bộ phận phản ứng khẩn cấp của WHO cho biết.
Như đã nhấn mạnh trong SPRP, WHO đánh giá dịch bệnh có nguy cơ rất cao ở Trung Quốc và nguy cơ cao trong khu vực và toàn cầu. Đánh giá rủi ro dựa trên các yếu tố bao gồm khả năng lan rộng hơn nữa, tác động tiềm tàng đối với sức khỏe con người và mức độ hiệu quả khác nhau trong các biện pháp chuẩn bị và đối phó của quốc gia. Hành động tăng cường như được kêu gọi trong kế hoạch có thể giải quyết những rủi ro và lĩnh vực cần hỗ trợ.