Theo tìm hiểu, vào năm 2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Dự án gồm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Trong đó, giai đoạn 2 là mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe, mở rộng cầu, đường dẫn 4 làn xe và dự kiến khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2020.
Đến giữa tháng 6/2018, khối lượng thực hiện hạng mục thi công cầu và đường dẫn hầm Hải Vân 2 đoạn phía Bắc thuộc địa phận Thừa Thiên Huế đạt khoảng 25%; chậm khoảng 13% so với tổng tiến độ dự án được duyệt. Nguyên nhân là do không có mặt bằng sạch để thi công.
Được biết, vào tháng 8/2017, ông Nguyễn Văn Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từng yêu cầu huyện Phú Lộc bàn giao mặt bằng còn lại cho chủ đầu tư vào ngày 30/8/2017 để tổ chức thi công. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 năm nhưng mặt bằng vẫn chưa được bàn giao dứt điểm.
Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu UBND huyện Phú Lộc phải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư chậm nhất vào ngày 31/5/2018. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6/2018, việc bàn giao mặt bằng sạch vẫn dậm chân tại chỗ.
Ban quản lý Dự án hầm đường bộ Hải Vân cho hay, từ giữa tháng 5/2018 đến nay, tình trạng một số người dân địa phương ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) làm cản trở việc thi công dẫn đến việc thi công cầm chừng...
Tình trạng này cộng với vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khiến việc thi công đường dẫn phía Bắc của dự án mở rộng hầm Hải Vân 2 bị chậm so với tiến độ.
Nguyên nhân một số hộ dân cản trở thi công, ném đá đe dọa... vì cho rằng không được chủ đầu tư hỗ trợ đền bù 1 vụ nuôi cá lồng trên đầm Lập An. Ngoài ra, người dân còn khiếu nại về việc thi công khoan cọc khoan nhồi trên sông và nổ mìn thi công hầm Hải Vân gây chấn động, làm nứt nhà dân.
Để giải quyết tình trạng trên, đến nay nhà đầu tư đã phối hợp với địa phương hoàn thành việc chi trả hỗ trợ trên 8,5 tỷ đồng; đồng thời đã mời đơn vị bảo hiểm khảo sát việc khiếu kiện...
“Qua kiểm tra cho thấy, việc nổ mìn thi công được thực hiện từ tháng 12/2016. Kết quả theo dõi rung chấn nổ mìn hầm Hải Vân ở mức cho phép. Trong khi đó, mũi khoan đào ở phía bắc hầm Hải Vân mở rộng đến nay đã đào sâu cách khu vực nhà dân khoảng 3,5 km nên hầu như không gây ra chấn động khi thi công”- ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Ban quản lý Dự án thông tin.
Được biết ngày 7/6 vừa qua, ông Nguyễn Văn Phương tiếp tục có văn bản yêu cầu lãnh đạo huyện Phú Lộc chủ trì, phối hợp với UBND thị trấn Lăng Cô, công an, biên phòng đối thoại trực tiếp với người dân để tuyên truyền, giải thích về cơ chế, chính sách để người dân hiểu, chấp hành theo quy định pháp luật.
Đồng thời yêu cầu huyện phối hợp với cơ quan chức năng có phương án giải quyết kiến nghị về đơn giá đền bù nhà, di dời bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng, không đảm bảo an toàn dọc QL1A phía Bắc cầu Lăng Cô, đảm bảo hoàn thành công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư tổ chức thi công trước ngày 15/7.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu UBND huyện Phú Lộc phối hợp với các cơ quan kiểm tra thực tế để giải quyết các đơn thư phản ánh của người dân liên quan đến việc nứt nhà. Yêu cầu chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả phối hợp, chỉ đạo các nhà thầu tăng cường công tác thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các hạng mục đã bàn giao mặt bằng dưới nước, sớm hoàn trả lại mặt nước đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường để người dân có kế hoạch tổ chức sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản..