Vườn quốc gia Xuân Thủy với tổng diện tích khoảng 15 nghìn ha, bao gồm vùng lõi 7.100ha trong đó có 3.100ha diện tích đất nổi có rừng khi triều kiệt và khoảng 4.000ha đất còn ngập nước; vùng đệm rộng 7.233ha, bao gồm 960ha phần diện tích còn lại của Cồn Ngạn, toàn bộ bãi trong với diện tích 1.997ha và diện tích tự nhiên của 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải.
Một góc vườn quốc gia Xuân Thủy |
Năm 1988, VQG Xuân Thủy chính thức được quốc tế công nhận là khu Ramsar. Đây là bãi vùng triều cửa sông ven biển có diện tích rừng ngập mặn lớn, điển hình nhất cho hệ sinh thái ven biển khu vực đồng bằng sông Hồng, nằm ở vị trí cửa sông có tốc độ bồi lắng phù sa trung bình hàng năm khoảng vài chục mét. Bãi bồi cửa sông ven biển cũng là nơi cung cấp các nguồn hải sản quý như tôm, cua, cá, sò, vạng, rau câu và các loài khác. VQG Xuân Thủy còn là “ga chim” quan trọng đối với dòng chim di trú quốc tế, trong số đó có loài cò mỏ thìa mặt đen, là loài chim đã được ghi vào sách đỏ của IUCN về các loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tháng 10 năm 2004 UNESCO công nhận VQG Xuân Thủy là vùng quan trọng số một của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, điều đó đã khẳng định vị thế quốc tế đặc biệt của VQG Xuân Thủy.
Xác định được vai trò, vị thế và tầm quan trọng của vùng đất ngập nước Xuân Thủy, trong suốt nhiều năm qua, Vườn QG Xuân Thủy đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tại khu vực, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Phối hợp với Kiểm lâm duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát |
Ông Vũ Quốc Đạt, Phó Giám đốc VQG Xuân Thủy cho biết, nhận thấy việc kết hợp bảo tồn gắn với sinh kế cộng đồng là điều quan trọng trong phát triển bền vững, thời gian qua vườn đã đưa các sinh kế mới như trồng nấm, nuôi ong, nuôi ngao bền vững... để tạo làn gió mới cho kinh tế địa phương
Với nghề sản xuất mật ong từ rừng sú vẹt, vườn đã phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ quản lý, chăm sóc đàn ong cũng như tìm hiểu về nguồn hoa nuôi ong, cách thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm từ cuối tháng 4 đến tháng 7 có khoảng từ 6000-8000 đàn ong được người dân mang vào vườn để thu hoạch mật hoa sú, vẹt, với sản lượng dự kiến 80-100 tấn/năm. Đến nay vườn đã đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong Xuân Thủy để xây dựng bền vững cho mật ong Xuân Thủy.
Còn trồng nấm, năm 2010 – 2011 với sự phối hợp của Liên minh đất ngập nước quốc tế, vườn đã chuyển giao sinh kế trồng nấm cho cộng đồng các xã vùng đệm. Đặc trưng của việc trồng nấm nơi đây là nấm sò trồng trên nguyên liệu rơm rạ, hiện tại có 20 -30 hộ,với nguồn thu nhập ổn định từ 60-70 triệu/ năm.
Nhận thấy việc nuôi ngao là nghề truyền thống của địa phương với 1500 ha nuôi ngao, tuy nhiên do tập tục canh tác và điều kiện thiên nhiên cũng như biến đổi khí hậu gây ra các rủi ro cho người dân, vườn đã cùng chính quyền địa phương tổ chức các buổi tập huấn nuôi cao bền vững từ đó giúp người dân biết cách theo dõi sức khỏe của con ngao, thả số lượng ngao không quá dầy, kiểm soát được dịch bệnh cũng như môi trường sống của con ngao.
Phát triển nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của vườn quốc gia Xuân Thủy |
Ngoài ra vườn phối hợp cùng địa phương tổ chức, hướng dẫn cho người dân khai thác thủy sản bền vững dưới tán rừng, như thành lập các tổ cộng đồng tự quản vừa khai thác vừa bảo vệ rừng điển hình như xã Giao An, Giao Lạc. Vườn cũng chú trọng tới các chương trình dự án trồng rừng, phục hồi rừng và tái thả nguồn lợi thủy sản kết hợp với việc thực hiện cơ chế khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, từ đó tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương và duy trì hiện trạng đa dạng sinh học tại khu Ramsar Xuân Thủy.
Việc bảo tồn và phát triển vườn quốc gia Xuân Thủy không những nhận được quan tâm từ Ban lãnh đạo vườn, người dân vùng đệm mà đặc biệt được sự quan tâm chính quyền cơ sở.
Các vùng nông nghiệp sinh thái đang được chú trọng phát triển |
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Giao Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Tập trung phát triển kinh tế biển trên cơ sở đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực, là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh. Theo đó huyện sẽ tập trung thực hiện Kế hoạch số 561/KH-UBND ngày 12-4-2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Chỉ đạo các xã, thị trấn ven biển tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của từng xã, thị trấn và sự liên kết trong vùng nhằm phát triển nhanh, bền vững với các lĩnh vực mũi nhọn và đột phá, đó là: Nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch biển.
Nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế biển, huyện chú trọng tới thế mạnh của mình, trong đó, tập trung quy hoạch và hình thành các vùng nông nghiệp sinh thái: 2 vùng nuôi thuỷ sản sinh thái với ước tính diện tích khoảng 800ha và vùng nuôi chuyên cá bống bớp, cá bống bớp xen tôm tại các xã Giao Thiện, Giao Phong…
Với việc quyết tâm từ chính quyền, sự quan tâm trách nhiệm của lãnh đạo vườn và sự chung tay của người dân vùng đệm tới đây vườn quốc gia Xuân Thủy sẽ bảo tồn và phát triển hơn nữa từ đó giúp địa phương phát triển kinh tế từ thế mạnh của khu đất ngập nước Xuân Thủy.