Suy giảm còn 11 con
Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim là khu Ramsar đầu tiên ở miền Tây. Với diện tích 7.313 ha, cùng thảm thực vật phong phú gồm hơn 130 loài thực vật bậc cao. Hệ chim nước có 231 loài, thủy sản có 130 loài cá nước ngọt và 185 loài thực vật nổi, 93 loài động vật nổi, 90 loài động vật đáy. Đặc biệt, nơi đây được biết đến là nơi cư trú loài chim sếu đầu đỏ nổi tiếng trên thế giới. Sếu đầu đỏ đã trở thành biểu tượng của Tràm Chim và là một trong những yếu tố đặc trưng giúp VQG này trở thành Ramsar (khu đất ngập nước) thứ 2.000 thế giới vào cuối năm 2012. Tuy vậy, hiện nay, số lượng Sếu đầu đỏ tại khu Ramsar Tràm Chim giảm rất nhanh. Gần đây, sếu đã hạn chế đến các bãi khu A2 (bãi nước uống), bãi khu A3 và khu A4 do thiếu thức ăn.
Ông Nguyễn Đức Tú, Điều phối viên Chương trình nước và đất ngập nước của IUCN cho biết: “Nếu như năm 1980 ghi nhận ở Tràm Chim có hơn 1.000 cá thể sếu đầu đỏ thì đến năm 2018 chỉ còn 11 cá thể. Nguyên nhân Sếu đầu đỏ không về là bởi mất sinh cảnh trong toàn bộ vùng phân bố của các quần thể; việc quản lý sinh cảnh không phù hợp khiến nguồn thức ăn của Sếu không phát triển... Sự mất mát này là không thể khôi phục lại được”.
Khác với nhiều loài quý hiếm, Sếu đầu đỏ không thuộc đối tượng bị săn bắt trộm. Chúng chỉ sống ở vùng đất ngập nước, ngủ cũng phải có nước xăm xắp chân. Vì thế, các đồng cỏ năng rộng lớn của VQG Tràm Chim chính là nơi sinh sống lý tưởng, sếu có thể tìm thức ăn là củ năng kim, cỏ, ếch, nhái, cá, ốc… Thế nhưng, để phòng chống cháy rừng tràm, chính quyền địa phương cho trữ nước quanh năm khiến nhiều vùng đất ngập nước ngập úng, hệ sinh thái tại Tràm Chim đảo lộn. Quy luật một mùa khô và một mùa nước bị phá vỡ. Sự thay đổi từ sinh thái đất ngập nước theo mùa, nước ra vào tự nhiên thành môi trường sinh thái ao hồ khiến đồng cỏ năng, đặc biệt là năng kim bị thu hẹp, suy thoái không thể tạo củ, Sếu đầu đỏ không có thức ăn nên bỏ đi. Cùng với đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng các vùng đất ngập nước của Tràm Chim thành đất nông nghiệp thời gian qua đã thu hẹp vùng đất sống của sếu. Theo các nhà khoa học, sự biến động quần thể sếu ở Tràm Chim cho thấy chiều hướng đi đến tuyệt chủng loài chim này.
Khả năng phục hồi thấp
Trước thực trạng này, mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức Hội thảo Bảo tồn Đa dạng sinh học (ĐDSH) khu Ramsar Tràm Chim, nhằm đánh giá tình hình bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) thời gian qua và đưa ra giải pháp bảo tồn hiệu quả trong thời gian tới của VQG Tràm Chim. Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhận định số lượng sếu đầu đỏ về đây giảm đến mức báo động. Vấn đề phục hồi đàn sếu tự nhiên về sinh sống nơi đây là rất thấp, nên hiện nay, chỉ có khả năng phục hồi nuôi nhốt là khả thi và nếu thực hiện mô hình nuôi nhốt phải mất từ 5 - 10 năm. Vì vậy, để bảo tồn ĐDSH, ông Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, trước mắt, cần ưu tiên phát triển đồng cỏ rồi đến rừng tràm, không nên giữ mực nước cao và lâu.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Phát Quới, Trung Tâm Khoa học môi trường và Sinh thái TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ, chế độ nước sẽ dẫn đến những thay đổi đặc tính của đất và thành phần các quần xã thực vật, sau đó là môi trường sống của các loài chim nước. Do đó, cần để mực nước hợp lý, cải thiện môi trường đất giúp phục hồi - mở rộng diện tích đồng cỏ năng phát triển và tạo củ làm bãi ăn cho chim sếu. Phải phát triển rừng tràm ở khu A1, A2 làm nơi trú ngụ và sinh sản cho các loài chim nước, đồng thời tạo cho các đoạn kênh nối với nhau để có lượng nước ngọt đồng đều, tránh phèn… Có như vậy mới thu hút được quần thể chim sếu và gia tăng số lượng các loài chim khác.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng ngoài việc quản lý tốt mực nước, tạo môi trường sống cho các thảm thực vật chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân, huy động lực lượng này trong nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học khu Ramsar... Tỉnh Đồng Tháp có cơ chế đặc thù cho VQG Tràm Chim để chủ động đốt cỏ cũng như quy định lại mức ngập nước, nhằm tạo điều kiện cho hệ sinh thái khôi phục. Cần điều chỉnh, bổ sung nhóm cố vấn bảo tồn đất ngập nước ở VQG Tràm Chim; cho phép người dân sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để cải thiện cuộc sống trong mùa lũ; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy chế quản lý hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù cho VQG Tràm Chim là quản lý nước từng khu; được đốt cỏ chủ động; kiểm soát cây tràm tái…