Xã hội

Vùng quê khởi sắc nhờ mô hình trồng hạt dẻ

Bảo Hà 26/08/2024 - 19:32

Những năm gần đây, đời sống của nhiều hộ dân xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) đã đổi thay rõ rệt nhờ mô hình cây dẻ. Do vậy, chính quyền địa phương đã định hướng, vận động người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng dẻ và quy hoạch xã Đức Vân là vùng trồng trọng điểm.

1.png
Với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây dẻ tại Ðức Vân khác biệt một số địa phương bởi mẫu mã đẹp, hạt to, vị thơm bùi đặc trưng.

Theo chân lãnh đạo huyện Ngân Sơn, chúng tôi về thăm mô hình trồng dẻ ván của bà Bàn Thị Ngân - Giám đốc HTX Hợp Phát xã Ðức Vân. Niềm nở tiếp chúng tôi, bà dẫn chúng tôi đi thăm những vườn dẻ xanh tốt tận trên đỉnh đồi. Với diện tích trồng dẻ lớn nhất huyện với diện tích hơn 30 ha, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây dẻ tại Ðức Vân khác biệt một số địa phương bởi mẫu mã đẹp, hạt to, vị thơm bùi đặc trưng.

Bà Ngân là một trong những người tiên phong trồng cây dẻ ở Ðức Vân chia sẻ, nhiều năm trước, đời sống người dân thôn Nặm Làng (xã Đức Vân) còn rất khó khăn, đất dốc, người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ đến với dẻ ván đó là cơ duyên. "Năm 2006, tôi sang tỉnh Lạng Sơn học hỏi kinh nghiệm trồng cây dẻ ván, sau đó đưa về trồng thử nghiệm tại địa phương. Sau khi trồng thử nghiệm, cây dẻ phát triển tốt, sản phẩm hạt dẻ được khách hàng ưa chuộng", bà Ngân chia sẻ.

Để cây dẻ thật sự phát huy được hiệu quả, mang lại thu nhập và có thể làm giàu, bà Ngân đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Hợp Phát với 21 thành viên. Tất cả các thành viên HTX đều là dân tộc Dao và chủ yếu là hộ nghèo, tập trung trồng cây ăn quả, trong đó phần lớn là cây dẻ ván, kết hợp chăn nuôi gia súc.

4.png
Sản phẩm hạt dẻ của HTX Hợp Phát được công nhận là sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh.

Bà Ngân cho biết thêm, những ngày đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, đa số người trồng dẻ ván ở xã Đức Vân canh tác theo mô hình truyền thống nên giá bán thấp. Sau nhiều trăn trở, bà Ngân cùng các thành viên HTX chuyển đổi trồng dẻ theo hướng hữu cơ. Để quả dẻ có chất lượng cao, bà con trồng dẻ không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, chất kích thích sinh trưởng mà tận dụng nguồn phân bón hữu cơ từ chăn nuôi gia súc, đối với hạt dẻ Ðức Vân chỉ khoảng 30 -160 hạt/kg tùy to nhỏ.

Các thành viên trồng dẻ ván được cấp mã số nông hộ, có sổ nhật ký ghi chép toàn bộ quy trình trồng, thu hoạch. Bà con còn thiết lập vùng đệm nhằm tránh lây nhiễm sâu bệnh và các yếu tố khác từ bên ngoài vào khu trồng cây dẻ. Đến nay, HTX đã mở rộng diện tích được 50 ha cây dẻ, với khoảng 8.000 cây trồng tập trung chủ yếu ở các thôn Phiêng Dượng và Nặm Làng, trong đó, có khoảng 10 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 9,5 tạ/ha, giá bán buôn tại vườn là 80 nghìn đồng/kg. Ðến năm 2020, sản phẩm hạt dẻ của HTX Hợp Phát được công nhận là sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh, đây cũng là điều kiện thuận lợi để sản phẩm của HTX vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần đem lại sự ổn định trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động.

Gia đình chị Bàn Thị Nguyệt trước đây là hộ nghèo chỉ trông chờ vài sào ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ đủ ăn. Nhờ có bà Ngân hướng dẫn tận tình về cây dẻ và gia đình lại có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, từ lúc chuyển sang trồng cây dẻ ván, mỗi năm gia đình có thu nhập vài chục triệu đồng, kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn hơn.

3.png
Hợp tác xã Hợp Phát đã có 5,35 ha dẻ ván đạt chứng nhận hữu cơ, không chỉ cho thu hoạch hạt mà còn đang mở ra hướng kết hợp với du lịch sinh thái.

Việc canh tác cây dẻ ở Ngân Sơn càng trở nên bài bản, quy củ hơn khi năm 2020, Ban thực hiện Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ-CSSP (trực tiếp là Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Bắc Kạn) lựa chọn hỗ trợ Hợp tác xã Hợp Phát, xã Ðức Vân, huyện Ngân Sơn thực hiện mô hình trồng dẻ ván hữu cơ. Quy trình sản xuất hữu cơ đã tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng, cho nên giá bán đạt từ 80-100 nghìn đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðến nay, Hợp tác xã Hợp Phát đã có 5,35 ha dẻ ván đạt chứng nhận hữu cơ, không chỉ cho thu hoạch hạt mà còn đang mở ra hướng kết hợp với du lịch sinh thái.

Ông Nông Văn Hoạt - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ngân Sơn cho biết, xác định đây là 1 cây có tiềm năng lợi thế và cho hiệu quả kinh tế Nên huyện Ngân Sơn đã ra Nghị quyết sẽ trồng thêm 100 ha dẻ ván ghép, huyện đã ban hành đề án “bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển KTXH, xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có hỗ trợ trồng cây dẻ chủ yếu ở các xã như: Đức Vân, Bằng Vân, Thượng Ân, Cốc Đán, Nà Phặc… Thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình MTQG để thực hiện đến nay trên địa bàn huyện đã trồng đc 190,5ha.

Trong thời gian tới, huyện Ngân Sơn sẽ chỉ đạo nhân rộng diện tích gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả trong hành trình gây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng, ông Hoạt nhấn mạnh!

Có thể nói, cây dẻ đã giúp nhiều hộ gia đình ở Ngân Sơn ổn định kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tiềm năng đất canh tác ở Ngân Sơn còn rất lớn. Việc phát triển sản xuất liên kết "4 nhà" gồm Nhà nước-doanh nghiệp-nhà nông-nhà khoa học, sẽ sớm đưa cây dẻ trở thành cây kinh tế mũi nhọn, chắp cánh cho thương hiệu hạt dẻ Ngân Sơn tiếp tục vươn xa, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng quê khởi sắc nhờ mô hình trồng hạt dẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO