Vùng đất tiềm ẩn nhiều giá trị địa chất

Phạm Thu Hà| 18/03/2020 17:13

(TN&MT) - Gành Ðá Ðĩa (Phú Yên) là một kỳ quan bởi đặc điểm địa chất nổi bật, sự hình thành và hoạt động của núi lửa từ hơn 100 triệu năm trước. Gần đây đã phát hiện thêm nhiều gành đá, thác đá có hình dạng, kết cấu tương tự như gành Ðá Ðĩa. Như vậy, danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu đang đến rất gần đối với vùng đất du lịch này.

Gành Đá Đĩa (Phú Yên)

Gành Ðá Ðĩa (Phú Yên) là một kỳ quan bởi đặc điểm địa chất nổi bật, sự hình thành và hoạt động của núi lửa tạo nên từ hơn 100 triệu năm trước. Gần đây đã phát hiện thêm nhiều gành đá, thác đá có hình dạng, kết cấu tương tự như gành Ðá Ðĩa. Như vậy, danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu đang đến rất gần đối với vùng đất du lịch này.

Tiềm ẩn nhiều giá trị địa chất

Gần đây, trong quá trình khai thác đá trên địa bàn xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, một số công nhân đã phát hiện những vỉa đá lạ. Các vỉa đá này có cấu tạo hết sức đặc biệt, nhiều cấu trúc, hình khối đa dạng. Có cấu trúc hình tròn như những chiếc đĩa khổng lồ nằm xếp chồng lên nhau, đan xen là các khối cột đứng hình lục giác. Nhìn từ trên cao, vỉa đá giống như những tổ ong khổng lồ nằm san sát...

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đến thị sát hiện trường và có công văn báo cáo UBND tỉnh.Tỉnh Phú Yên lập tức có công văn khẩn chỉ đạo dừng khai thác, mời các chuyên gia địa chất khoáng sản khảo sát, từ đó có phương án bảo tồn phù hợp nhằm phát huy giá trị tài nguyên.

Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Địa chất Khoáng sản – người dẫn dầu đoàn khảo sát thực địa, cho biết, trước đây cũng đã có nhiều phát hiện về những vỉa đá giống với Gành Ðá Ðĩa bởi vùng đất này thể hiện là xứ sở của rất đa dạng các loại đá magma xâm nhập-núi lửa, chủ yếu có thành phần a xít-trung tính, đan xen cùng các loại đá trầm tích biển nông chuyển dần sang trầm tích lục địa kể từ khoảng 175 triệu năm trước. Các thành tạo đá này lộ ra rộng khắp ở tỉnh Phú Yên, đặc biệt là trong phạm vi dự kiến khoanh định Công viên địa chất (CVĐC).

Gành Đá đĩa - kỳ quan của thiên nhiên

Giai đoạn này đồng thời cũng chứng kiến hoạt động kiến tạo tích cực dọc theo các đứt gãy lớn, như đứt gãy sâu Sông Ba. Kết quả là ở đới rìa lục địa tích cực Đà Lạt rất phổ biến các hoạt động núi lửa thành phần bazơ và các trầm tích hồ, tạo nên ở khu vực Phú Yên, cụ thể là ở các huyện Sông Cầu và Tuy An, các cao nguyên núi lửa basalt (Vân Hòa), các thành tạo bentonit-diatomit ở An Nghiệp-An Lĩnh và basalt dạng cột như ở Gành Đá Đĩa...

Đáng chú ý là cánh đồng Tuy Hòa là hạ lưu của sông Ba bắt nguồn từ Kon Tum qua Phú Yên đổ ra biển. Còn Sông Ba lại đặt lòng theo đứt gãy sâu cùng tên - còn được biết đến dưới tên gọi “đới khâu Sông Ba” - đã từng hoạt động rất tích cực, gây ra các sự kiện biến chất khu vực lớn, ít nhất trong giai đoạn khoảng 250 trước.

Trên phương diện địa mạo và các quá trình địa chất ngoại sinh, bờ biển Phú Yên là đại diện khá điển hình của dải bờ biển Nam Trung Bộ, nhất là các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa, nơi chứng kiến sự tương tác mạnh mẽ giữa lục địa và Biển Đông sau khi biển này được hình thành. Các đợt biển tiến, biển thoái tiếp theo đã để lại nhiều bậc thềm biển rộng lớn và khá bằng phẳng. Quá trình tách giãn Biển Đông cũng như hoạt động đứt gãy tiếp theo đã kéo một bộ phận ven rìa tách ra khỏi lục địa để trở thành các đảo đá khi biển tiến vào.

Nhưng đặc sắc hơn, các dòng hải lưu ven bờ đã vận chuyển bùn cát tấp vào khoảng giữa đất liền với các đảo, lâu dần hình thành các doi cát nối đảo, rất nổi tiếng trên thế giới dưới tên gọi “địa hình tombolo”. Phía sau các doi cát này hình thành các vụng biển hoặc đầm phá kín, như vụng Xuân Đài, đầm Ô Loan... Quá trình hình thành các doi cát nối đảo hiện nay vẫn đang tiếp tục, để nối liền các đảo như Nhất Tự Sơn hoặc lấp đầy cửa sông Đà Rằng...

 Đề xuất Công viên địa chất toàn cầu – cơ hội phát triển bền vững

Tại cuộc khảo sát do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản và mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) thực hiện tại Phú Yên, ông Guy Martini, Tổng Thư ký GGN đánh giá rất cao giá trị tài nguyên của Phú Yên, phù hợp để lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu CVÐCTC.

Ông Guy Martini và đoàn khảo sát đã đến gần 20 địa điểm tiêu biểu như: Gành Ðá Ðĩa, Hòn Yến, Bãi Môn - Mũi Ðiện, Gành Ông (Bãi Xép), Tháp Nhạn, chùa Ðá Trắng, di chỉ khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh Gò Ốc, mỏ diatomit Xuân Lộc, lăng ông Hòa Lợi…

Ông Guy Martini đánh giá, nhiều vùng ở Phú Yên có đặc điểm địa chất nổi bật, sự hình thành và hoạt động của núi lửa tạo nên từ trên 100 triệu năm trước đây. Bên cạnh giá trị di tích về địa chất độc đáo, Phú Yên còn sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, sự đa dạng sinh học và các loại hình sinh thái... Phú Yên có đủ điều kiện để lập hồ sơ CVÐCTC trình UNESCO.

Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Phú Yên gắn liền với đá và văn hóa đá, không những về giá trị địa chất mà còn là hệ di sản phong phú, độc đáo. Chúng tôi đã kết nối với một số chuyên gia địa chất cũng như đơn vị tư vấn khảo sát, thời gian qua đã khảo sát một số điểm có dạng đá bazan đồng thời nghiên cứu kỹ hơn về mặt địa chất cũng như giá trị di sản của vùng, từ đó đánh giá được có bao nhiêu tiêu chí đáp ứng các yêu cầu của UNESCO về công viên địa chất toàn cầu. Nếu đáp ứng đủ tiêu chí, Phú Yên sẽ trình hồ sơ để UNESCO xem xét, công nhận”.

Theo TS Trần Tân Văn, một vùng đất được công nhận CVÐCTC sẽ có ý nghĩa rất lớn cho việc bảo tồn thiên nhiên, văn hóa cũng như tiềm năng phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội một cách bền vững, nhất là: du lịch được tăng trưởng; tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương; nâng cao nhận thức về môi trường địa chất cho người dân; bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn các di sản tốt hơn...

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng đất tiềm ẩn nhiều giá trị địa chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO