Bấp bênh sống tạm
Trận lũ quét vào cuối tháng 10 không chỉ cày xới cầu đường mà còn biến xã vùng cao Phước Thành, huyện Phước Sơn thành bình địa. Nhìn cảnh tượng hoang tàn, đổ nát, xung quanh là những khối lớn đất đá và cây rừng ngổn ngang đè bẹp hàng chục ngôi nhà, trường học... không ai có thể tưởng tượng khu vực này trước đây từng là trung tâm xã. Mất nhà, hàng chục hộ dân phải sống tạm tại trụ sở UBND xã, trung tâm y tế xã và trường học và dựa vào hàng cứu trợ, không biết ngày mai ra sao.
Vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) ngổn ngang sau thiên tai |
Không còn nương rẫy để làm, ngày ngày ông Trương Thắm, 70 tuổi, xã Phước Thành chỉ biết ngồi trước lều tạm, buồn rầu nhìn về làng cũ trong nỗi buồn xót xa. Ông Thắm mếu máo: “Tài sản dành dụm cả đời đã nằm trong lòng đất, ruộng rẫy cũng tan nát hết rồi. Mấy bộ đồ mặc trên người cũng là người ta cho. Giờ hỏi chúng tôi bắt đầu lại từ đâu thì đúng là chẳng biết”.
Có lẽ đó cũng là nỗi trăn trở thường trực của hàng trăm người dân vùng sạt lở ở Quảng Nam. Hàng loạt trận sạt lở núi, lũ quét đã cuốn trôi tất cả tài sản nhà cửa, nương rẫy tích góp cả đời của người dân. Cứ nghĩ ở rừng thì đất rộng người thưa, nhưng giờ để có quỹ đất làm nhà tái định cư, bố trí đất sản xuất trong tình trạng sạt lở núi luôn “chực chờ” lại là một câu chuyện không đơn giản. Cuộc sống của đồng bào vùng cao đã khó khăn, thiếu thốn, nay lại thêm thiên tai khủng khiếp, không biết rồi mai sẽ bám víu vào đâu.
Theo ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, trong đợt mưa lũ vừa qua, sạt lở liên tiếp xảy ra, toàn xã Phước Thành có 49 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn, cộng thêm 55 căn nhà khác hư hỏng một phần. Do đó, hơn 100 gia đình ở xã phải sống tạm. Xã đã khẩn trương dựng 27 nhà tạm cho dân. Số hộ còn lại được bố trí ở tạm tại trạm y tế xã, nhà người thân… trong thời gian tìm kiếm mặt bằng, tính toán câu chuyện an cư lâu dài. Địa phương cũng nỗ lực đảm bảo lương thực, thực phẩm để người dân không bị thiếu đói, rét do mưa bão.
Tái thiết cuộc sống người dân sau thiên tai là bài toán khó khi mà sạt lở luôn “chực chờ” |
“Vấn đề đặt ra là công tác an cư lâu dài, ổn định cuộc sống cho người dân. Bởi hiện nay, việc khôi phục sản xuất quá khó khăn do hầu hết rẫy đã sạt lở, nhiều loại cây lâu năm bị ngã đổ, hư hỏng, thiên tai cũng làm biến đổi hệ sinh thái, người dân khó có thể sống dựa vào rừng. Do đó, nguy cơ nghèo và tái nghèo đang hiện ra” – ông Phức cho hay.
Dồn sức giúp dân tái thiết cuộc sống
Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cũng lo lắng khi nhắc đến câu chuyện tái thiết sau thiên tai bởi rất nhiều hộ không nhà, không ruộng vườn, nương rẫy trong khi đó nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Theo ông Quảng, trước mắt, địa phương dựng nhà tạm cho dân, sau đó sẽ tính toán bởi hiện nay đất rộng nhưng mặt bằng an toàn để làm nhà ở thì vô cùng khó khăn.
"Năm 2021, Phước Sơn sẽ không xây dựng mới công trình mà dành toàn bộ nguồn kinh phí đầu tư công, khoảng hơn 120 tỷ đồng, để tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra. 5 năm địa phương phấn đấu giảm từ 5% - 7% hộ nghèo/năm, thì giờ đây, sau một cơn bão, số bà con nghèo, tái nghèo lại tăng lên nhiều lần. Nội lực của huyện nghèo 30a như Phước Sơn là rất hạn chế, do đó, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, trợ lực kịp thời của Trung ương, tỉnh và các nhà hảo tâm để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai, lũ dữ" – ông Quảng cho hay.
Người dân đang sống tạm tại trụ sở UBND xã, trung tâm y tế xã và trường học và dựa vào hàng cứu trợ. |
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, 3 đợt thiên tai lớn đã gây thiệt hại hơn 8 ngàn tỷ đồng. Ngoài số tiền 250 tỷ mà Trung ương đã hỗ trợ, Quảng Nam đang huy động nhiều nguồn lực, trong đó có đóng góp của doanh nghiệp địa phương, người dân cả nước để chung tay tái thiết miền núi. bên cạnh công tác tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương Nam Trà My, Phước Sơn khẩn trương khai thông các tuyến đường huyết mạch đến các xã bị sạt lở, sớm dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống người dân.
Trước mắt, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, tỉnh Quảng Nam phân bố thêm các nguồn bổ sung để đảm bảo đủ kinh phí làm lại nhà cho người dân vùng sạt lở. Về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung sắp xếp, bố trí lại dân cư gắn với điều kiện về sản xuất, sinh hoạt nhằm đảm bảo cho người dân sinh sống một cách lâu dài, ổn định.