Chúc Tết qua loa, tặng quà qua dây.
Sau 17 ngày hải trình lênh đên trên Thềm lục địa phía Nam, ngày 24/1, Biên đội tàu Trường Sa 10 và Trường Sa 19 của Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân đã cập cảng đất liền, kết thúc tặng quà xuân Nhâm Dần cho cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1.
Sau chuyến hải trình gian khổ, sóng to gió lớn, điều đọng lại trong tim tất cả các phóng viên báo đài là tình cảm chân thành giản dị và quyết tâm cống hiến tuổi thanh xuân của các chiến sĩ DK1 với Tổ quốc. “Tôi không thể quên lúc Thiếu tá Phạm Văn Bảy, y sĩ nhà giàn DK1/12 nước mắt rưng rưng nói: “Thêm một mùa xuân tôi đón Tết trên biển. Tôi có hai con nhỏ. Tối nào thằng con cũng bảo mẹ gọi qua zalo. Nó bảo sao bố không về ăn Tết với con. Lúc đó tôi nghẹn lại chả nói được gì”- Nam phóng viên Nhật Anh Báo Bà Rịa- Vũng Tàu kể lại.
Nhưng đó chưa phải là “cốt lõi” của câu chuyện chúc Tết nhà giàn DK1.
Đoàn chúc Tết của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân xuất phát từ quân cảng Lữ đoàn 171 sớm ngày 8-1 trên hai chiến hạm Trường Sa 10 và Trường Sa 19. Đây là hai chuyến hải trình xông biển đầu năm 2022 của Vùng 2 Hải quân, đem theo tình cảm, hương vị đất liền tặng các chiến sĩ ngoài 15 nhà giàn DK1, tàu trực trên biển.
Sau hơn 48 giờ hải trình không nghỉ, tàu Trường Sa 10 chuyển quà cho các nhà giàn khu vực phía Bắc gồm các Cụm: Quế Đường, Ba Kè, Huyền Trân, Phúc Tần. Tàu Trường Sa 19 chuyển quà cho các nhà giàn phía Nam gồm: Phúc Nguyên, Tư Chính, Cà Mau, Trạm radar 590 và các cơ quan dân chính đảng đóng quân tại Côn Đảo.
Ra đi trong gió mùa đông bắc tràn về, Thềm lục địa phía Nam biển động, sóng to gió lớn. Tàu Trường Sa có trọng tải hơn 500 tấn vậy mà cứ “chồm lên, ngụp xuống” trong sóng và ngược gió. Nhiều thủy thủ có dầy dạn kinh nghiệm cũng không chịu nổi những cơn sóng to như mái nhà “dựng” ngược tàu lên rồi “dìm” vào sóng nước. Còn các phóng viên báo đài hơn 90% “cho cá ăn chè”. Vậy mà khi thuyền trưởng tàu Trường Sa 19 thông báo: “Thấy nhà giàn rồi các đồng chí ơi”, ắt thì tất cả đều vùng dậy, mắt hướng về “chấm nhỏ” nhấp nhô sau những con sóng.
Biển mù mịt sóng gió. Không thể chuyển quà Tết lên nhà giàn bằng xuồng, phương án “Chúc Tết qua loa, tặng quà qua dây” được phát đi từ loa truyền thanh nội bộ của tàu. Mặc cho sóng ập vào mạn tàu đắng ngắt, các thủy thủ mặc áo phao chuyển từng gói quà bọc sẵn trong bao ni lông chống ướt, cột chặt vào dây thừng chờ lệnh. Trong khi đó trên nhà giàn DK1/11, các chiến sĩ đứng trên sàn cập tàu liên tục đưa tay vẫy chào. Ở một góc khác, lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay như báo hiệu không khí mùa xuân đã đến nhà giàn.
Hàng chục bao tải, quà Tết Nhâm Dần được “ném” xuống biển để nhà giàn kéo lên. Tàu và nhà giàn chỉ cách nhau chưa đầy 100 mét mà không bắt được tay nhau, chỉ biết gửi nỗi nhớ niềm thương qua từng con sóng.
Trong lúc thủy thủ tàu Trường Sa chuyển quà Tết cho bộ đội nhà giàn DK1/11, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân Đại tá Đinh Văn Thắng lên ca - pin tàu. Tay cầm tổ hợp, mắt ông ngước nhìn lên nhà giàn qua ô cửa tàu, xúc động nói: “Các đồng chí có nghe tôi nói rõ không. Do điều kiện sóng to gió lớn, tàu không vào nhà giàn được. Tôi thay mặt Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, chúc Tết các đồng chí. Vui xuân mới không quên nhiệm vụ, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đất liền luôn bên cạnh các đồng chí và chờ đón các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ trở về”. Mắt đại tá Thắng đỏ hoe. Tất cả chúng tôi không kìm được xúc động khi tiếng các chiến sĩ nhà giàn DK1/11 đồng thanh hát vang lên trong máy I -Com sóng cực ngắn: “Người chiến sĩ nhà giàn, vẫn kiên cường trong bão dông, dù gian khó không sờn lòng, hiến dâng tuổi xanh xá chi. Chiến sĩ nhà giàn, yêu đời yêu biển thiết tha”.
“Con ơi Tết này bố không về”!
Tôi không kìm được xúc động khi nghe thiếu tá Phạm Văn Bảy, y sĩ nhà giàn DK1/12 kể như vậy.
Xuân Nhâm Dần 2022, thêm một lần thiếu tá Bảy đón Tết ở nhà giàn. Những ngày cận Tết, nỗi nhớ vợ con ra diết. Để vơi bớt nhớ con, anh “giao hẹn” với vợ, cứ cách một tối gọi về một tối qua nền tảng zalo để nhìn thấy mặt con. Song do sóng to gió lớn, thời tiết khắc nghiệt, sóng chập chờn lúc được lúc mất. Có bữa nhìn thấy mặt con thì không nghe tiếng con nói. Có bữa nghe giọng con gọi “Bố ơi sao Tết nay bố không về”. “Lúc đó tôi không cầm lòng được. Nỗi nhớ con cháy ruột gan.
Mặc dù nhiều lần đón Tết trên biển, nhưng đây là Tết tôi nhớ đất liền nhiều nhất. Qua mùa đại dịch covid-19, tôi muốn về đất liền thăm gia đình, muốn ôm hai con vào lòng, nhưng vì nhiệm vụ nên đành gác lại. Tôi hẹn vợ con Tết năm sau nhất định đón Tết ở đất liền”,thiếu tá Bảy chia sẻ.
Theo thiếu tá Bảy, hơn 20 năm đi DK1, phần nhiều thời gian anh đón Tết trên biển. Hai lần vợ anh sinh con, anh đều làm nhiệm vụ ở nhà giàn. Cưới nhau hơn 15 năm, thời gian ở với vợ, con chỉ gom lại chưa đầy 2 năm. Có khi đơn vị cho nghỉ phép 1 tháng, nhưng chưa hết phép phải vào đơn vị đi DK1 thay trực cho đồng đội khác về bờ. “Không chỉ riêng tôi, mà nhiều đồng đội cũng xung phong ở lại đón Tết trên biển. Tất cả vì sự bình yên của DK1”, thiếu tá Bảy phân trần.
Lần đầu tiên đón Tết xa gia đình, binh nhất Trần Anh Huy, chiến sĩ pháo thủ nhà giàn DK1/10 cảm giác xốn xang. Khi nhận được quà xuân của người thân từ đất liền gửi tới, Huy phấn khởi bảo: “Cả gia đình em khỏe, bố mẹ cũng khỏe là vui rồi”.
“Đời lính nhà giàn DK1 hạnh phúc nhất là được cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Đó không chỉ là lý tưởng sống, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ với nhân dân. Ai nói lính thời bình không gian khổ? Nhưng điều kiêu hãnh hơn là trái tim chúng tôi luôn hướng về Tổ quốc, cống hiến và sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Niềm vui của chúng tôi chỉ trọn vẹn, khi Xuân Nhâm Dần cả nước đón Tết an lành, biển, đảo yên bình”.
Thiếu tá Phạm Văn Bảy
Tôi hỏi “lần đầu đón Tết xa quê có cảm xúc gì không?”, Huy nhìn ra biển dấu xúc động nói: “Ngày Tết ai chả nhớ đất liền. Nhưng em còn trẻ phải biết cống hiến. Xuân đầu tiên đón Tết trên biển, hi vọng sẽ cho em nhiều trải nghiệm”…
Xuân Nhâm Dần đã về với những chiến sĩ nhà giàn DK1- nơi được coi “mảnh đất ở cuối chân trời. Ở giữa ngàn khơi sóng gió ấy, các anh vừa đón xuân vừa canh biển đảo và thường xuyên đối mặt với những con tàu “không mời mà đến”. Nhưng niềm vui của các anh chỉ trọn vẹn khi nhân dân cả nước đón Tết Nhâm Dần bình yên và hạnh phúc.