Vụ “Xuyên đêm “trẩy hội”...hút cát”: Sở TN&MT Nghệ An có văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý
(TN&MT) - Ngày 07/8/2023, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An có văn bản số 5313/STNMT-KS về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản gửi UBND tỉnh Nghệ An. Văn bản trên của Sở TN&MT Nghệ An đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố Vinh thực hiện các nhiệm vụ được phân công, phân nhiệm nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Văn bản nói trên nêu rõ, qua nắm bắt tình hình và phản ánh của Báo Tài nguyên và Môi trường qua loạt bài “Xuyên đêm “trẩy hội”...hút cát !” phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép vào ban đêm trên sông Lam đoạn giáp ranh giữa xã Xuân Lam – huyện Hưng Nguyên – tỉnh Nghệ An và xã Đức Châu – huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh rồi chở về các bến hạ lưu tiêu thụ...
Theo đó, nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, chế biến, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Vinh thực hiện các nhiệm vụ được phân công, phân nhiệm.
Cụ thể, đối với Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đôn đốc các cơ quan triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ quy định tại Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 01/02/2023 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 72/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 1562/QĐ-UBND ngày 01/6/2023 của UBND tỉnh Ban hành chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 123-KH/TU ngày 12/9/2022 và Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với ngành Công an trong công tác giám định các vụ việc trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Đối với Công an tỉnh, yêu cầu tiếp tục hỗ trợ lực lượng để giải tỏa các điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, đặc biệt là khai thác cát trên sông Lam đoạn giáp ranh 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh; Trinh sát, mật phục, xác định các đối tượng đầu nậu thu mua, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã xử lý vi phạm khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương; Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn; Chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp huyện, cấp xã thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn quản lý.
Đối với Cục Quản lý thị trường, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, phòng chống gian lận thương mại trong lĩnh vực khoáng sản.
Cục Thuế Nghệ An, cần tăng cường công tác quản lý thu thuế; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Tham mưu UBND tỉnh xử lý về thuế đối với hành vi khai thác, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép theo quy định của pháp luật.
Đối với Chủ tịch UBND cấp huyện phải triển khai ký quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản vùng giáp ranh chưa cấp phép khai thác, tổ chức thực phối hợp có hiệu quả quy chế, tránh đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã giáp ranh ký quy chế phối hợp quản lý nhằm đảm bảo công tác xử lý vi phạm hiệu quả, đồng bộ.
Tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; Bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên khác còn lại ở khu vực có giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản khu vực có giấy phép chấm dứt hiệu lực, khu vực đóng cửa mỏ, quản lý và khai thác sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đất sau khi mỏ kết thúc khai thác;
Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép để xử lý theo quy định, xử lý vi phạm hành chính phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; Chủ động kiểm tra các tổ chức được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt là các hành vi vi phạm về thiết kế khai thác, an toàn lao động, sản lượng khai thác...
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài hoặc nhận được thông tin phản ánh đề nghị xử lý hoạt động trái phép đang diễn ra nhưng cố tình chậm trễ không kịp thời triển khai nhiệm vụ.
Như đã phản ánh, mới đây Báo Tài nguyên và Môi trường có loạt bài viết “Xuyên đêm trẩy hội...hút cát”. Các bài Báo phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tấp nập trên khúc sông Lam, đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý khiến người dân vô cùng bức xúc.
Liên quan vấn đề khai thác cát trái phép trên sông Lam, ông Nguyễn Khắc Dũng – Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy – Công an tỉnh Nghệ An, cho hay, hàng năm công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên sông được Đội rất tăng cường và thực tế đã xử lý hàng chục vụ việc. “Mới đây Đội đang tập trung lực lượng để xử lý trên sông Lam đoạn huyện Thanh Chương, sau khi có phản ánh của Báo Tài nguyên và Môi trường về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên thì hiện Đội đang tập trung lực lượng để theo dõi, xử lý các đối tượng khai thác trái phép theo quy định” – Ông Nguyễn Khắc Dũng, cho hay.
Cũng theo ông Dũng các tàu “không số” mà Báo phản ánh là có cơ sở, vì các tàu có thể có đăng ký, đăng kiểm theo quy định nhưng quá trình đi khai thác trái phép các chủ tàu đã cố tình bóc số hiệu của tàu để phục vụ mục đích của mình.
Cần phải nói thêm rằng, gần như các tàu có hoạt động khai thác cát trái phép mà PV đã ghi nhận đều là tàu hoạt động vận tải. Tuy nhiên, các tàu này sau đó được các chủ “cơi nới” lắp thêm thiết bị để trở thành tàu hút cát bằng phương pháp bơm thuỷ lực. Các tàu này được lắp đặt các thiết bị bơm thủy lực có công suất khá lớn, có thể khai thác hàng trăm mét khối cát chỉ trong thời gian ngắn.
Vì thế, theo quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện thủy nội địa thì liệu các phương tiện này đã đạt yêu cầu? Vì thế, các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ nội dung và xử lý lý nghiêm theo quy định nếu có sai phạm !