Liên quan đến vụ việc “3 xe chở 3 cây gỗ lớn trên Quốc lộ 1A bị lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế xử phạt” mà báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đang thông tin khiến dư luận đang rất quan tâm, ngày 11/4, Đại tá Phan Văn Minh- Trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp (PV11) kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa hoàn tất báo cáo gửi Bộ Công an về công tác điều tra, xác minh những thông tin liên quan...
Không biết địa điểm đến của 3 cây
Theo đó, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm việc, lấy lời khai với các bên liên quan đến 3 cây cổ thụ gồm chủ doanh nghiệp vận tải là Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn (trụ sở đóng tại tỉnh Quảng Bình), chủ lâm sản là ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) và các tài xế vận chuyển cây.
Ông Kiều Văn Chương khai với công an sau khi được người quen giới thiệu, ông vào tỉnh Đắk Lắk mua 3 cây đa cổ thụ của người dân. Giá mỗi cây lần lượt là 14 triệu đồng, 15 triệu đồng và 20 triệu đồng.
Khi ông Chương hỏi mua, các hộ dân làm đơn xin chính quyền xã khai thác và được đồng ý. Ông Chương bỏ tiền thuê người khai thác cây với tiền công 7 triệu đồng/cây, chưa tính tiền xe múc đào đất khoảng vài triệu đồng/cây. Sau khi khai thác các cây, ông Chương thuê Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn vận chuyển cây từ Đắk Lắk ra Thạch Thất (TP. Hà Nội) với giá 35 triệu đồng/cây.
Còn các tài xế vận chuyển 3 cây cổ thụ “khủng” khai rằng, biết xe chở cây quá khổ nên phải vận chuyển vào ban đêm để tránh lực lượng chức năng phát hiện. Trên đường vận chuyển, các tài xế còn sử dụng tín hiệu “nháy đèn” để thăm dò tình hình chốt chặn của lực lượng CSGT với các xe chạy chiều ngược lại. Nếu các tài xế xe ngược chiều ra tín hiệu báo phía trước có lực lượng CSGT, các tài xế xe chở cây “khủng” sẽ dừng xe lại để né tránh và sau đó mới tiếp tục lưu thông.
“Các cây này được tài xế vận chuyển ra đến Hà Nội nhưng không biết địa điểm cụ thể. Khi đến nơi qua điện thoại liên lạc với ông Kiều Văn Chương thì các tài xế mới biết địa điểm để chở về...”- Đại tá Phan Văn Minh thông tin.
Theo tìm hiểu của PV, trong các hồ sơ ban đầu mà ông Chương cung cấp cho Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế thì có 2 cây chuyển về chùa Tây Phương Cực Lạc (TP. Hà Nội). Tuy nhiên đại diện của chùa không hề hay biết và không có ai liên hệ trồng đa trong khuôn viên chùa...
Trả lời vấn đề tại sao 3 xe chở cây “khủng” lại đi lọt trên cả chặng đường dài trước khi đến Huế và bị bắt? Đại tá Minh trao đổi, qua lời khai các tài xế thì chỉ chạy vào ban đêm và lách trạm CSGT bằng cách nhá đèn hỏi tài xế các xe đi ngược chiều để biết có CSGT mà dừng lại tránh.
“Việc bắt trên chưa có gì để tuyên dương CSGT tỉnh vì chúng tôi vì có rất nhiều vụ việc xử lý trên đường lớn hơn nhiều. Chúng tôi cũng chưa nắm bắt cụ thể được trước đây CSGT tỉnh đã bắt được các cây khủng như thế nào chưa...”- Đại tá Minh nói.
Qua vụ việc, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã có yêu cầu tăng cường tuần lưu theo kế hoạch và ngoài kế hoạch đối với CSGT trên toàn tuyến. Đại tá Minh cũng cho biết, nếu ai có thông tin, hình ảnh về các cây “khủng” được chở quá tải, quá chiều dài, chiều cao có thể cung cấp về Phòng CSGT Công an tỉnh để cùng phối hợp xử lý. Hiện Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn tất báo cáo về vụ việc trên gửi Bộ Công an.
Cây “khủng” vẫn chưa được vận chuyển đi
Theo quan sát của PV, hiện tại có một số kiểm lâm Thừa Thiên Huế đang túc trực 3 cây “khủng” ở một bãi đất trống thuộc địa phận phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy). Các tài xế đã thuê một người dân gần đó tưới nước cho các cây này. Mỗi cây có chiều dài hơn 15m, đường kính thân khoảng hơn 6m. Bầu rễ hình vuông có chiều rộng một chiều chừng 3- 4m, được bao bọc kỹ bởi nhiều lớp vải bạt. Hiện những vải bạt để bọc bầu rễ cho các cây “ khủng” cũng bắt đầu sờn, rách bươm... lộ rễ và những mảng vỏ thân cây.
Trước đó do có nguồn gốc rõ ràng, hồ sơ đầy đủ nên 2 trong số 3 cây “khủng” bị tạm giữ đã được Kiểm lâm Thừa Thiên Huế trả lại cho chủ sở hữu.
“Mấy hôm nay, chủ các cây đa vẫn chưa đến chuyển cây, nghe thông tin là đợi xử lý cây còn lại rồi chuyển đi cùng một lần. Cây đa nghi hồ sơ giả còn lại đang đợi Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk xác minh gửi kết quả ra...”, ông Trịnh Ngọc Thuận- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho hay.
Được biết, hồ sơ cây đa nghi bị làm giả qua xác minh của Hạt kiểm lâm huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) không có nguồn gốc ở xã Ea Hồ (như hồ sơ mà ông Kiều Văn Chương cung cấp) mà ở xã Ea Đah.
Theo ông Thuận, nếu muốn vận chuyển cây “khủng” đi thì phải cắt tỉa cây cho đúng chiều cao, chiều dài và tải trọng cho phép; đồng thời phải dùng các xe siêu trường siêu trọng và có đầy đủ giấy phép; nếu không thì phải có giấy phép lưu hành đặc biệt...
Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã đưa tin, trong quá trình làm nhiệm vụ tại Km 860 tuyến QL1A đoạn qua xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)vào tối 30/3, Trạm CSGT Phú Lộc phát hiện 3 xe trên chở 3 cây lưu thông hướng Bắc- Nam có dấu hiệu vi phạm và cho dừng xe.
Kiểm tra các xe, CSGT xác định xe tải BKS: 73C-028.80 do tài xế Nguyễn Ngọc Linh (trú ở TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) điều khiển vi phạm chở cây vượt quá chiều dài hơn 10%, quá tải cầu đường từ 20-50%; xe đầu kéo 73C-02148 kéo theo rờ-moóc 73R-00382, do tài xế Trần Sỹ Đồng (trú huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lỗi vượt quá chiều dài, quá chiều cao hàng hóa; và xe đầu kéo 73C-04605 kéo rờ-moóc 73R-00201 vi phạm 3 lỗi quá chiều dài, quá chiều cao, quá tải cầu đường từ 20-50%.
Các tài xế khai nhận với cơ quan chức năng rằng mình chở cây cho Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn đóng tại địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trước đó, Công ty Hải Sơn đã vận chuyển 1 cây cổ thụ “khủng” tương tự từ Đắk Lắk ra Quảng Bình, qua nhiều chốt trạm CSGT mà không bị phát hiện...