(TN&MT) - Đã có người xưng là chủ của 3 cây gỗ “khủng” đến làm việc với cơ quan kiểm lâm. Người này trình ra 2 bộ hồ sơ nhưng bị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế từ chối tiếp nhận vì không có giá trị pháp lý...
Liên quan đến vụ việc “3 xe chở 3 cây gỗ lớn trên Quốc lộ 1A bị lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế xử phạt đến hơn 80 triệu động” mà báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đang thông tin, trao đổi với PV vào tối 3/4,ông Trịnh Ngọc Thuận-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) thông tin, vừa có người đến làm việc và xưng là chủ của 3 cây “khủng” đang để tại đường tránh TP. Huế (phường Phú Bài, Thị xã Hương Thủy).
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế nhận được đề nghị của một người xưng là chủ lô hàng xin được làm việc, lịch hẹn vào 10 giờ trưa 3/4. Tuy nhiên, phải đến 11h cùng ngày, người này mới đến làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Tại buổi làm việc, người này trình ra 2 bộ hồ sơ liên quan đến các cây to lớn nói trên.
“Do các hồ sơ đều là bản photocopy nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã từ chối tiếp nhận, đồng thời yêu cầu người này cung cấp bản chính trong thời gian sớm nhất nhưng hiện nay vẫn không thấy họ mang đến...”- ông Thuận cho hay.
Ông Thuận cũng thông tin hiện tại đơn vị đã cử các kiểm lâm viên canh giữ, trực 24/24 để có thể làm việc với những người có liên quan vào bất cứ thời điểm nào...
Ở một diễn biến khác, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho hay 3 cây “khủng” bị CSGT Thừa Thiên Huế xử phạt, hạ tải xuống bãi đất trống có nguồn gốc từ xã Tam Giang (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) và 1 trong 3 cây trên là cây... đa sộp, có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chung (thôn Giang Hà, xã Tam Giang, huyện Krông Năng). Trước đó, ông Chung có đơn xin phép UBND xã Tam Giang cho khai thác cây đa này để tặng một ngôi chùa ở Hà Nội và được UBND xã đồng ý.
Cũng liên quan đến sự việc, ông Đỗ Quang Tùng - Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết đã chỉ đạo Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk xác minh làm rõ nguồn gốc những cây gỗ “khủng” được chuyển trên quốc lộ 1 và bị bắt giữ tại tỉnh Thừa Thiên Huế mà báo chí phản ánh.
“Đối với cây trong vườn thì chỉ cần xác minh của chính quyền là có thể vận chuyển đi tiếp được. Nếu cây có nguồn gốc từ rừng thì cần phải làm rõ những vấn đề liên quan”- ông Tùng nhấn mạnh với báo chí.
Cục Kiểm lâm cũng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế kiểm tra hồ sơ nguồn gốc lâm sản trên 3 xe đầu kéo đang được Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tạm giữ. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm Vùng IV xác minh nguồn gốc lâm sản được vận chuyển trên các phương tiện nêu trên để làm căn cứ xử lý theo quy định...
Theo quan sát của PV, hiện tại có một số kiểm lâm viên đang ngồi túc trực cây ở quán nước sát bãi đất trống. Các tài xế đã thuê một người dân gần đó tưới nước cho các cây này. Qua quan sát mỗi cây có chiều dài hơn 15m, đường kính thân khoảng hơn 6m. Bầu rễ hình vuông có chiều rộng một chiều chừng 3- 4m, được bao bọc kỹ bởi nhiều lớp vải bạt. Có cây vẫn còn lá xanh tươi...
Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã đưa tin, vào tối 30/3 trong quá trình làm nhiệm vụ tại Km 860 tuyến QL1A đoạn qua xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), Trạm CSGT Phú Lộc phát hiện 3 xe trên chở 3 cây lưu thông hướng Bắc- Nam có dấu hiệu vi phạm và cho dừng xe.
Kiểm tra các xe, CSGT xác định xe tải BKS: 73C-028.80 do tài xế Nguyễn Ngọc Linh (trú ở TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) điều khiển vi phạm chở cây vượt quá chiều dài hơn 10%, quá tải cầu đường từ 20-50%; xe đầu kéo 73C-02148 kéo theo rờ-moóc 73R-00382, do tài xế Trần Sỹ Đồng (trú huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lỗi vượt quá chiều dài, quá chiều cao hàng hóa; và xe đầu kéo 73C-04605 kéo rờ-moóc 73R-00201 vi phạm 3 lỗi quá chiều dài, quá chiều cao, quá tải cầu đường từ 20-50%.
Các tài xế khai nhận với cơ quan chức năng rằng mình chở cây cho Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn đóng tại địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trước đó, Công ty Hải Sơn đã vận chuyển 1 cây cổ thụ “khủng” tương tự từ Đắk Lắk ra Quảng Bình, qua nhiều chốt trạm CSGT mà không bị phát hiện...
Với các hành vi sai phạm, cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế đã quyết định xử phạt 3 xe với số tiền 81,7 triệu đồng, đồng thời tước bằng lái của các tài xế vi phạm trong thời hạn từ 1 đến 3 tháng; buộc các xe tải, xe kéo trên phải hạ tải, hạ chiều cao, giảm chiều dài loại hàng hóa vật dụng chở theo, đồng thời phải có giấy phép lưu hành đặc biệt mới được phép lưu hành.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.