Vụ vận chuyển 3 cây gỗ “khủng”: Kiểm lâm đã trả lại 2 cây

10/04/2018 14:22

(TN&MT) - Do có nguồn gốc rõ ràng, hồ sơ đầy đủ nên 2 trong số 3 cây “khủng” bị tạm giữ đã được Kiểm lâm Thừa Thiên Huế trả lại cho chủ sở hửu. Trong khi đó cây...

(TN&MT) - Do có nguồn gốc rõ ràng, hồ sơ đầy đủ nên 2 trong số 3 cây “khủng” bị tạm giữ đã được Kiểm lâm Thừa Thiên Huế trả lại cho chủ sở hửu. Trong khi đó cây còn lại cũng đã xác minh được nguồn gốc...
Hai trong tổng số 3 cây đa “khủng” đã được kiểm lâm trao trả cho chủ sở hữu
Hai trong tổng số 3 cây đa “khủng” đã được kiểm lâm trao trả cho chủ sở hữu
Liên quan đến vụ việc “3 xe chở 3 cây gỗ lớn trên Quốc lộ 1A bị lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế xử phạt” mà báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đang thông tin khiến dư luận đang rất quan tâm, ngày 10/4, ông Đặng Văn Kiệm - Trưởng phòng Thanh tra - pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế) cho biết, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã giải quyết 2 trong số 3 cây “khủng” cho chủ sở hữu.
 
Theo đó, hồ sơ về 2 cây này được Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk xác minh cụ thể và nhận thấy 2 cây có nguồn gốc rõ ràng cũng như hồ sơ đầy đủ.
 
Cụ thể, cây đa sộp được chở trên xe biển số 73C-02148 và rờ-moóc BKS 73R-00382 được xác nhận có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của chủ cây là ông Phạm Đình Thướng (ngụ thôn 3, xã Ea Pil, huyện M’Đrắk). Cây đa sộp còn lại được chở trên xe BKS 73C-04605 và rờ-moóc BKS73R-00201, có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của chủ cây là ông Y Nô Byă (ngụ buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).
Các tài xế sử dụng tín hiệu “nháy đèn” để thăm dò tình hình chốt chặn của lực lượng CSGT
Các tài xế sử dụng tín hiệu “nháy đèn” để thăm dò tình hình chốt chặn của lực lượng CSGT
Hiện Chi cục đã trả 2 cây cho chủ lâm sản là ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, trú xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội).
 
CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nếu muốn vận chuyển cây “khủng” đi thì phải cắt tỉa cây cho đúng chiều cao, chiều dài và tải trọng cho phép; đồng thời phải dùng các xe siêu trường siêu trọng và có đầy đủ giấy phép; nếu không thì phải có giấy phép lưu hành đặc biệt. Phương tiện phải chạy với tốc độ quy định trong giấy phép, phải có báo hiệu kích thước của hàng và trong trường hợp cần thiết phải bố trí người chỉ dẫn giao thông để bảo đảm an toàn.
 
Được biết ông Kiều Văn Chương khai với công an rằng sau khi được người quen giới thiệu, ông vào tỉnh Đắk Lắk mua 3 cây đa cổ thụ của người dân. Giá mỗi cây lần lượt là 14 triệu đồng, 15 triệu đồng và 20 triệu đồng.
Cây đa “khủng” còn lại đã xác định được nguồn gốc
Cây đa “khủng” còn lại đã xác định được nguồn gốc
Khi ông Chương hỏi mua, các hộ dân làm đơn xin chính quyền xã khai thác và được đồng ý. Ông Chương bỏ tiền thuê người khai thác cây với tiền công 7 triệu đồng/cây, chưa tính tiền xe múc đào đất khoảng vài triệu đồng/cây. Sau khi khai thác các cây, ông Chương thuê Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn vận chuyển cây từ Đắk Lắk ra Thạch Thất (TP. Hà Nội) với giá 35 triệu đồng/cây. Khi vận chuyển về đến Hà Nội, ông Chương dự định sẽ bán lại các cây này cho người khác...
 
Xác định nguồn gốc cây đa còn lại
 
Ở một diễn biến có liên quan, ông Bùi Tiến Hoàng- Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) cho biết với báo chí là đơn vị đã xác định được nguồn gốc cây đa “khủng” còn lại bị tạm giữ ở Huế.
 
Theo ông Hoàng, lực lượng chức năng đã đưa ông Kiều Văn Chương trở lại nơi ông này mua  cây và xác định cây đa “khủng” còn lại không phải nằm ở xã Ea Hồ. “Vì Ea Hồ nằm ở phía bắc huyện Krông Năng. Sau khi đi theo mô tả, tổ công tác tìm được vị trí cây mà ông Chương mua lại là ở xã Ea Đa của gia đình ông Nguyễn Văn Điệp, thôn Xuân Nguyên, xã Ea Đar”- ông Hoàng nói.
Có cây vẫn còn lá xanh tươi
Có cây vẫn còn lá xanh tươi
Sau khi xác định được vị trí cây, Hạt kiểm lâm đã làm việc với chính quyền địa phương và đơn vị này cho biết vừa qua ông Điệp có lên xin đào cây đa cổ thụ sắp ngã vào nhà.
 
“Theo UBND xã Ea Đar, đơn vị này không khuyến khích việc mua bán nhưng không thể cấm người dân bán cây. Quyền đào cây là của dân vì cây không thuộc tự nhiên. Việc mua bán chỉ được người dân và ông Chương thỏa thuận với nhau chứ không có ý kiến của xã. Trong trường hợp này người mua và người bán vi phạm việc kiểm định. Hiện đơn vị đã làm báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh để có công văn gửi các đơn vị liên quan...”- ông Hoàng thông tin với báo chí.
 
Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã đưa tin, vào tối 30/3 trong quá trình làm nhiệm vụ tại Km 860 tuyến QL1A đoạn qua xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), Trạm CSGT Phú Lộc phát hiện 3 xe trên chở 3 cây lưu thông hướng Bắc- Nam có dấu hiệu vi phạm và cho dừng xe.
Một người dân được thuê tưới cây giúp cây khỏi chết...
Một người dân được thuê tưới cây giúp cây khỏi chết...
Kiểm tra các xe, CSGT xác định xe tải BKS: 73C-028.80 do tài xế Nguyễn Ngọc Linh (trú ở TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) điều khiển vi phạm chở cây vượt quá chiều dài hơn 10%, quá tải cầu đường từ 20-50%; xe đầu kéo 73C-02148 kéo theo rờ-moóc 73R-00382, do tài xế Trần Sỹ Đồng (trú huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lỗi vượt quá chiều dài, quá chiều cao hàng hóa; và xe đầu kéo 73C-04605 kéo rờ-moóc 73R-00201 vi phạm 3 lỗi quá chiều dài, quá chiều cao, quá tải cầu đường từ 20-50%.
 
Các tài xế khai nhận với cơ quan chức năng rằng mình chở cây cho Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn đóng tại địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trước đó, Công ty Hải Sơn đã vận chuyển 1 cây cổ thụ “khủng” tương tự từ Đắk Lắk ra Quảng Bình, qua nhiều chốt trạm CSGT mà không bị phát hiện...
 
Với các hành vi sai phạm, cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế đã quyết định xử phạt 3 xe với số tiền 81,7 triệu đồng, đồng thời tước bằng lái của các tài xế vi phạm trong thời hạn từ 1 đến 3 tháng...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ vận chuyển 3 cây gỗ “khủng”: Kiểm lâm đã trả lại 2 cây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO