Vụ UBND quận 7 không cấp sổ đỏ cho ông Trần Văn Công: Chưa có hồi kết!

21/09/2017 00:00

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã có bài phản ánh vụ ông Trần Văn Công kêu cứu về việc tranh chấp thửa đất có diện tích gần 8.000m2, địa chỉ tại số 288/6 Lê Văn Lương, phường Tân Phong, quận 7, TP. HCM. Đến nay, vụ việc chưa có hồi kết.

Không được đền bù, cấp sổ đỏ

Thửa đất diện tích hiện còn gần 8.000m2 tại số 288/6 Lê Văn Lương, có nguồn gốc do ông Đinh Văn Hoành khai hoang trước năm 1975, diện tích khoảng 10.000m2. Đến năm 1976, ông Đinh Văn Hoành và vợ là bà Hồ Văn Màng sang nhượng lại cho ông Trương Ngọc Thạch với giá 1.500.000 đồng. Ông Thạch đứng tên xin khai ruộng, cất nhà ở và có đăng ký nhân hộ khẩu thường trú tại địa chỉ 288/6 Hương lộ 34, xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè, TP. HCM (nay là số 288/6 Lê Văn Lương).

Đến năm 1978, ông Trương Ngọc Thạch sang nhượng lại cho ông Trần Văn Công, sinh năm 1942, ngụ tại Cần Giuộc, Long An. Nguồn gốc đất và quá trình sang nhượng đất nêu trên đều có giấy tờ hợp pháp, minh bạch.

Sau khi mua đất của ông Thạch, ông Trần Văn Công đã canh tác sản xuất nông nghiệp, cất nhà ở sinh sống ổn định, liên tục suốt từ năm 1978 cho đến nay là 39 năm. Ông Công cũng đóng đầy đủ thuế sử dụng đất diện tích 10.000m2 tại thửa đất nêu trên cho Nhà nước hàng năm.

Cũng từ năm 1978, ông Trần Văn Công đã bỏ tiền của cá nhân mình xây dựng Tịnh xá Ngọc Quy để tự tu hành. Ngày 23/8/1999, với tư cách là chủ quản lý sử dụng đất, ông Trần Văn Công đã thực hiện kê khai Đăng ký nhà - đất với chính quyền phường Tân Phong và được UBND phường Tân Phong, quận 7, TP. HCM xác nhận đăng ký nhà đất ngày 25/2/2000. Tờ Đăng ký nhà - đất này của ông Công hiện còn được lưu trữ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7.

Hiện trạng khu đất của ông Trần Văn Công
Hiện trạng khu đất của ông Trần Văn Công

Năm 2002 - 2003, Nhà nước có chủ trương thu hồi mặt bằng để xây dựng cầu Kênh Tẻ, trong đó, có thu hồi một phần đất (khoảng 2.000m2) thuộc Thửa đất (gần 10.000m2) của ông Trần Văn Công.

Trong Biên bản xác minh nguồn gốc nhà đất xây dựng giải tỏa, UBND phường Tân Phong và UBND quận 7 đều xác nhận: Chủ tài sản sử dụng đất là ông Trần Văn Công. Trị giá đền bù giải toả 2.000m2 đất của ông Công được Nhà nước chi trả là 932.000.000 đồng.

Tuy vậy, ngày 7/1/2003, Thành Hội Phật giáo Việt Nam TP. HCM đã có văn bản gửi UBND quận 7 cho rằng: “Tịnh xá Ngọc Quy được xây dựng từ năm 1978 và đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam…”; “Xét thấy Đại đức Thích Giác Thế (tức ông Trần Văn Công – PV) không có hộ khẩu thường trú và không phải là trụ trì Tịnh xá Ngọc Quy, do đó, chưa hội đủ yếu tố để nhận tiền đền bù…”. Vì vậy, Thành Hội Phật giáo TP. HCM đề nghị chính quyền quận 7 trả 932.000.000 đồng (tiền đền bù đất của ông Trần Văn Công) cho Hòa thượng Thích Viên Giác – Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo quận 7.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Văn Công cho biết, đã nhiều lần đòi số tiền đền bù hợp pháp, chính đáng nêu trên nhưng đến thời điểm này, ông Công mới chỉ được trả lại có 30.000.000 đồng. Ông Công cho biết thêm: “Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã mời tôi và các bên liên quan để họp giải quyết vụ việc. Về phía Giáo hội luôn đưa ra lý lẽ Tịnh xá Ngọc Quy của tôi thuộc danh sách quản lý, nhưng lại không hề đưa ra được bất cứ một văn bản pháp lý nào để chứng minh thửa đất (nay còn lại gần 8.000m2) của tôi là đất của Giáo hội, cũng như không chịu xem xét hồ sơ, tài liệu nguồn gốc thửa đất này của cá nhân tôi”.

Ông Công khẳng định: “Từ lúc mua đất bằng tiền của cá nhân và của gia đình tôi suốt từ năm 1978 cho đến nay, phía Giáo hội chưa đầu tư, chi trả bất cứ một đồng tiền nào vào thửa đất này cũng như việc xây dựng Tịnh xá Ngọc Quy. Tôi cũng chưa bao giờ lập bất cứ một văn bản, giấy tờ pháp lý nào để giao, tặng hay hiến thửa đất này cho Giáo hội. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ làm các thủ tục để gia nhập Giáo hội quận 7. Giáo hội quận 7 cũng chưa bao giờ có bất cứ một quyết định nào công nhận tôi là người của Giáo hội. Vậy căn cứ vào cơ sở pháp luật nào để khẳng định thửa đất của tôi là đất của Giáo hội?”.

Hiện trạng khu đất của ông Trần Văn Công
Hiện trạng khu đất của ông Trần Văn Công

Cơ quan chức năng nói gì?

Để bảo đảm thông tin khách quan, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ nhiều lần để làm việc với các cơ quan chức năng liên quan như: UBND phường Tân Phong, UBND quận 7, Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo quận 7, Thành Hội Phật giáo TP. HCM về việc khiếu nại của ông Trần Văn Công.

Được biết, năm 2015, ông Công làm đơn kiến nghị UBND quận 7 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thửa đất nêu trên. Tuy vậy, UBNQ quận 7 đã có Văn bản số 176/TB-UBND ngày 15/7/2015 từ chối vì lý do: “UBND phường Tân Phong đã xác nhận hồ sơ khu đất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 7 lập thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận”.

Phóng viên đã đến UBND Phường Tân Phong để tìm hiểu, xác minh, làm rõ nội dung: “Dựa trên cơ sở pháp luật nào mà UBND Phường Tân Phong đã xác nhận hồ sơ khu đất của ông Công cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 7 lập thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận”? Tuy vậy, phía UBND phường Tân Phong đã từ chối trả lời vì lý do: Ngày 25/1/2016, UBND quận 7 đã ban hành Văn bản số 2671/UBND-VHTT chỉ đạo UBND 10 phường trên địa bàn: “Không được phát ngôn và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trừ trường hợp có ủy quyền của Chủ tịch UBND quận”.

Sau nhiều lần liên hệ với UBND quận 7 hồi cuối tháng 7/2017, PV nhận được trả lời: “Sẽ sắp lịch làm việc với Chủ tịch quận hoặc phòng ban được chỉ định và cũng có thể trả lời bằng văn bản”. Tuy vậy, đến nay, vẫn chưa có hồi đáp.

Phóng viên đã tìm gặp và trao đổi với Hòa thượng Thích Lãng Huỳnh - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 7, được trả lời nội dung như sau: Về số tiền 932.000.000 đồng đền bù cho ông Trần Văn Công, Hòa thượng Thích Lãng Huỳnh không biết. Còn tất cả các việc khác, Hòa thượng Thích Lãng Huỳnh cho biết, đều làm theo chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo TP. HCM, PV cứ qua đó hỏi và lên hỏi chính quyền, chứ ông không trả lời gì… 

 

Thanh tra Bộ TN&MT vào cuộc

 

Mới đây, ngày 5/9/2017, Thanh tra Bộ TN&MT đã có Văn bản số 678/TTr-TDXLĐT gửi UBND TP. HCM, Sở TN&MT và UBND quận 7, chuyển đơn và hồ sơ của ông Công để xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị của ông Công theo quy định của pháp luật. 

 

Tại Thành Hội Phật giáo TP. HCM, sau khi đăng ký nội dung làm việc, PV được Thượng tọa Thích Quang Thanh - Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Thành Hội Phật giáo TP. HCM hướng dẫn, giới thiệu gặp và làm việc với Thượng tọa Thích Hiển Đức -  Phó Văn phòng Ban Trị sự, Phó trưởng Ban Pháp chế Giáo hội Phật giáo TP. HCM, vì vị này nắm rõ vấn đề liên quan. Tuy vậy, trong quá trình trao đổi, Thượng tọa Thích Hiển Đức cho rằng, Giáo hội Phật giáo TP. HCM không liên quan, đồng thời, đề nghị PV sang chính quyền quận 7 để hỏi và trích lục tài liệu.

Khi PV đặt một số câu hỏi như: Ông Trần Văn Công có làm đơn xin gia nhập Giáo hội không? Ông Công có làm đơn xin hiến tặng đất của mình cho Giáo hội không? Giáo hội có lưu trữ các giấy tờ pháp lý để chứng minh việc mua bán diện tích đất của ông Công bằng nguồn tiền của Giáo hội không?... chỉ nhận được những nội dung trả lời: “chắc là không có”, “không biết”, “có thể không có, thất lạc hoặc không lưu trữ”…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!

Bài và ảnh: Thục Vy 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ UBND quận 7 không cấp sổ đỏ cho ông Trần Văn Công: Chưa có hồi kết!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO