Vụ tranh chấp QSĐ giữa 2 nhà 30 - 32 Lê Lai, TP. Đà Nẵng: Tòa án cần xét xử công tâm

16/01/2018 13:29

(TN&MT) - Vụ tranh chấp đất đai giữa hai nhà 30 & 32 Lê Lai, TP. Đà Nẵng đã kéo dài từ lâu, nhưng cuối cùng chân lý thuộc về lẽ phải khi Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên hủy Quyết định (QĐ) số 13744/QĐ-UB ngày 12/12/2001 của UBND TP. Đà Nẵng v/v cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCNQSHNƠ&QSDĐƠ) cho bà Huyền Tôn Nữ Thị Oai (nay bà Trần Thị Thanh Hương thừa kế) tại nhà đất số 30 Lê Lai, TP. Đà Nẵng và QĐ số 8715/QĐ-UB ngày 12/11/2010 của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng v/v giải quyết phần diện tích đường luồng giữa hai nhà 30 & 32 Lê Lai. Sau khi bản án hành chính có hiệu lực, ông Phan Thanh Kế và bà Phan Thị Bạch Mai- 32 Lê Lai khởi kiện ra TAND các cấp về vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Ngày 16/11/2017, Trung tâm đo đạc bản đồ TP. Đà Nẵng tiến hành đo đạc, thẩm định tại chỗ, nhưng mãi đến ngày 20/12/2017 mới có kết quả (sau 36 ngày)
Ngày 16/11/2017, Trung tâm đo đạc bản đồ TP. Đà Nẵng tiến hành đo đạc, thẩm định tại chỗ, nhưng mãi đến ngày 20/12/2017 mới có kết quả (sau 36 ngày)

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 39/2017/DS-ST ngày 03/8/2017, TAND quận Hải Châu quyết định: “Buộc bà Trần Thị Thanh Hương và ông Hoàng Đình Tân thanh toán giá trị quyền sử dụng 4,05m2 đất cho ông Phan Thanh Kế và bà Phan Thị Bạch Mai số tiền 71.077.500 đồng và giao 4,05m2 đất tại số 30-32 Lê Lai cho bà Hương và ông Tân sử dụng”. Trong khi đó, theo đơn khởi kiện, ông Kế yêu cầu chỉ nhận lại phần đất đã bị lấn chiếm mà đơn vị đo đạc xác định là 4,05m2, nhưng HĐXX có hiểu sai vấn đề này hay không, lại ra QĐ giao đất của ông Kế cho nhà bà Hương rồi ấn định giá trị đất theo giá Nhà nước. Ông Kế bức xúc cho biết: “Tôi yêu cầu Tòa án giải quyết để nhận lại phần đất bị nhà bà Hương lấn chiếm, chứ không yêu cầu nhận tiền. Đây không phải là vấn đề khởi kiện của tôi”.

Theo nhận định của TAND quận Hải Châu: “…nếu tháo dỡ các vật kiến trúc để trả lại 4,05m2 đất cho gia đình nhà ông Kế, bà Mai thì sẽ làm ảnh hưởng đến tính bền vững của cả ngôi nhà của gia đình bà Hương, ông Tân. Do đó, cần giữ nguyên hiện trạng, buộc bà Hương, ông Tân thanh toán giá trị quyền sử dụng 4,05m2 đất cho ông Kế, bà Mai. Đồng thời, giao phần đất có diện tích 4,05m2 có tường xây gạch ống, trụ bêtông, bêtông sàn, dầm do gia đình bà Hương, ông Tân xây dựng cho bà Hương, ông Tân được quyền sở hữu sử dụng”. Việc làm sai trái này nếu không xử lý nghiêm sẽ trở thành thông lệ, cứ xây lấn rồi đền tiền theo giá Nhà nước, đâu còn kỷ cương phép nước?. Trao đổi với các kỹ sư xây dựng thì việc phá dỡ phần lấn chiếm này sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến kết cấu cũng như kiến trúc hiện hữu. Trình độ khoa học cũng như kỹ thuật xây dựng hiện nay tại Việt Nam thực hiện điều này một cách dễ dàng, thậm chí có thể dịch chuyển, nâng-hạ vật kiến trúc to lớn…

Hiện trạng nhà bà Hương - 30 Lê Lai khi phá dở nhà cũ, xây dựng nhà mới đã lấn qua đất nhà ông Kế - 32 Lê Lai và khoảng không giữa nhà Bà Hương với nhà ông Chất - 28 Lê Lai, để nâng bề ngang từ 4m lên 4,46m
Hiện trạng nhà bà Hương - 30 Lê Lai khi phá dở nhà cũ, xây dựng nhà mới đã lấn qua đất nhà ông Kế - 32 Lê Lai và khoảng không giữa nhà Bà Hương với nhà ông Chất - 28 Lê Lai, để nâng bề ngang từ 4m lên 4,46m

Câu hỏi đặt ra trình độ Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Nguyễn thị Ngọc Thùy cũng như HĐXX?. QĐ giao đất và GCNQSHNƠ&QSDĐƠ cấp cho bà Oai đã bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng hủy tại bản án số 08/2015/HCPT ngày 16/3/2015, tuy nhiên HĐXX vẫn nhận định vật kiến trúc được xây dựng hoàn toàn hợp pháp, trong khi đó tranh chấp xảy ra từ lâu, từ năm 1984 (trước ngày cấp GCNQSHNƠ&QSDĐƠ) nên nhận định của Tòa về “Những vật kiến trúc này do gia đình bà Hương, ông Tân xây dựng hoàn toàn hợp pháp” thì cần xem lại ý chí chủ quan trong nhận định này!!!.

Bản án cũng nêu rõ: “Theo kết quả đo đạc này phần diện tích đất bị chồng lấn là 4,05m2. Tại đơn khởi kiện nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả lại 4,375mnhưng sau khi nhận được kết quả đo đạc và tại phiên tòa nguyên đơn thống nhất yêu cầu bị đơn phải trả lại 4,05m2 đất đã bị lấn chiếm. Yêu cầu này của nguyên đơn là có cơ sở nên cần được chấp nhận”. Đây là nhận định của Tòa án đúng thực tế khách quan. Nhận định một đường đúng sự thật khách quan nhưng lại quyết một nẻo, không đúng yêu cầu của nguyên đơn.

Hiện nay, còn 1 trụ cuối nhà ông Kế đỡ dầm chạy dọc nhà ông Kế. Hình chụp hiện trạng cho thấy tường bà Hương ở ngoài nhà ông Kế, nhưng khi xây mới nhà, bà Hương đã đập bỏ hàng trụ nhà ông Kế để lấn qua đất nhà ông Kế
Hiện nay, còn 1 trụ cuối nhà ông Kế đỡ dầm chạy dọc nhà ông Kế. Hình chụp hiện trạng cho thấy tường bà Hương ở ngoài nhà ông Kế, nhưng khi xây mới nhà, bà Hương đã đập bỏ hàng trụ nhà ông Kế để lấn qua đất nhà ông Kế

Trong một diễn biến đã xảy ra, HĐXX TAND quận Hải Châu không thụ lý yêu cầu phản tố của bà Hương đến nay chưa có biên lai thu tiền tạm ứng án phí (tài liệu chứng minh Tòa án đã thụ lý yêu cầu của bà Hương), nhưng trong khoản 2, HĐXX lại chấp nhận cho bà Hương nhận lấy phần đất lấn chiếm mà theo quy định của pháp luật là quyền sử dụng đất thuộc về ông Kế. Theo Luật thì Tòa án chỉ sẽ giải quyết theo yêu cầu của đương sự khi được Tòa án chấp nhận (thụ lý giải quyết).

Không đồng tình với bản án sơ thẩm của TAND quận Hải Châu, gia đình ông Kế, bà Mai- 32 Lê Lai và gia đình ông Tân, bà Hương- 30 Lê Lai kháng cáo lên TAND TP. Đà Nẵng và được TAND TP. Đà Nẵng thụ lý vụ án dân sự số 44/2017/TLDS-DS v/v “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Theo yêu cầu của gia đình bà Hương, ông Tân- 30 Lê Lai, TAND TP. Đà Nẵng trưng cầu Trung tâm đo đạc bản đồ TP. Đà Nẵng là đơn vị thực hiện đo đạc theo QĐ số 87/2017/QĐ-TCGĐ ngày 31/10/2017. Thời gian đo đạc là ngày 16/11/2017 nhưng đến ngày 8/12/2017, TAND TP. Đà Nẵng có QĐ số 3041/2017/QĐ-PT tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự với lý do đợi kết quả giám định, đo đạc của đơn vị đo đạc. Mãi đến ngày 20/12/2017, tức 36 ngày sau mới có kết quả đo đạc, nên chăng cần xem lại năng lực đơn vị đo đạc???.

Trong buổi làm việc với Tòa ngày ngày 9/1/2018 để cung cấp hồ sơ kết quả đo đạc nhưng Tòa chỉ cung cấp 1 tờ sơ đồ hiện trạng SDĐ và có vẻ như không cho đương sự có cơ hội trình bày ý kiến của mình về những điểm không đúng sự thật khách quan về tranh chấp xảy ra giữa 2 nhà cũng như những bất cập trong kết quả đo vẽ (không có mặt Thẩm phán, thụ lý giải quyết vụ án Võ Đình Thắng).

Những bất cập trong đo vẽ của Trung tâm đo đạc bản đồ TP. Đà Nẵng
Những bất cập trong đo vẽ của Trung tâm đo đạc bản đồ TP. Đà Nẵng

Trong sơ đồ hiện trạng SDĐ, đơn vị đo đạc sử dụng thuật ngữ “chồng lấn”, phải chăng làm thay cho chức năng Tòa án. “Sổ đỏ” nhà bà Hương bị Tòa tuyên hủy thì không có cơ sở pháp luật, cơ sở nào nói đất nhà ông Kế chồng lấn lên đất nhà bà Hương, trong khi theo hồ sơ gốc nhà đất ông Kế từ 9m xuống còn 8,76m và đất nhà bà Hương từ 4m lên 4,46m???. Sử dụng GCNQSHNƠ&QSDĐƠ đã bị hủy, phải chăng Trung tâm đo đạc bản đồ TP. Đà Nẵng có ý định hướng cho Tòa là gia đình ông Kế lấn đất?. Dư luận đặt ra phải chăng ông Phan Minh Thành- PGĐ Trung tâm định hướng cho Tòa là hộ ông Kế có hành vi lấn chiếm. Mặt khác, bản án TAND quận Hải Châu đã có nhận định chấp nhận yêu cầu của ông Kế v/v đòi lại phần đất bị lấn chiếm và đã xác định diện tích đất ông Kế bị lấn chiếm là 4,05 m2.

Người đo vẽ không xác định được chính xác phần đất đang tranh chấp, ranh giới cứng giữa các nhà. Nhà ông Kế là nhà cấp 4, hiện trạng từ năm 1975 đến giờ, chưa bao giờ sửa sang; trong khi đó các nhà lân cận đều xây mới, sao lại nói nhà ông Kế chồng lấn qua nhà người khác???. Theo biên bản nghiệm thu giữa Tòa và đơn vị đo đạc, chỉ xác định thửa đất của 2 nhà 30 & 32 Lê Lai (thửa đất 13m bề ngang cùng một chủ bán ra cho ông Kế 9m và bà Hương 4m), nhưng khi vẽ sơ đồ hiện trạng SDĐ, đơn vị đo đạc lại áp các thửa đất xung quanh nhà ông Kế, rồi nhận định chồng lấn, trong khi nhà ông Kế với các hộ lân cận không tranh chấp, ranh giới ổn định. Kết quả đo của Trung tâm đo đạc bản đồ TP. Đà Nẵng còn siêu tưởng đến mức cho rằng ông Kế lấn đất nhà ông Phạm Ngọc Trung ở phạm vi cách xa nhà ông Kế 3,15m (vị trí đó là ranh giới giữa nhà bà Hương và ông Trung). Với trình độ như vậy nên kết quả đo đạc của Trung tâm đo đạc bản đồ TP. Đà Nẵng hoàn toàn trái ngược với kết quả đo của Công ty TNHH MTV Trắc địa bản đồ Hưng An, Biên bản thẩm định tại chỗ ngày 21/8/2012 của TAND TP. Đà Nẵng, Kết quả đo đạc ngày 12/01/2010 của UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường quận Hải Châu thực hiện, nên chăng cần xem lại năng lực của cán bộ đo vẽ hay lãnh đạo Trung tâm đo đạc bản đồ TP. Đà Nẵng cố tình chỉ đạo làm sai???.  

Dư luận đang chờ đợi câu trả lời từ phía các cấp chính quyền TP. Đà Nẵng, TAND TP. Đà Nẵng và mong rằng công lý luôn thuộc về lẽ phải.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tranh chấp QSĐ giữa 2 nhà 30 - 32 Lê Lai, TP. Đà Nẵng: Tòa án cần xét xử công tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO