Vụ thương binh hơn 20 năm đi đòi đất: Hành xử 'kỳ quặc' của UBND huyện Lục Nam

11/05/2016 00:00

(TN&MT) - Thay vì tìm cách chứng minh đúng sai rõ ràng trong vụ ông Lê Văn Dinh đi đòi đất 25 năm nay thì chính quyền nơi đây lại muốn thỏa thuận với ông...

(TN&MT) Báo Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh ở số báo trước sự việc người thương binh hạng 4/4, nhiễm chất độc da cam Lê Văn Dinh (thị trấn Đồi Ngô huyện Lục Nam, Bắc Giang) mải miết đi đòi đất 25 năm nay nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Không những vậy, thửa đất ông đi đòi đã được chính quyền sở tại cưỡng chế, thu hồi và cấp sổ đỏ cho người khác từ nhiều năm nay.
 
“Chữa cháy” cho sai phạm
 
Quay trở lại TT Đồi Ngô vào những ngày đầu tháng 5, nhóm PV tiếp tục tìm cách thu thập thông tin cũng như tìm sự hợp tác từ phía chính quyền địa phương trong vụ việc ông Lê Văn Dinh 25 năm đi đòi đất. Gặp chúng tôi, ông Dinh cung cấp thêm một Văn bản có thể nói là “kỳ quặc” của UBND huyện Lục Nam. Đó là bản báo cáo số 65/BC – UBND do ông Giáp Văn Ơn – Phó chủ tich UNBD huyện Lục Nam ký ngày 14/4/2016 gửi UBND tỉnh Bắc Giang về tình hình giải quyết vụ việc của vợ chồng ông Dinh. 
 
Văn bản
Văn bản "kỳ quặc" của UBND huyện Lục Nam khi đưa ra giải pháp đổi cho vợ chồng ông Dinh một thửa đất khác có diện tích không bằng một nửa so với diện tích đất ông Dinh đang đòi
 
Theo đó, mặc dù UBND huyện Lục Nam cho rằng ông Lê Văn Dinh không có cơ sở để đòi sở hữu mảnh đất 229,6m2 tại ngã tư thị trấn Đồi Ngô. Nhưng thực hiện sự chỉ đạo của ông Lại Thanh Sơn – Phó CT UBND tỉnh Bắc Giang thì UBND huyện Lục Nam đã ra phương án xét giao 1 lô đất có diện tích 81m2 ở địa điểm khác cho gia đình ông Dinh do hai vợ chồng “thường xuyên” có măt tại trụ sở tiếp công dân các cấp, để phản ánh về việc thu hồi đất của gia đình(?!).
 
Xem báo cáo số 65, người ta có thể nhận thấy đây là một cách “chữa cháy” hết sức ngô nghê và có phần “mờ ám” của UBND huyện Lục Nam. Bởi có thể thấy rằng, nếu gia đình ông Lê Văn Dinh đi khiếu kiện, khiếu nại đòi sở hữu mảnh đất 229,6 m2 bị các cơ quan chức năng khẳng định là sai và không có cơ sở. Vậy thì tại sao, UBND huyện Lục Nam lại phải giao cho gia đình ông 1 lô đất khác?. Chẳng lẽ, cứ đi khiếu kiện nhiều lần lên tỉnh và Trung Ương thì được chính quyền địa phương cấp đất?. 
 
Để rõ hơn vì sao lại có sự giải quyết kỳ lạ “có một không hai” này của huyện Lục Nam. Nhóm PV đã liên hệ với lãnh đạo huyện Lục Nam để có câu trả lời chính xác, rất tiếc không một lãnh đạo nào của huyện này sắp xếp được thời gian để trả lời cùng với lí do UNBD tỉnh Bắc Giang đang xem xét, giải quyết, nên không thể cung cấp thông tin. 
 
Văn bản viết tay chứa đựng thông tin nguồn gốc thửa đất của vợ chồng ông Dinh
Văn bản viết tay chứa đựng thông tin nguồn gốc thửa đất của vợ chồng ông Dinh
 
Theo tìm hiểu của PV trong vụ việc này, những loại giấy tờ có giá trị pháp lý nhất lại bị bỏ qua một cách có mục đích. Đáng kể nhất, là tờ giấy mua bán đất được lập ngày 05/6/1975 giữa bà Nguyễn Thị Tâm (người chủ đất cũ) với ông Nguyễn Văn Xuân (bố đẻ bà Thanh - vợ ông Dinh), tờ giấy viết tay này, được chính quyền sở tại xác nhận đầy đủ. Trong đó mua bán này ghi rõ ràng, bà Tâm vì tuổi già muốn về ở cùng con trai là ông Bùi Văn Phú, nên đã nhượng lại mảnh đất trên cho ông Xuân để cho bà Thanh ở với số tiền là 400 đồng. Đây được xem là bằng chứng để khẳng định rõ nguồn gốc sử dụng đất của hộ gia đình ông Dinh.
 
Ngoài ra, còn có giấy biên lai đóng thuế nhà đất cho nhà nước từ những năm trước đây để khẳng định, gia đình ông Dinh là chủ sở hữu hợp pháp thửa đất trên. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không xem xét đến và cho rằng hộ gia đình ông đã tự ý lấn chiếm đất và ra quyết định cưỡng chế để thu hồi để cấp cho người khác. 
 
Trên gương mặt thể hiện rõ sự mệt mỏi, cơ cực của hơn 25 năm lóc cóc đạp xe đi huyện, lên tỉnh và ra Trung ương để đòi lại quyền lợi chính đáng của gia đình. Ông Dinh chia sẻ, tôi là người dân, người lính không hiểu cặn kẽ pháp luật nên mới nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Bản thân tôi chỉ biết cung cấp các loại giấy tờ hợp pháp, khẳng định mình sở hữu mảnh đất trên nhưng vẫn bị mất đất một cách khó hiểu. Thử hỏi, chúng tôi phải làm gì? Phải cung cấp giấy tờ như thế nào nữa mới được coi là hợp lệ nữa đây.
 
Hóa đơn đóng tiền
Biên lai thu thuế nhà, đất của ông Dinh đóng từ những năm trước đây
 
Chính vì vậy, khi UBND huyện Lục Nam gửi cái báo cáo số 65 đó cho tôi thì gia đình đã không đồng ý với cách giải quyết như thế. Bởi nếu tôi sai là phải sai hoàn toàn, nếu tôi đúng thì phải đúng hoàn toàn chứ làm gì có cái cái kiểu tôi đúng sai nửa vời như vậy. Muốn trả đất thì phải giao đủ 229,6 m2 đất tại vị trí tương đương và không phải nộp tiền. Vì thế sau khi xem xét yêu cầu của gia đình, họ (UBND huyện Lục Nam) đành phải “tìm phương án khác” để giải quyết.
 
Cũng chính từ việc nhiều giấy tờ có giá trị pháp lý bị lờ đi, nên thửa đất của gia đình đã được ông Nguyễn Đức Đăng – Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam (nay là Chánh văn phòng UBND tỉnh ) ký quyết định cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Trường (em trai của ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch xã Tiên Hưng lúc bấy giờ) và ông Trịnh Văn Đô sử dụng với lý do ông Trường và ông Đô đã nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách xã từ những năm 1992 – 1994 (?).
 
Bên cạnh đó, còn một sự việc khác liên quan tới ông Dinh đó là hai người con trai của ông do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ ông nên trên người lở loét, chảy nước bốc mùi tanh nồng. Gia đình đã nhiều lần làm đơn đề nghị với các cơ quan chức năng xem xét giải quyết để hưởng chế độ như nhà nước quy định nhưng không được. Phải chăng đây là cách “thương dân như con” của UBND huyện Lục Nam đối với già đình người thương bịnh nặng bị nhiễm chất độc da cam từ thời chiến tranh.
 
Báo TN&MT tiếp tục thông tin về vụ việc./.
 
Bích Động – Yên Thế
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ thương binh hơn 20 năm đi đòi đất: Hành xử 'kỳ quặc' của UBND huyện Lục Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO