Liên quan đến vụ việc sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đoàn công tác Quân khu 4 và Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam vừa đến hiện trường nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 để đánh giá lại mức độ an toàn và hiện trạng công trình để tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm nối lại công tác tìm kiếm nạn nhân trong thời gian tới.
Khu vực xảy ra sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 |
Khó khăn nhất trong việc nối lại công tác tìm kiếm những công nhân còn mất tích ở nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 trong giai đoạn 4 chính là việc lựa chọn thời điểm để kiểm soát tốt nhất dòng chảy.
“Đơn cử như ngày 8/3, lưu tốc dòng chảy trên sông Rào Trăng tại hiện trường xảy ra sự cố sạt lở núi là khoảng 10 m3/giây. Từ đây xuôi về ngã ba Tam Dần với chiều dài 2,5 km (phạm vi tìm kiếm giai đoạn 4 ) có lưu tốc dòng chảy ngày càng lớn, lên tới 20 m3/giây. Nếu đắp đập dâng của nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 với dung tích chứa tối đa 2,7 triệu m3, như vậy với lưu tốc dòng chảy 20 m3/giây chỉ có thể giữ nước tại đập dâng gần 1,7 ngày, sau đó lại phải xả nước” - Trung tá Phan Thắng nói.
Bên cạnh đó, lực lượng cứu hộ sẽ phải xử lý thêm lượng nước thẩm thấu từ dưới lòng đất lên và ứng phó với 4 - 5 tụ thủy chảy ngang trong khu vực tìm kiếm của giai đoạn 4. Do vậy, lực lượng tìm kiếm không thể triển khai trong thời điểm hiện nay, nhưng vẫn đang chuẩn bị sẵn sàng khi điều kiện cho phép.
Cho đến nay chỉ tìm được 6 thi thể công nhân |
Theo Trung tá Thắng, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện bước vào mùa khô, lúc đó lưu tốc dòng chảy trong khu vực tìm kiếm chỉ từ 4-5 m3/giây, đập dâng của nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 nếu hoàn thành sẽ giữ nước được khoảng 8 ngày, khi đó sẽ thuận lợi cho công tác tìm kiếm thi thể các nạn nhân.
Được biết đập dâng tràn của Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 có chiều dài khoảng 150m, các đơn vị thi công đã hoàn thành xây dựng khoảng 90%.
Ông Lê Văn Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3, chủ đầu tư dự án thủy điện Rào Trăng 3 còn cho biết, theo thiết kế, công trình đập dâng thủy điện Rào Trăng 3 nằm cách khu vực tìm kiếm của giai đoạn 3 khoảng 500m về phía thượng nguồn. Đập dâng có chiều dài khoảng 150m, các đơn vị thi công trước đó đã hoàn thành xây dựng khoảng 90%. Thân đập có chiều cao 30m, hiện đã thi công cao khoảng 28m. Khi cơ quan chức năng cho phép xây dựng tiếp, khối lượng thi công còn lại của công trình đập dâng này là khoảng 4.000m3 bê tông với thời gian hoàn thành khoảng 2 tháng.
Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, cuối tháng 6/2021, việc xây dựng đập dâng sẽ hoàn thành và đầu tháng 7/2021 sẽ tiến hành ngăn nước phục vụ cho công tác tìm kiếm các nạn nhân.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế gửi lời chia sẻ trước những mất mát, đau thương của các gia đình và nhấn mạnh quan điểm của tỉnh là tìm kiếm người dân còn mất tích như cứu người thân của mình.
“Mong thân nhân các nạn nhân mất tích thông cảm, chia sẻ những khó khăn với lực lượng tìm kiếm; các đơn vị đã nỗ lực, tranh thủ từng giờ, từng phút để tìm kiếm từng vị trí cụ thể, các điểm nghi ngờ để tiến hành rà soát, đào bới, sớm tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại...”, lãnh đạo tỉnh chia sẻ.
Trước đó vào rạng sáng 12/10/2020, một vụ sạt lở đất kinh hoàng đã vùi lấp toàn bộ khu nhà điều hành dự án Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 làm 17 công nhân mất tích. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến nay lực lượng chức năng mới tìm thấy 6 thi thể nạn nhân. 13 cán bộ chiến sĩ đi tìm kiếm cũng đã bị một vụ sạt lở khác vùi lấp và đã tìm thấy hết sau đó.
Sau sự cố, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra chất lượng công trình, đảm bảo an toàn nếu muốn thi công hoàn thiện và đưa vào hoạt động.