Vụ rừng phòng hộ ở Huế bị “chảy máu”: Cách chức và đình chỉ nhiều cán bộ

09/10/2018 08:41

(TN&MT) - Để xảy ra những vụ phá rừng liên tiếp trong thời gian qua, nhiều cán bộ tại Thừa Thiên Huế đã bị cơ quan chức năng đình chỉ và thậm chí là cách chức…

Rừng phòng hộ tại Thừa Thiên Huế thời gian qua đã bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc
Rừng phòng hộ tại Thừa Thiên Huế thời gian qua đã bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc

Liên quan đến vụ việc các rừng phòng hộ tại huyện A Lưới và huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) trong thời gian qua liên tiếp bị “chảy máu” nghiêm trọng bởi lâm tặc tấn công, tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiều 8/10, nhiều diễn biến mới đã được cơ quan chức năng thông tin.

Cách chức Đội trưởng đội bảo vệ rừng

Ông Văn Thân- Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới cho hay, qua phản ánh của báo chí về việc phá rừng xảy ra tại địa bàn quản lý thuộc rừng phòng hộ A Lưới (huyện A Lưới), đơn vị đã quyết định cách chức ông Lê Văn Thoại- Đội trưởng đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ.

Theo đó, ông Lê Văn Thoại bị kỷ luật cách chức do “Vi phạm công tác bảo vệ rừng khi để xảy ra khai thác lâm sản trái phép tại tiểu khu 297, 298, 311” thuộc rừng phòng hộ A Lưới.

Quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Thoại sẽ có hiệu lực kể từ ngày 8/10 và chấm dứt hiệu lực sau 12 tháng kế từ ngày ra quyết định.

Ngoài ra, Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới còn kiểm điểm trách nhiệm trước toàn đơn vị với 7 cán bộ thuộc đội bảo vệ rừng Mỏ Quạ.

Rừng tại A Lưới bị đốn hạ
Rừng tại A Lưới bị đốn hạ

Theo đơn vị quản lý thì qua kiểm tra tại hiện trường, có 24 cây bị chặt ở tiểu khu 297, 298, và 1 cây bị chặt ở tiểu khu 311. Mật độ ngắn nhất giữa 2 cây bị chặt là 25 mét và xa nhất giữa 2 cây bị chặt là hơn 1.400 mét. Cơ quan chức năng đã bắt thu giữ 9,5m3 gỗ.

“Việc buông lỏng quản lý và có tiếp tay hay không thì các cơ quan chức năng đang phối hợp đơn vị để tiếp tục điều tra làm rõ. Cụ thể Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang phối hợp với Ban quản lý Rừng phòng hộ A Lưới cùng chính quyền địa phương để điều tra”- ông Thân nói.

Ông Lê Trung Hiếu- Chánh Văn phòng UBND huyện A Lưới cho biết, sau vụ việc thì UBND huyện A Lưới đã tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng.

“Huyện thông qua các cuộc họp, các buổi họp thôn và thông qua các già làng, trưởng bản để vận động nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện các quy định đối với bảo vệ rừng. Tuy nhiên, có một số trường hợp do nhận thức hạn chế đã vi phạm trong bảo vệ rừng. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức hơn trong công tác  bảo vệ rừng tại địa phương...”- ông Hiếu thông tin.

Nhiều cây gỗ quý tại rừng phòng hộ Phú Lộc cũng bị tấn công
Nhiều cây gỗ quý tại rừng phòng hộ Phú Lộc cũng bị tấn công

Đình chỉ công tác 2 trạm trưởng

Cũng liên quan đến việc phá rừng phòng hộ tại huyện Phú Lộc trong thời gian qua, ông Phan Văn Nam- Giám đốc Công TNHH Nhà nước MTV Lâm Nghiệp Nam Hòa cho biết, đơn vị đã đình chỉ công tác đối với 2 trạm trưởng trên địa bàn để làm rõ trách nhiệm trong việc xảy ra các vụ phá rừng phòng hộ do công ty quản lý.

Theo đó, ông Bùi Khắc Giáp- Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Lộc Hòa và ông Nguyễn Trường Tam- Trạm trưởng Trạm QLBVR Xuân Lộc đã bị Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm Nghiệp Nam Hòa đình chỉ công tác.

“Chúng tôi cũng đã điều 2 đồng chí Phó phòng quản lý bảo vệ rừng về kiêm hai Trưởng trạm và chấn chỉnh tổ chức, phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ trách nhiệm, sai phạm để xử lý”- ông Nam nói.

Ông Nam cũng chia sẻ thêm đơn vị đã chấn chỉnh được vụ việc, hiện nay tình hình đã ổn định và đơn vị xin rút kinh nghiệm về sau này.

Cũng tại buổi họp báo, ông Võ Văn Dự- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, trong 2 vụ việc phá rừng trên thì vấn đề xử lý cán bộ được tiến hành một cách nghiêm túc, không có dấu hiệu bao che gì. Sắp tới đơn vị phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để hạn chế tối đa tình trạng “chảy máu” rừng.

Cơ quan chức năng đã đình chỉ và cách chức nhiều cán bộ quản lý rừng thiếu hiệu quả...
Cơ quan chức năng đã đình chỉ và cách chức nhiều cán bộ quản lý rừng thiếu hiệu quả...

Như đã phản ánh, thời gian qua tại các tiểu khu 297(xã Phú Vinh) và 311(xã Hương Phong) thuộc rừng phòng hộ A Lưới và tiểu khu 215 (xã Lộc Hòa) thuộc rừng phòng hộ Phú Lộc đã bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc nhiều cây gỗ quý lâu năm.

Cụ thể, tại tiểu khu 311 ở khu vực đỉnh núi là cảnh nhiều cây gỗ lớn, có đường kính 0,5-1m bị cưa trơ gốc, gỗ nằm rải rác khắp nơi. Nhiều cây đã bị xẻ thành tấm, chờ mang ra ngoài. Bên cạnh đó, những vật dụng như can đựng nguyên liệu, dao chặt... được lâm tặc bỏ lại với nhiều dấu tích còn mới.

Ở tiểu khu 297 trong bán kính khoảng 100m, hơn 20 gốc cây cổ thụ quý bị chặt hạ, trong đó chủ yếu là dổi, quế rừng, chò... Trên tuyến đường mòn băng qua các quả đồi, lâm tặc đốn hạ hàng chục cây để làm hành lang 2 bên đường. Hơn thế, lâm tặc còn “đầu tư” làm một cây cầu khỉ để vận chuyển gỗ qua chỗ sạt lở…

Còn tại khe Đá Mài thuộc tiểu khu 215 (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc), nhiều cây gỗ lớn trong đó có gỗ quý như lim, dẻ đỏ, dẻ trắng, lêu hêu, sến tía, trường, dâu... có đường kính khoảng 0,5- 0,8m; 0,5- 1m bị cưa trơ gốc. Trong đó, nhiều cây đã được xẻ thành phẩm, một số đã được vận chuyển ra khỏi bìa rừng tiêu thụ. Để tồn tại lâu dài, “lâm tặc” đã dựng nên các lán trại làm “đại bản doanh”. Gỗ được xẻ ngay tại chỗ trên tuyến đường mòn băng qua các quả đồi...

Đại diện Kiểm lâm Thừa Thiên Huế thông tin thêm hiện lực lượng kiểm lâm tỉnh cũng tăng cường lực lượng phối hợp với các đơn vị rà soát tại các khu vực rừng có trữ lượng gỗ lớn tại khu vực thượng nguồn sông Hương và sông Bồ ngăn chặn triệt để nạn phá rừng tự nhiên ở khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ rừng phòng hộ ở Huế bị “chảy máu”: Cách chức và đình chỉ nhiều cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO