Đến hết ngày 21/10, khoảng 100 người gồm quân sự, công an, dân sự và hàng chục phương tiện cơ giới vẫn đang thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.
Trong ngày, Sở GTVT đã điều động thêm 2 kỹ sư cầu đường tăng cường chỉ huy tại hiện trường và tập trung các phương tiện xe ben, xe xúc, máy ủi xử lý các điểm sạt lở để thông tuyến đường 71.
Nhiều đoạn sạt lở trên tuyến đường 71 đi vào thủy điện |
Hiện đường từ tiểu khu 67 lên thủy điện Rào Trăng 4 đã thông (4km), đoạn từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 thông khoảng 7km, còn đoạn giữa 3 km chưa thông vì có 2 điểm sạt lở lớn, trôi luôn phần đường.
Để đảm bảo xử lý điểm sạt lở tại km 13, ngành giao thông đã tập trung xe ben vận chuyển đá, ống by, rọ thép để thi công, tuy nhiên do đường nhỏ, trơn lầy, trời có mưa nên công suất hạn chế, mỗi xe chỉ vận chuyển 1 – 2 m3 và phải kết hợp trung chuyển mới đưa vật tư vào được.
Để lên được thủy điện phải nổ mìn phá một tảng đá lớn |
Ngoài ra, có tảng lớn trên 30 m3 án ngự trên tuyến đã được các lực lượng quân sự, giao thông khảo sát lên phương án nổ mìn để phá. Hiện Viettel đã hoàn thành lắp thiết bị phát sóng tại Rào Trăng 3 phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Tại cuộc họp rà soát công tác thi công thông tuyến đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3 vào tối 21/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Thiên Định và Đại tá Vũ Xuân Hùng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4 chỉ đạo thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, cùng với sự hỗ trợ của Quân Khu 4, các lực lượng chức năng phải đẩy nhanh tiến độ thi công, trọng tâm là thông đường 71 lên Rào Trăng 3 sớm nhất để đưa phương tiện, lực lượng phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.
Lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn đang nổ lực tìm cách tiếp cận hiện trường 15 công nhân mất tích |
Đối với việc xử lý tảng đá lớn án ngự trên tuyến, thực hiện phương án nổ mìn theo hình thức “ăn dần” phá từng mãnh nhỏ để tránh chấn động mạnh đến địa chất xung quanh. Giao lực lượng quân sự chỉ đạo công binh hỗ trợ triển khai thực hiện; phấn đấu hoàn thành trong ngày 22/10.
Sở GTVT cử thêm chuyên gia để khảo sát đoạn sạt lở nghiêm trọng, làm mất chân đường, bên cạnh sườn núi cao có nguy cơ sạt lở rất lớn để lên phương án xử lý; trường hợp khó khăn sẽ đề nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ xử lý. Đề nghị Quân khu 4 điều người, thiết bị đi ngay trong đêm 21/10 để kịp sáng 22/10 lên đường 71 tính toán phương án phá đá mở đường.
Giám định ADN xác định danh tính nạn nhân
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để đảm bảo chính xác danh tính các công nhân đang mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3, Trung tâm pháp y tỉnh đã lấy mẫu ADN người thân của 17 công nhân.
“Khi lực lượng cứu nạn tìm thấy thi thể của một công nhân nào đó, kết hợp với kết quả AND của người thân các công nhân, thì sẽ sớm có kết quả danh tính công nhân tử vong”, ông Định cho hay.
Tiếp tế lương thực cho lực lượng cứu hộ |
Cũng theo ông Định, trong số 2 thi thể công nhân được tìm thấy ở hiện trường thủy điện Rào Trăng 3, có một nạn nhân đã xác định được danh tính là anh Lê Văn Lộc (SN 1995, trú xã Nam Nung, huyện Krong Nô, tỉnh Đăk Nông). Hiện thi thể anh Lộc đã được bàn giao cho gia đình.
Như vậy đến nay, khu vực thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 đã đưa được 24 người ra khỏi hiện trường; phát hiện 2 người chết. 15 người mất tích từ ngày 12/10.
Một lượng rất lớn lượng thực, thực phẩm, nhiên liệu đã được tiếp tế vào Rào Trăng 3, đảm bảo cung cấp ít nhất 15 ngày cho lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm công nhân đang mất tích.