Dấu hiệu bất thường
Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, phóng viên ghi nhận thêm những dấu hiệu "không bình thường" trong chuyện giao đất làm dự án này. Cụ thể, với hơn 2,9ha “đất vàng” tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương, Tp. Thanh Hóa, ngày 3/9/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa mới ký Quyết định số 3089/QĐ-UBND thu hồi đất và giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để bồi thường giải phóng mặt bằng, mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất cho dự án.
Quyết định số 3089 là vậy, tuy nhiên ngày 27/8/2013 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3013/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương. Theo đó, liên doanh Công ty CP Thương mại Đầu tư bất động sản An Phát và Cty CP Xây dựng và TM Đại Long được “chỉ định” lựa chọn làm nhà đầu tư dự án.
Văn bản của Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thanh tra làm rõ các dự án ‘đất vàng” tai tiếng tại Thanh Hóa |
Với cách làm khó hiểu này đã dẫn đến nhiều dấu hiệu “bất thường” khi mà UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định lựa chọn nhà đầu tư trước thời điểm có quyết định thu hồi đất, giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để bồi thường giải phóng mặt bằng, mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Ngoài việc giao đất cho doanh nghiệp ở mức quá thấp so với khung giá đã ban hành, thì việc lựa chọn nhà đầu tư với hình thức như thế này dấy lên sự nghi ngờ về việc có hay không việc "bắt tay" từ trước? trong việc lựa chọn nhà đầu tư trước khi thu hồi đất. Việc này cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ một cách khách quan, minh bạch để báo cáo Thủ tướng.
Tại dự án Khu biệt thự cao cấp Quảng Cư, Thị xã Sầm Sơn (nay là Tp. Sầm Sơn), một dự án nằm trên vị trí trung tâm hướng ra biển - vị trí vàng tại khu du lịch nổi tiếng xứ Thanh cũng có nhiều dấu hiệu bất thường đến “kì lạ”.
Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2012. Doanh nghiệp được lựa chọn là Công ty TNHH Điện tử -Tin học - Viễn thông EITC, dự án có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư phải nộp vào ngân sách nhà nước hơn 62 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 2 năm sau, tức ngày 25/9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa lại ký Quyệt định số 3147/QĐ-UBND để phê duyệt kết quả đàm phán, điều chỉnh thực hiện đầu tư dự án. Theo đó, dự án từ chỗ phải nộp ngân sách 62 tỷ đồng nay giảm xuống còn 12,4 tỷ đồng. Trong khi đất đai khu vực Thị xã Sầm Sơn (nay là Tp. Sầm Sơn) tăng lên hàng năm. Hiện giá đất tại khu vực này giao động 20-30 triệu đồng/m2, vị trí đẹp hướng biển lên đến 50 triệu đồng/m2.
Tìm hiểu vụ việc, phóng viên cũng ghi nhận hàng chục nghìn m2 đất tại số 34 Ngô Từ, phường Lam Sơn, Tp. Thanh Hóa cũng được chuyển đổi từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở đô thị.
Khu “đất vàng” này nhanh chóng rơi vào tay Tổng Cty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP. Tại Văn bản số 1972 ngày 5/4/2012 UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho đơn vị này được lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 là đất ở đô thị.
Đến ngày 25/1/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 651/UBND-CN công nhận kết quả xét chọn chủ đầu tư dự án 34 Ngô Từ. Theo đó cũng chính Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát- CTCP đơn vị đã lập quy hoạch chi tiết được thực hiện dự án. Quyết định 651 nêu rõ: “Yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính và các quy định của pháp luật về đất đai có liên quan để có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt trước khi triển khai các bước thực hiện dự án”.
Trong khi đó, tới ngày 2/11/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa mới ban hành Quyết định số 4508/QĐ-UBND để phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho dự án số 34 Ngô Từ. Qua đó, diện tích tính tiền sử dụng đất hơn 10.167,9m2 (139 lô) được định giá ở mức 3.375.000 đồng/m2 là quá thấp so với giá trị thực tế mà doanh nghiệp Công ty Anh Phát đã bán hết cho dân từ nhiều năm trước!?
Doanh nghiệp “vua” lộ diện
Theo đó, hai dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương và Dự án Khu biệt thự cao cấp Quảng Cư, Tp. Sầm Sơn liên quan đến 3 đơn vị được giao đất và là nhà đầu tư gồm Liên danh Công ty CP Thương mại Đầu tư bất động sản An Phát và Công ty CP Xây dựng và TM Đại Long; Công ty TNHH Điện tử-Tin học-Viễn Thông EITC (Thanh Hóa) đều có mối quan hệ móc xích với nhau.
Hoạt động của các công ty theo mô hình công ty cổ phần, TNHH liên kết song tính chất mô hình công ty liên hệ sở hữu chéo cổ phần công ty, với mối quan hệ phức tạp, lòng vòng trong tài chính. Cụ thể: Công ty TNHH Điện tử - tin học - viễn thông EITC có trụ sở chính số 25 Lê Lợi, phường Trường Sơn, Tp. Sầm Sơn, được thành lập từ năm 2003 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông, thương mại, bất động sản; vốn điều lệ 450 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát góp 48% vốn điều lệ.
Dự án khu đô thị thương mại Đông Hương, TP. Thanh Hóa với tai tiếng về việc giao đất giá bèo cho nhà đầu tư |
Về Công ty Cổ phần Xây dựng và Thượng mại Đại Long có trụ sở chính tại biệt thự B8, Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Tp. Hà Nội được thành lập từ năm 2010 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, bất động sản và xây dựng. Công ty này có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát góp 45% vốn điều lệ.
Đối với Công ty CP Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát có trụ sở chính tại Lô NV-C3, Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội được thành lập vào năm 2012, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Công ty này có chi nhánh tại Tầng 8, Tòa nhà Viettel, Đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương, Tp. Thanh Hoá, Thanh Hoá.
Theo số liệu từ Cục Thuế Thanh Hóa tổng hợp danh sách các doanh nghiệp còn nợ tiền sử dụng đất kèm theo Công văn số 769/CCT-TBTK ngày 10/3/2017 thì một trong 3 đơn vị trên đang “đội sổ” về nợ tiền sử dụng đất. Như liên danh Công ty TNHH điện tử - tin học - viễn thông EITC và Công ty CP Đầu tư Fortuner với số tiền nợ lên tới hơn 116 tỷ đồng.
Tại dự án 34 Ngô Từ, Công ty Anh Phát được thành lập từ tháng 6/2005 - một doanh nghiệp mới được thành lập chưa lâu nhưng có sự phát triển “thần tốc”, chỉ một thời gian ngắn đã sở hữu cả chục dự án “béo bở” tại Thanh Hóa, đặc biệt là hàng chục dự án lớn trong KKT Nghi Sơn. Trong đó, đáng kể nhất là việc Công ty Anh Phát “nhảy dù” xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn, bất chấp quy hoạch của chính phủ, nhằm tranh giành thị phần, bóp chết một nhà nhà máy nước khác xây dựng đúng quy hoạch của Chính phủ hơn 10 năm nay tại KKT Nghi Sơn.
Dư luận tại Thanh hóa cho rằng, việc giao dự án 34 Ngô Từ của UBND tỉnh Thanh Hóa là có sự “ưu ái”, nhiều dấu hiệu gây thất thoát cho ngân sách, khi nhà đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát-CTCP xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết, không cập nhật việc đấu giá và giao đất có thu tiền sử dụng đất, chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính.
Qua tiếp xúc với người dân tại Thanh Hóa, được biết: đây là những dự án “đất vàng” được giao cho các doanh nghiệp “vua” một cách khó hiểu, nên mới có nhiều vấn đề “uẩn khúc” khiến ngân sách thất thu, dư luận bức xúc. Đồng thời người dân rất tin tưởng vào sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và mong muốn các cơ quan được Thủ tướng giao sẽ sớm xác minh, làm rõ mọi uẩn khúc.
Văn Phong – Kỳ Anh