Liên quan đến vụ việc “Khai thác mỏ đá ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế gây nhiều hậu quả” mà Báo Tài nguyên & Môi trường đã và đang thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa tổ chức cuộc họp nghe báo cáo đánh giá tác động của việc khai thác mỏ đá nguyên liệu xi măng Đồng Lâm đến đời sống của các hộ gia đình.
Mỏ đá Đồng Lâm đang triển khai |
Sau khi nghe đại diện Sở Khoa học và Công nghệ và nhóm nghiên cứu đề tài báo cáo sơ bộ kết quả, ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định hoan nghênh cơ quan chủ trì đề tài đã tích cực nghiên cứu, xây dựng đề tài xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng tránh nguy cơ sụt đất tại khu vực xung quanh dự án xi măng Đồng Lâm.
Kết quả sơ bộ bước đầu đã đưa ra được nhận định phục vụ cho quá trình quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước, đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại trong quá trình khai thác, hoạt động tại dự án xi măng Đồng Lâm và giải quyết các kiến nghị của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định ghi nhận ý kiến đề xuất của lãnh đạo huyện Phong Điền về việc lập đề án di dời các hộ gia đình bị ảnh hưởng đến khu tái định cư mới để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để có giải pháp tổng thể trên tinh thần khách quan, khoa học, UBND tỉnh đề nghị nhóm nghiên cứu đề tài tiếp tục hoàn thiện, thực hiện các bước tiếp theo của đề tài trong thời gian 3 tháng tới (đến hết tháng 11/2020).
Giao Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối để thúc đẩy, kết nối giữa địa phương, Sở Công Thương và Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đề án và đạt được chất lượng cao nhất. Trong đó thống nhất chủ trương cần có sự phản biện độc lập của Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam để đảm bảo tính khách quan và nâng cao chất lượng đề tài, đảm bảo cơ sở pháp lý và khoa học cho việc xử lý của chính quyền cũng như sự ủng hộ của người dân.
Sụt lún nhà cửa gần mỏ đá thường xuyên xảy ra |
Đề nghị nhóm nghiên cứu tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các thành viên dự họp về việc xác định địa chất thuỷ văn, ảnh hưởng của hói Cây Mưng,… để nghiên cứu đưa vào đề tài; đề xuất xử lý các vướng mắc phát phát sinh cũng như kinh phí nghiên cứu gửi UBND tỉnh và công ty xem xét hỗ trợ.
Trong thời gian chờ hoàn chỉnh đề tài, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm tiếp tục có phương án hỗ trợ khắc phục thiệt hại hoa màu, nhà cửa của người dân bị ảnh hưởng; có biện pháp giảm thiểu rung chấn, bụi và tiếng ồn trong quá trình khai thác và vận chuyển.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với công ty nghiên cứu thời điểm, hướng gió lúc nổ mìn để hạn chế các ảnh hưởng đến các hộ gia đình. UBND huyện Phong Điền tiếp tục theo dõi, nắm bắt nguyện vọng của người dân, tổ chức tuyên truyền trên tinh thần khách quan và vì lợi ích của người dân.
Lãnh đạo huyện Phong Điền kiểm tra và tìm phương án giải quyết cho dân |
Như đã phản ánh, Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm (đóng tại huyện Phong Điền) thuê Công ty Tân Việt Bắc khai thác mỏ đá vôi Đồng Lâm (xã Phong Xuân) với diện tích được Bộ TN&MT phê duyệt là 90ha; thời hạn 30 năm. Trữ lượng khai thác trên 1 triệu tấn/năm.
Khoảng năm 2014, Công ty Tân Việt Bắc bắt đầu khai thác đá và cũng từ đó, hàng trăm hộ dân sống ở 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc và Cổ Xuân - Quãng Lộc (xã Phong Xuân) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, luôn sống trong tình trạng sợ hãi.
Cụ thể, việc nổ mìn làm cả khu vực xung quanh rung chuyển, khói bụi, sụt lún, mất nước đồng ruộng, nứt nẻ nhà cửa... gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ngoài ra, quá trình vận chuyển cũng gây nên nhiều hệ luỵ về môi trường, khi trung bình mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chạy ra- vào khu mỏ để chở đất đá, khiến bụi gây ô nhiễm, cây xanh phủ một màu bạc trắng...Việc nổ mìn còn khiến nguồn nước sinh hoạt ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.