Vụ đóng tuyến đường xuyên Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai: Chờ vốn để di dời dân ra khỏi vùng lõi

29/11/2014 00:00

(TN&MT) - Một phương án khả thi có thể triển khai trong năm 2015 là thi công một tuyến đường chạy dọc Khu bảo tồn, giáp ranh với hồ Trị An.

                                                 
(TN&MT) - Liên quan đến việc đóng tuyến đường xuyên Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (Báo Tài nguyên & Môi trường online ra ngày 24/11 đã đăng bài phản ánh sự việc), ngày 27/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái chủ trì buổi họp với lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo chính quyền các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) để bàn biện pháp tháo gỡ, cũng như triển khai các phương án di dân, tái định cư cho người dân vùng lõi Khu bảo tồn.
   
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái làm việc với các sở ngành, các huyện và khu bảo tồn
   
Bảo tồn giá trị sinh học
   
  Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai được thành lập năm 2004, trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị, gồm các lâm trường Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An, Ban Quản lý di tích Chiến khu Đ và Trung tâm Thủy sản Đồng Nai. Khu bảo tồn có tổng diện tích tự nhiên hơn 100.000ha; trong đó có gần 68.000ha diện tích đất có rừng và đất lâm nghiệp, hơn 32.000ha mặt nước hồ Trị An, nằm trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán và Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai).
   
  Ngoài ra, Khu bảo tồn còn giáp với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, những nơi có giá trị về thiên nhiên, sinh thái. Khu bảo tồn hiện có nhiều loài thực và động vật, trong đó nhiều loài thú quý hiếm như voi, báo gấm, gấu chó, bò tót… Trong đó, riêng loài voi còn khoảng 13 con voi, bò tót khoảng 300 con. Bên cạnh giá trị về đa dạng sinh học, Khu bảo tồn trước đây còn là vùng căn cứ cách mạng Chiến khu Đ.
   
  Về việc đóng tuyến đường rừng xuyên qua khu bảo tồn, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai cho rằng: “Đây là con đường tự phát, hình thành từ trước giải phóng. Tuy nhiên, con đường này hiện cắt ngang qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Trước đây, Sở GT-VT tỉnh Bình Phước và Đồng Nai cũng đề xuất cho xây dựng cây cầu nối 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai, tuy nhiên do con đường này đi xuyên qua  Khu bảo tồn nên UBND tỉnh Đồng Nai không đồng ý, vì việc bắc cầu qua sông sẽ biến tuyến đường này thành con đường công cộng, từ đó dẫn đến nguy cơ người dân tràn vào phá rừng, săn thú. Nếu cứ để người dân đi tràn lan vào rừng của Khu bảo tồn, thì rất khó giữ được rừng và bảo vệ động vật hoang dã. Nếu cho người dân tự tiện đi qua rừng, chắc chắn sẽ có những người lợi dụng vào Khu bảo tồn để phá rừng, săn bắn động vật hoang dã, mà khi đó kiểm lâm không thể nào kiểm soát hết được”.
   
  Chốt ý kiến về vấn đề trên, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát và hoàn thiện dự án di dời dân ra khỏi vùng lõi của Khu bảo tồn để UBND tỉnh xem xét, triển khai thực hiện trong thời gian tới. Một phương án khả thi có thể triển khai trong năm 2015 là thi công một tuyến đường chạy dọc Khu bảo tồn, giáp ranh với hồ Trị An. Khi đó thì việc di dời hàng trăm hộ dân ở các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) không còn là vấn đề nan giải; thậm chí họ có thể ở lại trong vùng rừng như trước đây, vì đã có tuyến đường tránh mới, không xâm hại đến Khu bảo tồn.
   
   
Vẫn đang chờ vốn
   
  Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online, hồi đầu mới thành lập, các lâm trường (mà bây giờ đã sát nhập vào Khu bảo tồn - PV) đã đưa rất nhiều dân lao động vào để trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản. Cùng với số công nhân này, người dân từ các nơi khác đến đã góp phần hình thành nên các khu dân cư nằm len lõi trong rừng.
   
  Năm 1996, tỉnh Đồng Nai đóng cửa rừng, cấm không cho khai thác, chế biến lâm sản, khiến một số lượng lớn dân làm lâm nghiệp không còn việc làm. Đến năm 2004, Đồng Nai tiến hành sát nhập các lâm trường lại để thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, chuyển từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường.
   
  Khi thành lập khu bảo tồn, nhiều diện tích đất rừng trước đây đã giao cho dân trồng rừng được Nhà nước thu hồi giao về một mối. UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Khu bảo tồn quản lý nhằm đảm bảo tiêu chí là rừng đặc dụng. Song song đó, để bảo vệ rừng, UBND tỉnh cũng giao cho Sở NN-PTNT thực hiện dự án di dời dân cư ra khỏi rừng (khoảng 1.200 hộ dân) để ổn định cuộc sống cho bà con, sau đó lại giao cho UBND huyện Vĩnh Cửu làm chủ dự án. Tuy nhiên, dự án này qua nhiều năm vẫn chưa thực hiện được. Theo ông Trần Văn Mùi, việc dự án kéo dài nhiều năm đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là chống cháy rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh vật rừng.
   
  Thời gian qua, UBND huyện Vĩnh Cửu đã lập dự án di dời người dân ra khỏi rừng, song hiện nay huyện vẫn đang chờ phân bổ kinh phí thực hiện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án bố trí, ổn định dân cư tại 2 xã Hiếu Liêm và Mã Đà của huyện Vĩnh Cửu giai đoạn 2014-2016 có mục tiêu di dời, sắp xếp ổn định dân cư cho khoảng 240 hộ dân, với tổng kinh phí hơn 153 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương là 90 tỷ đồng (tương đương 60%), ngân sách địa phương 60 tỷ đồng (40%) và nguồn vốn người dân tham gia khoảng 2,5 tỷ đồng (1,7%).
   
  Việc phân chia nguồn vốn như trên là theo Quyết định số 1776/QĐ-Ttg ngày 21/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện dự án, Chủ đầu tư là UBND huyện Vĩnh Cửu đã qui hoạch khu đất diện tích hơn 86ha tại xã Hiếu Liêm để tái định canh, định cư cho các hộ dân bị di dời ra khỏi vùng lõi, xây dựng trường học, hệ thống cấp điện, cấp nước, chiếu sáng… Trong khuôn khổ dự án, mỗi hộ dân được cấp khoảng 2.500 – 3.000m² đất ở và đất sản xuất. Các hộ dân ngoài việc được hỗ trợ cho vay vốn làm nhà ở và sản xuất, còn được hỗ trợ nhiều khoản như Bảo hiểm Y tế, kinh phí đào tạo nghề, học phí cho con em các hộ di dời…
   
   
  Nhằm triển khai dự án, ngày 14/10/2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn đề nghị các các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT thẩm định phần vốn và nguồn vốn đầu tư để thực hiện dự án này. Trong công văn này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị các bộ nêu trên sớm hỗ trợ để tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt nhiệm vụ bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng theo quyết định số 1776/QĐ-Ttg ngày 21/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
   
        
Từ đầu năm 2014 đến nay, Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và các lực lượng phối hợp ở các xã trong vùng rừng của Khu bảo tồn đã tổ chức tháo gỡ, tiêu hủy tại rừng 5.277 bẫy thú các loại do các đối tượng đi săn thú trái phép cài để bắt thú. Ngoài ra, Khu bảo tồn cũng tháo gỡ 205 cái đú, 1.523m lưới của ngư dân đánh bắt cá trái phép trên hồ Trị An, bắt giữ 8 vụ dùng máy kích điện để bắt cá. Trong khi đi tuần tra trong rừng, Kiểm lâm khu bảo tồn cũng phát hiện 1 khẩu súng tự chế, một khẩu súng hơi của các đối tượng săn thú cất giấu.
        
    
   
                                                                               Thục Vy
           
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ đóng tuyến đường xuyên Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai: Chờ vốn để di dời dân ra khỏi vùng lõi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO