Trong một diễn biến mới nhất, trước sự bức xúc của hàng trăm người dân tại đây, lãnh đạoTP. Đà Nẵng đã trực tiếp đối thoại với người dân vào chiều nay (27/2) để tìm giải pháp giúp người dân bớt bức xúc. Tuy nhiên, buổi đối thoại do Phó Chủ tịch UBNDTP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì bị hoãn giữa chừng do người dân liên tiếp đặt câu hỏi với thái độ bức xúc.
Theo kế hoạch chiều nay, ông Minh dẫn đầu đoàn cán bộ của UBND TP Đà Nẵng về trực tiếp tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) đối thoại với dân sau sự việc dân bao vây nhà máy sản xuất thép Dana Ý. Đến 3h chiều, rất đông người dân chỉ đứng ngoài đường và nhà văn hóa thôn Vân Dương 2 dự buổi đối thoại. Người dân liên tiếp bày tỏ sự bức xúc vì sự ô nhiễm nặng nề của hai nhà máy thép đặt giữa khu dân cư - là Dana Ý và Dana Úc.
Ông Nguyễn Hữu Tiến (thôn Vân Dương 1, Hòa Liên) cho biết đây không phải là lần đầu tiên TP về đối thoại với dân. Chúng tôi mong muốn lần này TP phải có giải pháp rõ ràng.
Ông Lê Quý (thôn Vân Dương 2) bức xúc đề nghị TP dứt điểm phải dời các nhà máy ô nhiễm ra khỏi khu vực. “Dân chúng tôi ở đây từ mấy đời, TP đã đặt các nhà máy ô nhiễm ở đây làm đảo lộn cuộc sống của người dân thì dứt khoát phải chuyển đi”, ông Quý nói.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Điểu (80 tuổi, Vân Dương 1) cũng đề nghị TP đóng cửa cả hai nhà máy để ổn định cuộc sống cho dân. Bà cho rằng hiện tại mức độ ô nhiễm về khói bụi, nước thải, mùi hôi từ các nhà máy không chịu nổi. Trước các câu hỏi liên tiếp của người dân, ông Hồ Kỳ Minh đã cho hoãn buổi đối thoại, dời vào 14h chiều mai (28/2) để TP có sự chuẩn bị chu đáo.
Trước đó, hàng trăm người dân Hòa Liên đã tập trung tại cổng nhà máy thép Dana Ý yêu cầu khắc phục ô nhiễm... Hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc nằm cạnh nhau tại Hòa Liên bắt đầu hoạt động từ 2007. Nhiều năm qua liên tục bị dân bao vây, phản ứng vì ô nhiễm môi trường.
Tháng 12/2016, Phó Chủ tịch UBNDTP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng từng về đối thoại với dân tại Hòa Liên. Trước buổi đối thoại này, người dân đã bao vây cổng nhà máy trong hai ngày liền để phản đối. Lúc đó, ông Minh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động hai nhà máy để nâng cấp, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Các nhà máy sau đó tiếp tục hoạt động trở lại. UBND TP. Đà Nẵng đã lên phương án di dân ra xa các nhà máy, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong.
Mới đây, tháng 12/2017, trong buổi làm việc với chính quyền Hòa Vang, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng không thể để hai nhà máy ở lại khu vực này. Cũng tại buổi làm việc này, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho hay, chuyện hai nhà máy thép không thể giải quyết bằng bài toán là có tiền di dân tái định cư không. Có thể vẫn phải di dân bởi vì đó là khu công nghiệp. Nhưng không thể để hai nhà máy lại.
“Tôi sẽ nói ý kiến này ra trước Ban Thường vụ và chắc chắn Ban Thường vụ cũng sẽ đồng tình. Ngành luyện kim, sản xuất thép này không phải là ngành Đà Nẵng cần. Tôi nói là chữ cần chứ chưa nói là ưu tiên. Đề nghị các đồng chí ở TP lưu ý, giải quyết rốt ráo một lần cho xong. Chứ không sẽ phá vỡ hết quy hoạch của các ngành sản xuất khác”- ông Trương Quang Nghĩa nói.