Vụ Công ty TNHH Duyên Hà khai thác đá “phá” rừng phòng hộ: Vì sao chưa xử lý vi phạm?

Anh Tú - Phạm Thiệu| 30/06/2020 17:20

(TN&MT) - Mặc dù UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản giao Sở NN&PTNT phối hợp với UBND TP. Tam Điệp và các đơn vị liên quan xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của Công ty TNHH Duyên Hà, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 20/06/2020. Tuy nhiên, đến nay hành vi khai thác đá làm vùi lấp 32.382 m2 rừng phòng hộ này của Công ty TNHH Duyên Hà vẫn chưa được xử lý.

Trong văn bản số 139/UBND – VP3 ngày 09/04/2020 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc khai thác đá của Công ty TNHH Duyên Hà, trong đó giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND TP. Tam Điệp và các đơn vị có liên quan yêu cầu, hướng dẫn, giám sát Công ty TNHH Duyên Hà thực hiện việc khắc phục diện tích rừng bị ảnh hưởng do quá trình khai thác đá làm nguyên liệu xi măng của doanh nghiệp tại phường Tân Bình, xã Yên Sơn, TP. Tam Điệp theo đúng quy định.

Đồng thời, xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của Công ty TNHH Duyên Hà tại khu vực mỏ đá trên, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 20/06/2020.

Tuy nhiên, đến nay đã cuối tháng 6 nhưng Sở NN&PTNT cũng như UBND TP. Tam Điệp vẫn chưa đưa ra được hướng xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm này của Công ty TNHH Duyên Hà.

UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của Công ty TNHH Duyên Hà trước ngày 20/06/2020, thế nhưng đến nay vi phạm này vẫn chưa bị xử lý

Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Xuân Diệu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết: Thẩm quyền xử lý vi phạm thuộc về UBND TP. Tam Điệp, nếu vượt quá thẩm quyền thì thành phố phải báo cáo UBND tỉnh.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, về hướng xử lý vi phạm ông Dương Đức Đằng, Chủ tịch UBND TP. Tam Điệp chỉ cho biết rằng: Các cấp, các ngành đang tập trung giải quyết và báo cáo tỉnh. Cũng theo ông Đằng thì: Thực tế trong hồ sơ Sở Nông nghiệp đã báo cáo rõ thì trước là rừng nhưng là rừng nghèo núi đá, có nghĩa là cây thưa thớt, thậm chí vách núi không có cây, chỉ có dây leo, trong hồ sơ ghi rất rõ như vậy. Thực tế sạt lở theo vách núi vào rừng cây bụi chứ không phải là rừng như trong miền Nam.

Khi PV trao đổi về việc năm 2018, Công ty TNHH Duyên Hà cũng đã có vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và UBND TP. Tam Điệp cũng đã xử phạt hành chính, thì đối với hành vi tái phạm vào cuối năm 2019 thì thành phố có xử phạt tiếp hay không thì vị Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Không, mà lập biên bản chuyển công an tỉnh, công an tỉnh họ đang thụ lý hồ sơ, nhưng mà thấy tình hình như vậy, khách quan, chủ quan, tính chất rừng như vậy và người ta (Công ty TNHH Duyên Hà - PV) khắc phục đúng rồi, trồng cây tốt rồi, các thủ tục tiếp theo trình tỉnh.

Con đường độc đạo dẫn lên mỏ khai thác đá gây vùi lấp rừng phòng hộ của Công ty TNHH Duyên Hà

Về phía UBND tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh giao UBND TP. Tam Điệp tổng hợp báo cáo cũng như xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của Công ty TNHH Duyên Hà.

Trước đó, như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh thì ngày 12/10/2018 Hạt Kiểm lâm Tam Điệp phối hợp cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ TP. Tam Điệp, các phòng chức năng của UBND Tp. Tam Điệp và UBND phường Tân Bình cùng đại diện Công ty TNHH Duyên Hà – Nhà máy xi măng Duyên Hà kiểm tra về việc khai thác đất đá thuộc rừng phòng hộ trên núi đá.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại các lô rừng 44b, 59a, 48, 61a, 71b, 72aa, 58a, 59b, 70a, 78, 80a khoảnh 1; lô 3a, 6a khoảnh 2 và lô 4a, 3a, 4aa khoảnh 7, Bản đồ theo dõi diễn biến rừng phường Tân Bình lập năm 2017, do Ban Quản lý rừng phòng hộ TP. Tam Điệp quản lý giáp ranh với diện tích mỏ đá của Nhà máy xi măng Duyên Hà.

Kết quả, tổng diện tích khai thác vào rừng tự nhiên phòng hộ và khai thác làm sạt lở mất rừng tự nhiên phòng hộ 41.518 m2. Trong đó, diện tích khai thác vào rừng tự nhiên phòng hộ 21.710 m2 (có 2.820 m2 đã kiểm tra lần đầu và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vào tháng 5/2018 - PV), còn lại 18.890 m2 diện tích rừng tự nhiên phòng hộ đã bị khai thác ngoài ranh giới mỏ thuộc các lô 44b, 59a, 48, 61a khoảnh 1; lô 3a, 4a khoảnh 7 và lô 3a khoảnh 2.

Sai phạm chồng sai phạm là vậy thế nhưng đến nay vi phạm của Công ty TNHH Duyên Hà vẫn chưa được xử lý, xử phạt theo quy định

Diện tích rừng tự nhiên phòng hộ bị sạt lở do khai thác 19.808 m2 thuộc 2 vị trí là 14.038 m2 thuộc lô 59b, 58a, 70a, 78, 80 khoảnh 1; lô 6a khoảnh 2 và 5.770 m2 thuộc lô 4aa khoảnh 7, lô 71b, 72aa khoảnh 1.

Như vậy, nếu tính cả lần kiểm tra đo đếm lần 2 diện tích rừng phòng hộ bị vùi lấp vào ngày 25/12/2019 có diện tích 12.574 m2 thì tổng diện tích rừng phòng hộ đã bị khai thác ngoài ranh giới mỏ và diện tích rừng phòng hộ bị vùi lấp do Công ty TNHH Duyên Hà khai thác đá lên đến 54.092 m2.

Sai phạm chồng sai phạm là vậy thế nhưng đến nay vi phạm của Công ty TNHH Duyên Hà vẫn chưa được xử lý, xử phạt theo quy định. Rất mong UBND tỉnh Ninh Bình nhanh chóng vào cuộc, xử lý, xử phạt đúng người đúng tội mang lại niềm tin cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Công ty TNHH Duyên Hà khai thác đá “phá” rừng phòng hộ: Vì sao chưa xử lý vi phạm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO