Vụ Công ty Hoàng Sơn gây thất thoát tài nguyên: BQLDA Xây dựng cơ bản huyện Lạc Thuỷ thừa nhận làm sai

Việt Linh - Xuân Vũ| 06/06/2020 12:02

(TN&MT) - Ông Bùi Mạnh Tường, Giám đốc Ban quản lý Dự án Xây dựng cơ bản huyện Lạc Thuỷ (Hoà Bình) thừa nhận việc để Công ty Hoàng Sơn tự ý thoả thuận mua lại đất đồi của người dân thôn Đồng Thung, xã Phú Nghĩa rồi hạ đồi, múc đất trái phép mang đi đắp đê là sai so với quyết định đã được phê duyệt.

Công ty Hoàng Sơn khai thác đất đồi nhà ông Hai và ông Khánh khi chưa được cấp phép.

Ngày 21/05/2020, Báo Tài nguyên và Môi trường có bài viết “Lạc Thuỷ (Hoà Bình): Công ty Hoàng Sơn gây thất thoát tài nguyên” phản ánh việc sau khi trúng gói thầu thi công tuyến đê kè tại địa bàn huyện Lạc Thuỷ, Công ty Đầu tư Xây dựng thương mại năng lượng Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn) đã thoả thuận mua lại đồi của hộ gia đình ông Bùi Thanh Hai (nguyên là chủ tịch hội nông dân huyện) và ông Khánh ở thôn Đồng Thung, xã Phú Nghĩa rồi tự ý hạ đồi, múc đất đem đi đắp đê, gây thất thoát tài nguyên. 

Hàng chục chiếc xe nối đuôi nhau vào “ăn” đất rồi chở đi đắp đê.

Sau khi đăng tải bài viết, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với ông Bùi Mạnh Tường, Giám đốc Ban quản lý Dự án Xây dựng cơ bản huyện Lạc Thuỷ. Ông Tường cho biết, dự án “Nâng cấp tuyến đê phòng chống lũ cấp bách kết hợp làm đường giao thông xã Phú Lão” thuộc tuyến đê đầu nguồn cấp 5 miền núi, có chiều dài trên 4 km, với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, do UBND huyện Lạc Thuỷ làm chủ đầu tư, đơn vị được chỉ định thầu là Công ty Hoàng Sơn.

Ban QLDA Xây dựng cơ bản huyện Lạc Thuỷ biết việc làm của Công ty Hoàng Sơn là sai, gây thất thoát tài nguyên nhưng vẫn “nhắm mắt làm ngơ”.

Cũng tại buổi làm việc, ông Bùi Mạnh Tường thừa nhận việc để Công ty Hoàng Sơn chủ động phối hợp với các địa phương, các hộ dân để mua đất đồi, sau đó khai thác để mang đi thi công tuyến đê là hoàn toàn sai so với quyết định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Việc lấy đất để thi công tuyến đê này trước đó được phê duyệt khai thác tại xã Phú Lão, trước khi khảo sát thì đảm bảo về khối lượng, chất lượng. Nhưng khi mới chỉ lấy được khối lượng nhỏ thì gặp phải đất sét đen nên phải dừng không lấy nữa. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện nhà thầu đã chủ động phối hợp với các địa phương lân cận để tìm nguồn đất mang đi thi công tuyến đê. Đây là nguồn tài nguyên của địa phương thì thôi các chú (PV) cũng phải ủng hộ chứ nói có đúng theo quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 của UBND tỉnh Hoà Bình hay không thì chắc chắn là bọn anh  không đúng”, ông Tường thừa nhận.

Trước đó, trao đổi với ông Giang Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết, việc hạ cốt nền, san gạt đất đồi của 2 hộ ông Hai và ông Khánh đến nay mới chỉ đề nghị chứ chưa được cơ quan nào chấp thuận cũng như cấp phép cho thực hiện, khai thác.

Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở đất không được che chắn khiến đất vương vãi vẫn vô tư tung hoành trên Quốc lộ 21.

Quay trở lại làm việc với ông Bùi Mạnh Tường, khi được hỏi việc Công ty Hoàng Sơn mua lại đất đồi khai thác trái phép của người dân để thi công tuyến đê liệu  có đúng theo quy định và có đảm bảo được chất lượng công trình hay không? Ông Tường thừa nhận là đang “lách” quyết định số 36 của UBND tỉnh Hoà Bình và tạo điều kiện cho Công ty làm chứ nếu kiểm tra thì chắc chắn là đang làm sai.

“Nói thật với chú (PV) là phải chia sẻ với địa phương, mình đều nhận thức được, biết được việc làm đó là nó không đúng”, ông Tường nói.

Xe của Công ty Hoàng Sơn có biểu hiện quá khổ, quá tải vô tư chạy qua khu dân cư gây hư hỏng đường giao thông.

 

Tại quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 ban hành quy định về việc quản lý, cấp phép khai thác đất san, lấp khi cải tạo mặt bằng của UBND tỉnh Hoà Bình nêu rõ, trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được cấp phép khai thác đất san lấp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước như phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các nghĩa vụ khác theo quy định. Đồng thời tổ chức, cá nhân chỉ được cấp phép khai thác, san lấp khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Xe đi tới đâu là kéo theo bụi mù mịt tới đó.

 

Từ những quy định nêu trên, PV Báo Tài nguyên Môi trường có đề nghị được tiếp cận hồ sơ, quyết định đã được phê duyệt của dự án “Nâng cấp tuyến đê phòng chống lũ cấp bách kết hợp làm đường giao thông xã Phú Lão”. Tuy nhiên, ông Tường từ chối cung cấp với lý do nếu cung cấp mà bị tung ra ngoài thì sẽ khó làm việc.

“Thế bây giờ các chú (PV) lấy hồ sơ làm gì, cung cấp tài liệu để các chú viết cái gì nữa. Bọn anh không thể cung cấp, nói rõ như thế luôn. Cung cấp các chú lại cứ thoải mái viết, tung hết lên thì chắc chắn là khó làm việc rồi. Còn việc này nó sai quá rồi không cần nhắc lại làm gì nữa”, ông Tường thông tin.

Như vậy, việc Công ty Hoàng Sơn đã mắc ngoặc với hộ ông Hai và ông Khánh để khai thác đất đồi khi chưa được cấp phép, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế tài nguyên với nhà nước là việc làm trái quy định pháp luật, gây thất thoát tài nguyên, thất thoát ngân sách của Nhà nước.

Việc làm trên, Ban quản lý Dự án Xây dựng cơ bản huyện Lạc Thuỷ biết và nhận thức được là đang làm trái quy định nhưng vẫn “nhắm mắt làm ngơ” để Công ty Hoàng Sơn thực hiện là việc làm "tiếp tay", “chống lưng”, nối giáo cho doanh nghiệp sai phạm. Chính vì lẽ đó, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước bị hao hụt, tài nguyên khoáng sản bị bào mòn các con đường nứt gãy, khói bụi, tiếng ồn ngày càng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình cần vào cuộc, làm rõ các hành vi làm trái pháp luật, xử lý nghiêm minh đồng thời có thông tin phản hồi lại bạn đọc.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Công ty Hoàng Sơn gây thất thoát tài nguyên: BQLDA Xây dựng cơ bản huyện Lạc Thuỷ thừa nhận làm sai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO