Vụ công trình tiền tỷ nứt toác ở Lạng Sơn: Nhiều cựu lãnh đạo cấp Sở chỉ kiểm điểm sâu sắc

Hoàng Nghĩa| 24/06/2021 08:31

(TN&MT) - Một số cán bộ nguyên là lãnh đạo các Sở: GTVT, KH&ĐT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh ở Lạng Sơn chỉ nhận hình thức “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc” trong vụ công trình cầu thuộc Dự án đường giao thông Khu công nghiệp Đồng Bành (giai đoạn 1) vừa thi công xong thì một số mố đã nứt toác phải phá đi xây lại.

Theo báo cáo kết quả kiểm điểm (lần 2) của ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, đối với Sở KH&ĐT, xác định các lãnh đạo Sở có trách nhiệm liên quan đến quá trình tham mưu ban hành Báo cáo số 66/BC-SKHĐT ngày 06/02/2015 trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chỉ định thầu không đảm bảo quy định gồm 2 cá nhân là: Ông Nguyễn La Thông - nguyên Bí thư Thành ủy Lạng Sơn, nguyên Giám đốc Sở, đã nghỉ hưu; Ông Lê Văn Thắng - Chủ tịch UBND huyện Đình Lập, nguyên Phó Giám đốc Sở (phụ trách lĩnh vực).

Trong đó ông Thông với vai trò là người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm chung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ông Thắng, với vai trò là Phó Giám đốc Sở phụ trách phòng Công Thương, phòng chuyên môn chịu trách nhiệm trong việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án đường giao thông Khu công nghiệp Đồng Bành (giai đoạn 1) không đảm bảo theo quy định; tuy nhiên do việc thẩm định căn cứ vào chủ trương cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu tham gia các gói thầu (lập dự án, thiết kế, tư vấn, Xây dựng, thiết bị…) thuộc Dự án.

Công trình cầu thuộc Dự án đường giao thông Khu công nghiệp Đồng Bành (giai đoạn 1) hiện vẫn đang trong giai đoạn thi công.

Đối với Sở GTVT, đã thực hiện kiểm điểm bổ sung đầy đủ đối với ông Lăng Văn Thạu - nguyên Phó Giám đốc Sở, đã nghỉ hưu và 07/07 cá nhân trong Tổ thẩm định có trách nhiệm liên quan.

Trong đó, ông Lăng Văn Thạu, với vai trò là Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực liên quan, cá nhân chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Cá nhân đã thực hiện kiểm điểm nghiêm túc, chỉ ra nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan. Xét tính chất, mức độ hành vi vi phạm, Sở đề xuất hình thức rút kinh nghiệm sâu sắc.

Đối với 6/7 cá nhân trong Tổ thẩm định có trách nhiệm liên quan, báo cáo của ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, việc để xảy ra sự cố nêu trên cũng có một phần trách nhiệm của các cá nhân trực tiếp thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế. Nguyên nhân là năng lực chuyên môn cá nhân thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế còn hạn chế, có phần chủ quan và thiếu kinh nghiệm trong việc thẩm định các công trình cầu, có kết cấu và điều kiện địa chất phức tạp. Bản thân mỗi cá nhân cũng đã nhận thức rõ được trách nhiệm của mình, tự kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc trước Giám đốc Sở, coi đây là một bài học lớn về công tác tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, sớm khắc phục những tồn tại và tránh mắc phải những sai sót tương tự trong thời gian tới.

Riêng ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, với vai trò là Tổ trưởng tổ thẩm định đã nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân đối với hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Tuy nhiên, hành vi vi phạm xảy ra tại thời điểm năm 2015, do vậy đến thời điểm hiện tại đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật khiển trách theo quy định.

Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đã báo cáo bổ sung về trách nhiệm của ông Trần Thành Đức, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (đã nghỉ hưu). Trong đó ông Đức có một phần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành Tổ tư vấn giám sát, đã chủ quan, sơ suất khi chưa quan tâm một cách đầy đủ, sâu sắc đến hoạt động nghiệp vụ của Tổ tư vấn giám sát, do đó đã không phát hiện những hạn chế, thiếu sót của Tổ tư vấn giám sát; không phát hiện thiết kế công trình đã được duyệt không phù hợp để đề xuất, kiến nghị với chủ đầu tư biện pháp xử lý sẽ không dẫn đến hậu quả là xảy ra sự cố làm rạn nứt mố, trụ cầu một cách đáng tiếc và ngoài ý muốn.

Báo cáo của ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng nêu rõ, ông Đức với vai trò là lãnh đạo Ban phụ trách lĩnh vực, cá nhân chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Xét tính chất, mức độ hành vi vi phạm, tập thể lãnh đạo Ban đề xuất hình thức đối với ông Đức là rút kinh nghiệm sâu sắc.

Trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, đơn vị; căn cứ vào hành vi, mức độ sai phạm, nguyên nhân chủ quan, khách quan, việc khắc phục các sai phạm; đối chiếu với các quy định của pháp luật, Sở Nội vụ đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn đồng ý hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc đối với các ông: Nguyễn La Thông - nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT; Lê Văn Thắng - Chủ tịch UBND huyện Đình Lập, nguyên Phó Giám đốc KH&ĐT; Trần Thành Đức - nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh; Lăng Văn Thạu, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT và 06/07 thành viên trong tổ thẩm định với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.

Việc phá toàn bộ hạng mục Mố M1, M2, Trụ T1, T2 để làm lại gây lãng phí lớn trong khi các cán bộ liên quan chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Trước đó, Báo TN&MT đã thông tin, dự án đường giao thông Khu công nghiệp Đồng Bành (giai đoạn 1) do Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng –Lạng Sơn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 113,9 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, sau khi xây lắp xong phần dầm cầu của dự án, tổ tư vấn giám sát phát hiện hiện tượng rạn nứt mố M1 với các vết nứt nhỏ, chạy dọc theo thân mố xuống bệ mố cầu. Tiếp tục kiểm tra tại mố M2 cũng phát hiện vết nứt trước và sau mố. Một thời gian sau đó, tổ tư vấn giám sát tiếp tục phát hiện vết nứt phía dưới 2/3 trụ T1, trụ T2 chưa phát hiện vết nứt và hạng mục cầu được tạm dừng thi công để xác định nguyên nhân.

Sau khi xác định được nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng rạn nứt công trình, Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã họp thống nhất, báo cáo và được UBND tỉnh đồng ý đề xuất cho phá toàn bộ hạng mục Mố M1, M2, Trụ T1, T2 để làm lại. UBND tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu nhiều tập thể, cá nhân liên quan kiểm điểm trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ công trình tiền tỷ nứt toác ở Lạng Sơn: Nhiều cựu lãnh đạo cấp Sở chỉ kiểm điểm sâu sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO