Vụ "băm bổ" đất lâm nghiệp ở Tĩnh Gia - Thanh Hoá: Vì sao quặng tặc không bị xử lý?

19/11/2017 00:00

(TN&MT) – Nhiều người ví những đồi rừng tại thôn Hải Lâm, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là “lá phổi xanh” còn lại hiếm hoi của khu lọc hóa dầu Nghi Sơn. “quặng tặc” đã băm nát, tàn phá không thương tiếc hàng chục nghìn mét vuông đất lâm nghiệp với mục đích là để khai thác trái phép quặng silic và đất mang đi bán. Sự việc diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật như thế, nhưng không hiểu tại sao chính quyền địa phương lại không có biện pháp xử lý gì. Nhiều người hoài nghi đặt câu hỏi: Phải chăng “ quặng tặc” có ai đó chống lưng nên mới lộng hành như thế?. 

Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử ngày 18/11/2017 đăng bài: “Tĩnh Gia (Thanh Hóa): "Băm bổ" đất lâm nghiệp để khai thác quặng và đất trái phép?”, phản ánh việc từ hơn 3 tháng nay quặng tặc đã đưa máy xúc, máy ủi và hàng chục xe ô tô Howo hay xe 3 chân, 4 chân để chặt phá cây rừng, cày xới đất lâm nghiệp để khai thác quặng silic và đất mang đi bán kiếm lời. 

Quặng tặc
Quặng tặc "băm nát" cả quả đồi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ diện tích đang bị băm bổ, xé nát để khai thác quặng ở thôn Hải Lâm thuộc đất lâm nghiệp (CLN) và đất vườn của 6 hộ gia đình gồm: Lê Mai Lý 816,7 m2, bà Lê Thị Khuyến 4.200 m2, bà Cao Thị Loan 4.800 m2, ông Lê Văn Hợi 4.000 m2, ông Cao Văn Ái 2.500 m2 và của ông Lê Văn Ba 4.500 m2 đã được UBND xã Mai Lâm giao đất để trồng cây lâm nghiệp. 

Trước việc khai thác quặng và đất trái phép tràn lan, Ngày 19/10/2017, UBND xã Mai Lâm đã có Biên bản làm việc với 6 hộ dân về việc khai thác đất trái phép. Lý giải về việc băm bổ, xé nát đất rừng để lấy quặng và đất đem đi bán bà Cao Thị Loan nói: Gia đình tôi có thửa đất lâu nay trồng sắn, thửa đất khô cằn, không canh tác được, nay tôi san cho bằng phẳng để canh tác tăng thêm thu nhập.

Quặng tặc
Quặng tặc " băm nát" cả quả đồi

Còn ông Cao Văn Ái và Lê Văn Ba thì lại cho rằng: Hành vi san lấp vườn khi chưa được các cơ quan nhà nước cho phép là sai. Tuy nhiên do diện tích đất vườn rộng, ruộng đất nông nghiệp bậc thang không canh tác được nên chúng tôi có thuê máy múc hạ vườn cho bằng phẳng để canh tác. Đến nay chúng tôi không làm nữa và không phát sinh thêm. 

UBND xã cũng yêu cầu các hộ dừng ngay việc san lấp trái phép, không được phát sinh. Nếu hộ gia đình nào vẫn múc sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 

Máy xúc vẫn ngang nhiên hoạt động
Máy xúc vẫn ngang nhiên hoạt động

Rõ ràng việc các hộ lập luận đây là đất khô cằn, bậc thang…nên phải hạ thấp để canh tác là không đúng. Bởi vì đây là đất lâm nghiệp nên chỉ trồng rừng, khi chúng tôi có mặt tại địa điểm trên thì những đồi rừng đang xanh mơn mởn, nhiều cây gỗ to được chặt hạ gốc cây nằm chỏng trơ và việc UBND xã kiểm tra lập Biên bản cũng chỉ là hình thức, bởi từ khi lập Biên bản đến nay đã gần một tháng, nhưng các hộ dân vẫn mở đường vào và ngày đêm khai thác quặng. Con đường vào đến điểm khai thác đất, được “đất tặc” đầu tư mở rộng cho hàng loạt xe 3 chân dễ ràng đi vào chở đất. Dọc tuyến đường này in hằn vệt bánh xe, đi sâu vào điểm khai thác đất có nhiều vị trí bị đục khoét nham nhở, cây cối bị chặt phá ngả nghiêng, nhiều gốc cây to bất rễ nằm chỏng chơ. Khác ở chỗ, trước đây “quặng tặc” làm ngày thì nay chuyển sang làm đêm, nên ban ngày họ đưa máy móc vào bụi cây để giấu. 

Thế nhưng UBND xã vẫn không xử phạt, mặc dù Chủ tịch UBND xã đã ký hơn một tháng nay
Thế nhưng UBND xã vẫn không xử phạt, mặc dù Chủ tịch UBND xã đã ký hơn một tháng nay

Ngày 16/10/2017, UBND xã Mai Lâm đã có 6 Quyết định từ số 139a, 139b, 139c, 139d, 139đ và 139e QĐ-UBND xử phạt hành chính 6 hộ: Lê Mai Lý, bà Lê Thị Khuyến, bà Cao Thị Loan 4, ông Lê Văn Hợi, ông Cao Văn Ái và ông Lê Văn Ba vi phạm san lấp đất trái phép, tự chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan chức năng cho phép được Quy định tại Điểm a, khoản 2, Điều 8, Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ trong lĩnh vực đất đai. 

Theo bà Lê Thị Nhung– Cán bộ địa chính xã Mai Lâm cho biết: Sau khi lập Biên bản 6 hộ tại thôn Hải Lâm có hành vi khai thác quặng và đất trên đất lâm nghiệp trái phép, UBND xã cũng đã có Quyết định xử phạt hành chính. Tuy nhiên cũng theo bà Nhung, Quyết định xử phạt hành chính Chủ tịch UBND xã cũng đã ký hơn một tháng nay nhưng chưa đóng dấu và chưa ban hành mà mới gửi bản sao cho các hộ tham khảo!?. 

Thế nhưng UBND xã vẫn không xử phạt, mặc dù Chủ tịch UBND xã đã ký hơn một tháng nay
Thế nhưng UBND xã vẫn không xử phạt, mặc dù Chủ tịch UBND xã đã ký hơn một tháng nay

Tiếp xúc với chúng tôi nhiều hộ dân thôn Hải Lâm tỏ ra vô cùng ngạc nhiên bởi quặng tặc hoành hành cả một thời gian dài, xe chở quặng, chở đất chạy ầm ầm cả ngày đêm, khói bụi mù mịt gây ô nhiễm môi trường như thế nhưng không hiểu vì sao không bị xử lý hay chính quyền địa phương  “chống lưng” cho quặng tặc???

Rất mong UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa cần sớm điều tra làm rõ việc quặng tặc đã ngang nhiên cày xới hàng nghìn mét vuông đất lâm nghiệp để khai thác quặng trái phép thu lợi bất chính. Xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể chỉ vì lợi ích riêng mà cố tình vi phạm pháp luật

Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này

Bài & ảnh: Hòa Trường

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ "băm bổ" đất lâm nghiệp ở Tĩnh Gia - Thanh Hoá: Vì sao quặng tặc không bị xử lý?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO