Vô tư nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép vì không bị xử lý

02/01/2016 00:00

  Có một thực trạng đáng buồn đang xảy ra, nhiều hộ dân sống ở miền núi rẻo cao huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) đã và đang nuôi nhốt động vật hoang...

 

Có một thực trạng đáng buồn đang xảy ra, nhiều hộ dân sống ở miền núi rẻo cao huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) đã và đang nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép trong những chiếc lồng, cũi sắt để làm cảnh. Hành động này đã “đánh cắp” sự tự do của các loài động vật và phá vỡ sự cân bằng của môi trường tự nhiên.

Những con thú trong sách đỏ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ dân thuộc huyện Hướng Hóa và Đakrông, đặc biệt là những hộ giáp biên giới thường nuôi nhốt nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm trong nhà mà không hề có bất kỳ loại giấy tờ hợp pháp nào chứng minh nguồn gốc của con thú cũng như đăng ký nuôi dưỡng, chăm sóc động vật hoang dã. Những chú khỉ mặt đỏ tinh nghịch, những con vượn to khỏe, và một số loài vật trong Sách đỏ Việt Nam cũng bị nhốt, xích chân giữa những chiếc lồng, cũi sắt chật hẹp, bẩn thỉu.

Khỉ mặt đỏ có tên khoa học là Macaca Arctoides với đặc điểm nhận dạng là màu lông sẫm pha đỏ, nâu hoặc đen ở phần trên của cơ thể. Mặt chúng đỏ và gần như không có đuôi. Con non có màu vàng nhạt, trắng. Khỉ đuôi dài có tên khoa học là Macaca Fascicularis. Đặc điểm nhận dạng loài khỉ này là đuôi dài hơn tất cả các loài khỉ khác ở Việt nam. Đuôi của chúng có thể có dài gần bằng chiều dài cơ thể. Cả hai loài này đều được nhiều người ưa chuộng nuôi làm cảnh ở nhà riêng, nhà hàng, khách sạn hoặc các cơ sở kinh doanh khác. Khỉ còn bị buôn bán để ngâm rượu hoặc làm thức ăn tại các nhà hàng. Vì có giá trị thẩm mĩ và giá trị kinh tế cao nên những loài khỉ này thường bị săn bắt cạn kiệt dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Hai loài này có mức độ bảo vệ thuộc nhóm IIB (Sách đỏ Việt Nam đánh giá mức độ sắp nguy cấp). Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định các chương trình với mục đích nghiên cứu khoa học, bảo tồn và khai thác thương mại các loài này yêu cầu phải có giấy phép.

Hình ảnh những chú khỉ gầy gò, ốm yếu, ánh mắt hoang dại và trở nên hung dữ khi gặp con người đã quá quen thuộc với những người dân sống gần nhà anh H.V.V. (thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa). Gia đình anh V nuôi hai cá thể khỉ từ năm 2010, trong đó có một con khỉ mặt đỏ và một con khỉ đuôi dài (đều nằm trong Sách đỏ Việt Nam). Chuồng sắt nhốt hai chú khỉ chỉ vỏn vẹn 4m2, được dựng bằng khung sắt và lưới thép, không đủ không gian cho hai chú khỉ leo trèo, nghịch ngợm. Chân chúng bị chủ xích chặt vì hay phá phách, cố tìm đường thoát ra ngoài.

Nếu như ở ngoài môi trường tự nhiên, chắc hẳn chúng đã có thể nô đùa cùng đồng loại, bè bạn và con đàn cháu đống. Nhưng ở đây, trong cái lồng sắt này, chúng trở nên gầy yếu, hung dữ, lười nhác. Anh V cho hay: “Mấy năm trước, mình đi làm ăn bên Lào, thấy hai con khỉ này đẹp quá mà họ lại bán giá cũng rẻ nên mua về nuôi. Hằng ngày, mình cho nó ăn hoa quả và các loại rau. Mình thích thì nuôi thế thôi chứ không đăng ký giấy tờ gì cả. Có biết pháp luật cấm nuôi đâu. Mình nghĩ thích thì nuôi được nên nuôi thôi”. Khi được hỏi trong thời gian nuôi hai chú khỉ, chính quyền có tới “hỏi thăm” không thì anh cười: “Không thấy chính quyền tới mà chỉ thấy mấy đứa con nít ngày nào cũng vui đùa quanh chuồng khỉ thôi”.

Rời Hướng Hóa để xuôi về huyện Đakrông, chúng tôi bắt gặp anh Hồ Văn D (xã A Vao, huyện Đakrông) đang thái trái cây làm thức ăn cho chú khỉ đuôi dài được nhốt nơi góc chuồng phía sau vườn nhà. Anh D bộc bạch: “Mình quen mấy người bạn hay đi rừng. Một hôm, thấy họ bắt về được chú khỉ con dễ thương nên mua về nuôi. Mình nuôi nó được hơn 5 năm rồi mà có thấy ai tới hỏi giấy tờ gì đâu”.

Bỏ ngỏ việc quản lý

Không riêng gì anh V và anh D, rất nhiều hộ gia đình nuôi nhốt động vật hoang dã mà chúng tôi từng tiếp xúc đều không có giấy tờ đăng ký nuôi nhốt và họ cũng không biết các bước làm thủ tục đăng ký như thế nào, ở đâu, có vi phạm pháp luật không… Nuôi động vật hoang dã trái phép còn tiềm ẩn nguy hiểm khó lường, nhất là vào mùa sinh sản. Vì không có con đực, con cái nên chúng trở nên hung dữ hơn, phá chuồng chạy ra ngoài tìm bạn tình. Rất nhiều trường hợp do bị nuôi nhốt lâu ngày, lũ khỉ bị kích động nên tấn công con người.

Mới đây, ngày 17.10, chị Phan Thị Thu Giang cùng nhóm bạn đang tham quan trên tuyến du lịch Không gian xanh thuộc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) thì bất ngờ bị một cá thể khỉ xổng chuồng nhảy tới cắn ở vùng mặt. Chị Giang bị chảy nhiều máu, được bạn bè đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Hay trường hợp anh Nguyễn Tấn Đức (SN 1972, trú tại Bến Lức, tỉnh Long An) bị con khỉ anh nuôi hơn 10 năm cắn nát hai bàn tay vì có nhiều người trêu đùa nó.

Không kể đâu xa, ngay tại nhà anh H.V.V (ở thị trấn Khe Sanh mà chúng tôi nhắc ở trên) cũng đã từng xảy ra nhiều trường hợp khỉ cào cấu, cắn người cho chúng ăn hoặc tò mò tới xem. Cháu H.T.T (17 tuổi, con gái anh V) kể: “Trước đây, cháu đã bị con khỉ trong chuồng cắn vì cháu đưa chuối cho nó ăn mà tới gần chuồng quá. Nó kéo tay cháu vào rồi cắn. May mà có bố cháu ở nhà nên cứu được…”. Khi chúng tôi tò mò tới gần chuồng khỉ để xem thì được anh V “Khuyến cáo” là không nên đứng quá gần để tránh khỉ cào cấu…Còn rất nhiều trường hợp con người bị khỉ tấn công vì chính chúng ta đang cướp đi quyền tự do của chúng khiến chúng trở nên hung tợn.

Theo quy định của pháp luật, hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã đã vi phạm quy định về bảo tồn động vật hoang dã, trong đó có Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2008. Đây là văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất, điều chỉnh toàn diện và thống nhất các vấn đề về đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn sinh học nói riêng. Chương IV của bộ luật đã quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật. Ngoài ra, Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nghiêm cấm những hành vi sau đây: Khai thác thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái quy định tại Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật; vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái với quy định tại Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật.

 

Theo Lao Động

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vô tư nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép vì không bị xử lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO