Thực tế, nước chiếm đến 3/4 diện tích bề mặt Trái đất. Một con số không hề nhỏ. Nhưng tiếc thay, nguồn tài nguyên ấy lại không phải là nước sinh hoạt có thể uống để duy trì cuộc sống, không phải thứ nước giúp chúng ta thỏa mãn cơn khát, không phải là thứ nước kỳ diệu có thể cứu sống ai đó trên sa mạc khô rát… Bởi nó không phải là nước ngọt.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hiện nay, còn 2,2 tỷ người trên toàn cầu đang sống trong tình trạng không được tiếp cận với nước an toàn, khan hiếm nước.
Còn tại Việt Nam, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam: Hồng - Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai và nhóm lưu vực sông Đông Nam Bộ.
Ảnh minh họa |
Giá trị kinh tế của nước chưa được phân bổ đồng đều cho các đối tượng sử dụng nước khác nhau, chẳng hạn như còn các cơ chế miễn phí, ưu đãi đặc biệt cho sử dụng nước cho nông nghiệp - là hộ sử dụng nước có tiêu hao lớn nhất dẫn đến sử dụng nước còn lãng phí, không hiệu quả. Theo tính toán, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, thấp hơn Lào 2,53 USD. Giá trị của nước không được nhận thức đúng đắn dẫn đến tình trạng sử dụng tài nguyên nước lãng phí.
Rõ ràng, lãng phí xảy ra mọi lúc mọi nơi. Thực tế, chúng ta thường phải chứng kiến nhiều giếng khoan khai thác nước dưới đất với đầu tư lớn nhưng phải ngừng hoạt động do nước bị ô nhiễm, các trạm cấp nước xây xong hoạt động một thời gian rồi cạn khô, đắp chiếu hay nước bị sử dụng lãng phí hoặc chỉ dùng để... tưới cây trong khi không đủ nước sạch cho đời sống hằng ngày.
Soi chiếu vào thực tế hôm nay, tại miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vẫn còn rất nhiều nơi thiếu nước sạch. Người dân vẫn ăn uống tắm giặt với nước phèn, nước nhiễm mặn, có nơi chắt chiu giữ từng ca nước ngọt quý giá, có nơi phải sống cùng nguồn nước ô nhiễm dư lượng chất độc hại.
Chưa kể, việc chia sẻ một cách hài hòa trong sử dụng nguồn nước giữa các cấp, các bên (Trung ương - địa phương, địa phương - địa phương, địa phương - doanh nghiệp) là vấn đề đáng suy ngẫm.
Đôi khi, xung đột lợi ích sử dụng nước xảy ra giữa các địa phương hoặc giữa địa phương với doanh nghiệp thủy điện cũng diễn ra khá căng thẳng, dai dẳng, trong đó, câu chuyện tranh chấp nguồn nước giữa Đà Nẵng và Quảng Nam cũng có thể coi là một vụ việc điển hình.
Quay lại câu chuyện cảnh báo từ Liên Hợp Quốc là đến năm 2050, con số “khát nước” sẽ đạt tới 3,9 tỷ người, nghĩa là cứ 5 người trên thế giới sẽ có hơn 2 người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.
Liệu 1 trong 2 người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch đó, lấy gì đảm bảo rằng, không phải là chính chúng ta?